Nguyễn Tất Nhiên gã cuồng thơ yểu mệnh

may0

Khúc Tình Buồn
Lời & Nhạc : Nguyễn Tất Nhiên
Khánh Ly

Có những người chết trẻ, nhưng tên tuổi và tác phẩm của họ còn ở lại rất lâu với cuộc đời. Đó là Đặng Thế Phong (24 tuổi), Hoàng Quý (26 tuổi), Hàn Mặc Tử (28 tuổi), Bích Khê (30 tuổi)… Tất cả đều là những bậc tài hoa, mệnh yểu! Trong số họ, tôi hay nghĩ về bạn tôi, nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên. Anh chỉ nấn ná với dương gian đến năm 40 tuổi.
NguyentatnhienNăm 1937, ở tuổi 17, Chế Lan Viên trình làng tập thơ “Điêu tàn”, được coi như một kỳ tích. Năm 14 tuổi (1966), Nguyễn Tất Nhiên đã có “Nàng thơ trong mắt”, rồi hai năm sau, mới tròn 16 tuổi, cùng với thi văn đoàn Tiếng Tâm Tình, Nhiên lại có tập “Dấu mưa qua đất” và 18 tuổi có tập “Thiên tai”, đều ký bút danh Hoài Thi Yên Thi. Trần Đăng Khoa mới 10 tuổi đã có tập thơ riêng, được xem như thần đồng, nhưng đó là thơ dành cho thiếu nhi. Còn với thơ tình thì Nguyễn Tất Nhiên đã lập nên một kỷ lục. Có điều, chỉ với một “Điêu tàn” thôi, Chế Lan Viên đã trở thành một cây đại thụ. Còn Nguyễn Tất Nhiên, với bút hiệu Hoài Thi Yên Thi, thì dù đã in 3 tập thơ rồi, vẫn còn là một… mầm xanh! Trong làng thơ miền Nam trước 1975, với cái bút hiệu còn thơm mùi giấy học trò như thế, chàng thiếu niên của vùng đất Đồng Nai vẫn chỉ mới là con chim sẻ vừa ra ràng. Nhưng vài năm sau, khi trở thành Nguyễn Tất Nhiên, với sự chắp cánh của nhạc sĩ Phạm Duy, con chim sẻ ấy đã vững cánh bay xa…

Nguyễn Tất Nhiên tên thật là Nguyễn Hoàng Hải, sinh năm 1952 tại Đức Tu, Biên Hòa. Sinh thời anh chẳng đi đâu xa, chỉ quanh quẩn trong hai thành phố Biên Hòa và Sài Gòn. Lần đầu tiên tôi gặp Nhiên là dạo cuối năm 1972, tại nhà thi sĩ Du Tử Lê, một căn phòng nhỏ ở số 8, đường Hồng Thập Tự (nay là Nguyễn Thị Minh Khai). Nguyễn Tất Nhiên là “khách thơ” thường xuyên tạm trú ở đó. Lần nào tôi tới cũng thấy anh đang cặm cụi làm thơ. Tôi không hiểu tại sao trong căn phòng chật hẹp như thế, mà thằng bé Lê Tử Du, con trai của Du Tử Lê, còn đỏ hỏn, lại có thể chịu đựng nổi khói thuốc mịt mù của Nhiên phả ra như khói tàu hỏa. Nguyễn Tất Nhiên hút liên tục. Điếu này vừa dứt lại mồi tiếp điếu khác, quăng tàn thuốc la liệt xuống sàn. Lê coi Nhiên như một đứa em ruột thịt, nên Lê dọn nhà đi đâu, Nhiên cũng đi theo. Về sau, Du Tử Lê mua được một căn nhà trong làng Báo Chí ở bên kia cầu Sài Gòn và trở thành hàng xóm, láng giềng của tôi. Tôi ở cuối đường số 2. Giữa đường, có Cung Văn – Nguyễn Vạn Hồng, sát với nhà văn Thụy Vũ. Đầu đường, có họa sĩ Phạm Văn Hạng và Phan Kim Thịnh (tức nhà báo Lý Nhân, người hay viết cho An ninh thế giới sau này). Đường số 3 có Nguyễn Đình Toàn. Du Tử Lê ở đường số 4. Vài lần, Nguyễn Tất Nhiên ghé tìm, nhưng Du Tử Lê đi công tác xa, không có nhà. Chẳng còn ai thân thiết ở đây, thế là bất đắc dĩ, Nhiên qua ở lại nhà tôi.

