Cuối năm nhớ nhà nhớ người đọc Bùi Giáng nghĩ chơi chơi cười ngặt ngoẽo

buigiang-trinhthanhtung

(1).

Cái gì? Bùi Giáng? Bùi Giáng là ông thần nào ?

Chắc là thế. Tên Bùi Giáng nghe như xa lạ hơn cả giấy đòi tiền từ công ty điện nước, đối với nhiều người.

Với một số không ít người khác, có theo dõi sách báo ít nhiều, thì Bùi Giáng là một trong những tên tuổi thỉnh thoảng thấy được nhắc đến như chiếm một vị trí trỗi vượt trong thi ca miền Nam Việt nam trước 1975. Nhưng tại sao?

Vì chắc là mấy ông bà gọi là nhà văn nhà báo mà nói như thế thì cũng điên điên gần như Bùi Giáng. Nếu họ không nói như một cái máy theo ý người khác.

Có bao nhiêu là lí do dễ hiểu cho một phản ứng như thế. Chẳng hạn người chỉ bắt đầu trưởng thành nhiều năm sau biến cố 1975 sẽ dễ có một cái nhìn như vậy. Họ không được học Việt văn và tư tưởng theo những cách có thể giúp cảm nhận được cái hay đẹp nơi sáng tác của nhiều tên tuổi trong thi văn Việt nam. Cảm nhận Bùi Giáng còn khó hơn nữa.

Tất nhiên, người tre? Việt nam thuộc các thế hệ sau 1975 không phải tất cả chỉ có khả năng sử dụng tiếng Việt như một sinh ngữ phụ thuộc, ở ngoài nước. Và như tiếng mẹ đẻ nhưng đã bị giản lược và biến dạng so với dạng tiếng mẹ với nó Bùi Giáng đã làm thơ và viết văn. Trong nước. Có những ngoại lệ –Những người trẻ ở cả trong lẫn ngoài nước với khả năng đọc thông hiểu sâu tiếng Việt như một ngôn ngữ thi ca và tư tưởng.

Nhưng về Bùi Giáng. Những người trẻ ngoại lệ khá hiếm hoi đó không biết có bao người nghĩ rằng, ông có cái gì hơn là một thi sĩ điên điên chuyên viết cù nhầy chọc cười, có khả năng sử dụng ngôn từ như một cầu thủ điêu luyện nhồi quả bóng. Đến mức có thể mô phỏng Nguyễn Du hoặc bất kì nhà thơ lớn nào khác một cách tài tình khi ông muốn.

Bùi Giáng phải hơn thế! Khả năng làm thơ, văn cù nhầy chọc cười không là điểm làm một người trở thành thi sĩ. Cũng thế với kĩ năng sử dụng ngôn ngữ tài tình! Vậy thì từ đâu mà có tin tưởng rằng Bùi Giáng là một nhà thơ, và là nhà thơ lớn?

Tin tưởng “Bùi Giáng là nhà thơ” chắc là dễ dàng được chia sẻ, chấp nhận: Thơ trước và trên hết là vấn đề cảm nhận. Người làm thơ là kẻ cô kết cảm nhận chủ quan của mình trong một khuôn thước từ ngữ nhất định, và cảm nhận chủ quan trong khuôn khổ từ ngữ nhất định này được người đọc … cảm nhận như thơ, chứ không là một lắp ghép chữ nghĩa tài tình.

Cứ tạm cho đây là giải thích chấp nhận được. Nhưng còn “Bùi Giáng nhà thơ lớn” Các nhà phân tích và phê bình thơ nghĩ sao mà nói như thế Có ai trong họ nói Bùi Giáng cũng chả điên Dường như họ không có ý kiến gì. Hoặc họ có ý kiến nhưng ý kiến của họ không xuất sắc đến mức làm người đọc biết đến, lưu ý đến, và không quên Hay họ có những ý kiến xuất sắc nhưng vì người đọc không thích, chưa thích Bùi Giáng nên các ý kiến này đã rơi mất tăm mất tích vào hố đen của đời sống cơm áo [1]

(2)

Về Bùi Giáng, người đọc thơ nào cũng có thể cảm thấy ông là một thi sĩ tài hoa có chỗ đứng đặc biệt trong văn học Việt nam hiện đại. Nhưng cái đã làm nên tính cách độc đáo, đặc biệt của văn, nhất là thơ, Bùi Giáng, thì có lẽ không hẳn như số đông người thưởng ngoạn nghĩ: Thơ văn của ông hay một cách kì kì, ngộ ngộ, nhiều khi làm người ta phá ra cười thoải mái, không vì Bùi Giáng hóm hỉnh, có tính hài hước (humour) và khéo dùng hình ảnh, chữ nghĩa, vần điệu một cách lạ thường, trái công ước.

Tất nhiên Bùi Giáng hay bông lơn và khéo léo về kĩ thuật, nhưng nếu xem tính khí này và kĩ năng ngôn ngữ là yếu tố cơ bản thì trước hết không giải thích được một khác biệt lớn lao giữa ông và nhiều nhà thơ khác. Thơ văn của Bùi Giáng, chưa kể những sáng tác Hán Việt, cho thấy một thế giới thênh thang, phiêu hốt, cao hơn, rộng hơn là thế giới thi ca của đại đa số các nhà thơ cùng thời. Trước hết, và hiển nhiên, trong thơ văn Bùi Giáng cái tục tĩu, cấm ki. trong công ước văn chương và đạo đức thông thường có thể trở thành thóat tục, thơ mộng một cách bất ngờ. Rồi ngay cái “không nên thơ” của chính nhà thơ cũng trở thành thơ:

“Em Mọi”, cô mọi điên của ông vòi ông một bài thơ. Câu từ chối, biện bạch của ông — rằng hết cả nên thơ nên thẩn gì được rồi!– đã trở thành cả một bài thơ ý nhị, hóm hỉnh và đầy nhạc điệu[*] !

Ngày