Những lần ghé lại, Nhiên dường như không ngủ, cứ lục đục suốt đêm để pha càphê, hút thuốc và làm thơ. Sáng, tôi chạy ra quán mua bàn chải đánh răng, khăn mặt về cho khách. Nhiên khoát tay lia lịa: “Khỏi, khỏi. Để chiều về Biên Hòa tắm luôn một lượt. Ông đọc bài thơ tôi mới làm tối qua đây này”. Nguyễn Tất Nhiên không cần quan tâm đến bất cứ một điều gì khác ngoài thơ. Anh say thơ đến điên cuồng, đến mức lập dị. Lần nào gặp, tôi cũng thấy anh mặc chiếc áo ca-rô, bỏ ngoài quần tây nhăn nhúm, chân đi đôi dép lẹp xẹp, khá lôi thôi và bất cần.

Những cây viết trẻ miền Nam đều coi tạp chí Văn là mảnh đất ươm mầm, được Văn chọn đăng truyện ngắn hay thơ là lấy làm hãnh diện lắm, coi như đó là dấu ấn trưởng thành. Một hôm, tôi và Du Tử Lê, mỗi người có một bài viết về Nguyễn Tất Nhiên và Kim Tuấn (tác giả những bài thơ nổi tiếng “Anh cho em mùa xuân”,”Những bước chân âm thầm”) trên tờ Văn Học do anh Phan Kim Thịnh làm chủ bút. Báo ra, cầm tờ Văn Học trên tay, Nguyễn Tất Nhiên nói: “Phải chi được đăng trên tờ Văn thì hay biết mấy!”. Khi đó, Nhiên đã nổi tiếng, nhưng anh vẫn còn giữ nguyên cái mơ ước rất dễ thương của tuổi học trò.
ThienTaiThienTai0

Tôi với Nguyễn Tất Nhiên gặp nhau rất nhiều lần, có những lần ngồi quán càphê suốt buổi, nhưng vẫn không thân bằng so với đạo diễn Lê Cung Bắc thân với Nguyễn Tất Nhiên. Mới đây, tôi có hỏi Lê Cung Bắc: “Hồi đó, anh đi đâu trên Biên Hòa mà gắn bó với Nguyễn Tất Nhiên như thế?”. Bắc kể: “Năm 1973, sau khi học xong cao học, tôi bị động viên vào trường sĩ quan Thủ Đức. Ra trường, bị thuyên chuyển lên Biên Hòa. Ở đó, tôi có mướn một căn phòng nhỏ trên đường Ngô Quyền để tá túc. Một buổi chiều, tôi từ Sài Gòn lên Biên Hòa. Xuống bến xe, đi bộ lững thững về nhà, ngang qua quán càphê Tuyệt, thì có một thanh niên ăn mặc lôi thôi, lếch thếch, trông rất lãng tử, từ trong quán đi ra, cứ lẽo đẽo theo sau. Đến đầu ngõ, tôi sắp quẹo vào, thì người thanh niên đó vượt lên hỏi, có phải anh là Lê Cung Bắc không? Tôi gật đầu. Người thanh niên tự giới thiệu mình là nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên, ái mộ tôi đã lâu, mãi đến bây giờ mới được gặp. Lúc bấy giờ thơ của Nhiên đã có tiếng tăm. Tôi lại là người yêu thơ, nên hai chúng tôi kéo nhau vào một quán càphê gần đó ngồi nói chuyện. Nguyễn Tất Nhiên tâm sự, trong đời Nhiên có hai người mà anh yêu mến và kính phục tài năng nhất. Về thi ca là Du Tử Lê, về thoại kịch là Lê Cung Bắc. Từ đó tôi và Nhiên trở nên gắn bó. Tôi coi Nhiên như em và thương nó vô cùng. Một thời gian sau, Nguyễn Tất Nhiên nói với tôi, nhạc sĩ Phạm Duy phổ thơ của Nhiên, mà chỉ để tên một mình ông trên bản nhạc, chứ không có tên tác giả bài thơ. Hiện các ca sĩ đang hát ì xèo mà chẳng thấy ai trả cho Nhiên một cắc bạc nào hết. Tôi đưa Nguyễn Tất Nhiên đến gặp nhà văn Chu Tử, chủ bút nhật báo Sóng Thần, tờ báo mà tôi có tên trong nhóm chủ trương. Ngay hôm sau, ông Chu Tử phang Phạm Duy một bài khá nặng trên mục Ao Thả Vịt. Thế là nổi đình, nổi đám. Về sau, nghe nói nhà xuất bản hay ai đó có điều đình và gửi cho Nhiên một số tiền, không biết là bao nhiêu. Có tiền, Nhiên nói muốn may tặng tôi một bộ veston, vì gia đình Nhiên là chủ một tiệm may khá nổi tiếng ở Biên Hòa. Nhưng tôi từ chối…”

Lê Cung Bắc còn nhận xét, Nguyễn Tất Nhiên rất dễ thương, dù có vẻ hơi bất bình thường. Nhiên từng khoe là anh giả điên rất giỏi, đến độ qua mặt được cả hội đồng giám định y khoa, để khỏi bị đi lính. Rồi Nhiên tự diễn xuất cho Bắc coi. Coi xong, Lê Cung Bắc cười ngặt nghẽo: “Chú mày có vẻ điên thật hơn là giả điên!”. Sau ngày 30-4-1975, Nguyễn Tất Nhiên làm việc tại ban điều hành Hợp tác xã xe lam Biên Hòa, thỉnh thoảng vẫn về Sài Gòn, ngồi uống rượu với Lê Cung Bắc, cho đến ngày Nguyễn Tất Nhiên rời xa quê hương.

Nguyễn Tất Nhiên cũng rất thân với nhà thơ Phạm Chu Sa. Một lần ngồi uống rượu, Phạm Chu Sa nhận xét: “Bút hiệu Nguyễn Tất Nhiên nghe ngồ ngộ. Có vẻ hay và chững chạc hơn là Hoài Thi Yên Thi nhiều”. Nguyễn Tất Nhiên bộc bạch ngay: “Bút hiệu này do Du Tử Lê đặt. Ngay lần đầu mới gặp, Lê đã chê cái bút hiệu Hoài Thi Yên Thi”. Nguyễn Tất Nhiên hỏi Du Tử Lê: “Bạn bè em cũng chê. Cái bút hiệu này hơi sến phải không?”. Lê đáp: “Tất nhiên”. Khi biết là họ Nguyễn, Du Tử Lê mới nói: “Nguyễn, tất nhiên, sao không lấy là Nguyễn Tất Nhiên”. Vậy là cái tên định mệnh đó ra đời, gắn chặt với thi nghiệp một con người tài hoa bạc mệnh.NguyenTatNhien0

Đầu thập niên 80 (của thế kỷ trước), Nguyễn Tất Nhiên sang Pháp, được vài năm thì qua Mỹ định cư. Lúc này bệnh tâm thần của Nhiên, từ giả thành thật và có phần nặng thêm. Ngày 3-8-1992, Nguyễn Tất Nhiên đã tìm đến một ngôi chùa tại quận Cam (California), uống nhiều thuốc an thần rồi vào xe hơi, nằm chết ở đó! Lúc này anh vừa tròn tuổi 40.
Đây là bài thơ được xem là cuối cùng của Nguyễn Tất Nhiên.

TÌNH ƠI HỠI TÌNH

Lâu rồi… không nhớ bao lâu
Tìm nhau trong cõi bạc đầu nhân gian
Em về dưới gót trăng tan
Có nghe thiên cổ tiếng ngàn thông đau.
Lâu rồi… lâu lắm xa nhau
Còn chăng hư ảnh trong màu thời gian
Em đi tóc lộng mây ngàn
Ngàn mây lộng khổ mây bàng bạc theo
Lâu rồi… không biết bao nhiêu
Nắng mưa trên những tan xiêu đỗ đời
Hôm em êm ả điệu ngồi
Sau lưng là những tình ơi hỡi tình.

Mới đây, một tờ báo in trong nước đã có bài viết nhắc lại vụ kiện bản quyền nổi đình, nổi đám một thời giữa Nguyễn Tất Nhiên và Phạm Duy. Nhạc sĩ Phạm Duy phát biểu: “Vụ kiện này hắn hơi điên khùng đấy, hắn ở nhà thương điên ra mà. Tôi đâu có chịu trách nhiệm về vấn đề bản quyền. Ngày ấy, Nguyễn Tất Nhiên có bao giờ nói thẳng với tôi đâu mà chỉ qua những người khác. Tôi chỉ phổ nhạc thôi, còn nhà xuất bản trả tiền hắn chứ. Tôi không mất một xu nào cho hắn. Còn các nhà xuất bản có trả hắn không thì tôi không biết”. Theo tôi thì việc ai trả tiền bản quyền và trả bao nhiêu cho Nguyễn Tất Nhiên không quan trọng. Vấn đề là một tác giả như Phạm Duy thừa hiểu rằng, khi một nhạc sĩ phổ thơ của thi sĩ nào đó, thì tên của tác giả bài thơ phải được đứng chung với tên của nhạc sĩ trên mọi ấn phẩm. Bởi vì, nhờ công sức của cả hai gộp lại mới thành ca khúc.
NuenTatNhienFront

NguyenTatNhienback

Nguyễn Tất Nhiên đã thành người thiên cổ và Phạm Duy cũng đã gần đất xa trời. Mọi thứ đã bị bụi thời gian phủ lấp. Nhắc lại chuyện này cũng chỉ như là một giai thoại giữa hai con người nổi tiếng, thuộc hai thế hệ khác nhau. Để có cớ nhớ về một nhà thơ, người bạn tài hoa đã khuất dặm mây ngàn…

Đoàn Thạch Hãn

Nghe : Băng Nhạc Tình Khúc Nguyễn Tất Nhiên Những Năm Tình Lận Đận 1984
Xem thêm : Vài bài Thơ Nguyễn Tất Nhiên
Vài bài hát từ thơ Nguyễn Tất Nhiên

3 comments

  1. THƯƠNG TIẾC NHÀ THƠ TÀI HOA NGUYỄN TẤT NHIÊN YỄU MỆNH😘😘😘
    Viết về Duyên

    Đỗ Xuân Tê

    Nhân Quán Văn số mới nhất mang chuyên đề chân dung một thi sĩ xứ Bưởi, tôi bỗng nảy sinh muốn viết ít hàng về ‘một người con gái tên Duyên’. Những người yêu thơ Nguyễn Tất Nhiên từ thuở sinh thời ít nhiều cũng có nghe giai thoại về cô gái Bắc kỳ nho nhỏ này đã một thời làm tan nát trái tim chàng học sinh si tình cùng lớp tại một ngôi trường tỉnh lẻ, mà chỉ một thập niên sau đã trở thành nhà thơ trẻ có chỗ đứng nhất định trong văn học miền Nam.

    Tới khi ra hải ngoai, nhà thơ đa tài nhưng vắn số được coi như niềm tự hào của những đồng hương xứ Bưởi khi Nguyễn Tất Nhiên trở thành danh nhân ngang vai với những bậc trưởng thượng, quan tướng, sĩ phu nổi tiếng một thời của đất Đồng Nai, thủ phủ miền Đông.

    Tôi biết Nguyễn Tất Nhiên trước khi anh thành danh. Tôi hâm mộ Nguyễn Tất Nhiên không hẳn vì thơ, mà là yêu những ca khúc được phổ thơ của anh.Trước khi thơ anh trở thành nhạc, tôi đã đọc thi phẩm đầu tay Thiên Tai qua giới thiệu của một đồng nghiệp là thầy dậy của anh. Tôi đã gặp đâu đó chàng trai thích in thơ và muốn nổi danh gần doanh trại của tôi khi anh chàng cố tiếp cận một nhà thơ quân đội (cũng là bạn đồng ngành) sau này là người đỡ đầu cho bước khởi đầu con đường thi ca của anh.

    Và phải nói có phần thiếu trọng thị khi không ít ngưòi vô tình đánh giá thấp tài năng của Nguyễn Tất Nhiên, có thể lúc đó tuổi đời và sở học của chàng thi sĩ trẻ chưa đến độ chin. Tôi cũng là ngưòi trong số này, nhưng do sinh hoạt nghề nghiệp tôi ỷ y có may mắn được giao tiếp với nhiều nhà thơ nhà văn mà sau này có người trở thành huyền thọai kể cả nhà thơ đã mentor cho anh.

    Cho đến khi đất nước đổi đời mũ áo te tua, anh em chúng tôi trớ trêu thay lại là lúc ‘bắt gặp’ Nguyễn Tất Nhiên qua những bài hát chui trong một số trại cải tạo miền Bắc, nơi mà chỉ còn chút an ủi khi nhạc vàng lại lên ngôi trong tâm thức những người lính về một thời đã có những kỷ niệm vui buồn ‘để nhớ để quên’.

    Nguyễn Tất Nhiên đến với anh em chúng tôi thường về đêm, khi nhạc vàng tình cờ trở thành ngôn ngữ chung cho cả người tù lẫn đám coi tù. Những bài hát lạ, có âm điệu ra riết, gợi nhớ và được phổ thơ bởi người phù thủy bậc thầy Phạm Duy thì phải nói không thể thiếu những vần thơ tươi mát, nhí nhảnh, ru tình của Nguyễn Tất Nhiên. Thà như giọt mưa, Cô Bắc kỳ nho nhỏ, Em hiền như Masơ, Vì tôi là Linh mục…đánh trúng tim những kẻ bị lưu đầy vì tiết tấu và ca từ của nó như liều thuốc làm dịu đi nỗi nhọc nhằn lao động ban ngày và cơn đói dằn vặt về đêm.

    Ca từ vừa lạ, tiết tấu vừa vui phải nói ca khúc Vì tôi là linh mục do nhạc sĩ du ca Nguyễn Đức Quang phổ nhạc trở thành top hit do yêu cầu của các bạn ta, và tôi nhớ bài này hay được hoan nghênh khi được hát bởi một nhà tu xuất (cựu thiếu tá PĐT, quận trưởng Buôn Hô).

    Nhìn lại những năm đầu của thập niên ’70 nhạc giúp thơ thăng hoa. Ngược lại nếu không có thơ với phần ca từ mượt mà của nó, nhạc cũng khó đi vào lòng quần chúng mà quanh quẩn cũng chỉ là những cung điệu boléro ngoại ô đèn vàng, đóm mắt hỏa châu… Thơ Nguyễn Tất Nhiên được hâm mộ trong thời điểm này, nhưng vẫn mờ nhạt khi bị cái bóng phủ dầy của người phổ nhạc thường lập lờ xuất xứ khi phát hành chẳng chịu đề tên.

    Nhưng định mệnh có phần khắc nghiệt với Nguyễn Tất Nhiên, số phận như được dự báo quanh cái tên thi phẩm đầu tay – Thiên Tai. Để có một chỗ đứng như một nhà thơ có đẳng cấp, NTN chịu nhiều khổ ải, gian truân, kể cả những cuộc tình muốn yêu mà chẳng được yêu, muốn quên mà chẳng thể quên, rồi đổ vỡ trong hôn nhân, bế tắc trong cuộc sống, khủng hoảng trong tâm linh, dẫn đến cái chết tự chọn, dù một lần vì D. mà: nếu vì em mà thiên tài chán sống/thì cũng vì em ta ngại bước xa đời , để rồi sa vào những hệ lụy với chứng tích không tên, trở thành đề tài tranh cãi liên hệ đến nhiều bên kể cả người thân, người bảo trợ và độc giả yêu thơ.

    Có một dạo khoảng mười năm trở lại đây, người ta lại khơi dậy vài giai thoại về cuộc sống riêng tư của nhà thơ, chẳng ăn nhằm gì đến văn học. Tôi một kẻ yêu thơ Nguyện Tất Nhiên đã đóng góp một bài, “Xin hãy để nhà thơ xứ Bưởi ngủ yên”. Dù ngày ấy chưa có duyên viết lách, nhưng bài viết được sự chú ý, rồi câu chuyện tàn lụi theo thời gian.

    Càng về sau, Nguyễn Tất Nhiên được đánh giá, vinh danh nhiều hơn, thơ được tái bản, ca khúc được yêu cầu, thơ mới được in ấn, nhiều bài do chính anh viết nhạc cho thơ anh. Nhiều chuyên đề về NTN được thực hiện, mới nhất từ Quán Văn, một tạp chí văn học uy tín, với bài vở đóng góp của nhiều tác giả đã thành danh trong nước và hải ngoại. Trùng hợp, lại được xem vài phác thảo về chân dung NTN và Thà như giọt mưa của Đinh Trưòng Chinh trên Blog PCH, gợi nhớ cho tôi cùng nhiều bạn đọc cảm xúc khó quên về nhà thơ tài hoa này.

    Định viết về Duyên nhưng lại dài dòng về khuôn mặt thi nhân một thời chết mệt vì cô, Thực hư thế nào chuyện đời ai biết, nhưng theo dòng thời gian, ‘cô gái Bắc kỳ’ ngày ấy không hề phủ nhận mối quan hệ học trò với nhà thơ, dù nàng đã có chồng và có một cuộc sống rất hạnh phúc. Tôi nhớ có đọc đâu đó, Ngày xưa Bùi thị…có lần viết cho người si mê mình, ‘trước sau chỉ là bạn, nếu có ý gì đó, thì tôi không gặp nữa’, nhưng dù cho tình yêu một chiều, chàng trai vẫn chấp nhận, ‘Duyên của ta tình con gái Bắc/ bởi yêu em nên sầu khổ dịu dàng’’. Nay nhìn lại, để qua yếu tố lãng mạn, dù mến mộ nhà thơ, tác giả đỏan văn này vẫn mừng cho Duyên là không lấy được Nhiên. Ý tưởng ngộ ngĩnh này cũng khó lý giải, âu cũng là định mệnh, định mệnh trong cuộc đời. định mệnh trong tình yêu, định mệnh trong chiến tranh.

    Tôi đã đọc và trân trọng bài viết của Chủ Biên Nguyên Minh, Như một lời cám ơn rất nồng ấm, trang trọng khi viết về một phần đời của người con gái đã để lại dấu ấn và nguồn cảm hứng vô tận cho dòng thơ Nguyễn Tất Nhiên.

    Trở lại chủ điểm của bài viết, nếu Nguyên Minh biết và gặp được Duyên-Tùng qua Đinh Cường, thì nhờ Đinh Cường mà tôi chú ý đến cặp đôi này qua Những đoạn ghi (dưới hình thức Thơ) khi người họa sĩ trải lòng về mối quan hệ tình bạn giữa họ và đặc biệt với Duyên, mà trước sau ông vẫn coi như một người em gái trong sinh họat nghệ thuật và ngoài đời.

    Từ đó cứ lân la qua mấy Blog thân quen, đặc biệt qua Phạm Cao Hoàng, nơi mà Đ.C. xử dụng như ‘hộp thư’ để nhờ phổ biến và lưu giữ thơ anh, tôi khám phá ra rằng (có thể đã trễ), ‘người tình’ trong Thơ của NTN cũng là ‘người thơ’ trong cuộc sống đời thường. Nhiều bài thơ sáng tác dưới tên DUYÊN, tuy chỉ là những vần thơ tài tử và tác giả cũng chẳng hề xưng nhận nhà thơ, nhưng trong tôi – một người yêu thơ – vẫn cảm nhận và đánh gía Duyên như người làm thơ rất có tiềm năng, khiêm tốn, đôn hậu, giàu cảm xúc không thua gì so với một số nhà thơ nữ hải ngoại mà tôi có dịp được đọc và thân quen.

    Xin viện dẫn vài bài khi ta nghe ký ức của Duyên qua cái chết của một thanh niên trẻ trong thời chiến, anh cũng là bạn học tên Dũng người hàng xóm bên kia sông,

    một ngày kia, có tôi
    đáp chuyến đò, trưa
    tìm đến ngôi nhà, không có số
    vách trống, yên bình
    khu vườn rộng, bao la

    cha mẹ hiền
    và một người em gái nhỏ
    báo tin buồn
    anh D. vừa tử trận, hôm qua
    anh ra trường, mới đeo lon chuẩn úy

    hỡi dòng sông
    tự bao giờ
    đã ngập tràn nước mắt.

    anh đi rồi
    sông buồn, giữ lại, bóng hình anh….

    ….

    (viết cho anh Dũng, tháng tư buồn CÓ MỘT DÒNG SÔNG)

    Duyên cũng rất trân trọng các con chữ, trong bài ‘xếp lại. xót xa, xưa’, cô cảm nhận với niềm an nhiên sâu sắc khi đọc những vần thơ qua tác phẩm của một bạn văn,

    ….

    con đường nào
    đầy ắp ước mơ. xanh
    chữ lăn mình…con chữ long lanh
    lời hoan ca, niềm vui lạ
    quên những chênh vênh.
    gập ghềnh. sóng gió
    con chữ mơ màng
    ẩn. hiện. giấc mơ, tan
    khi . an nhiên
    uống ngụm nắng tàn

    Như tiết tấu một bài hát, thơ của Duyên phân đoạn, dàn ý, chấm phết có vẻ cầu kỳ, khi đánh máy lại tôi cứ phải dò từng con chữ, nhưng đấy chính là thơ của Duyên. Tuy có lúc giản đơn, nhưng hiểu cho cùng cũng không phải là dễ. Tôi khép lại bài viết với cảm xúc khá ấn tượng về những bức chân dung bằng màu chì của Duyên, khi phác thảo xuất thần các khuôn mặt bạn văn, bằng hữu cô có lòng yêu quí. Như vậy cũng đủ cho người viết khi tình cờ ngẫu hứng muốn ‘Viết về Duyên’.

    Đỗ Xuân Tê
    (Quận Cam, mùa bưởi tháng 6, 2017)

    Thích

Gửi phản hồi cho ovv Hủy trả lời

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.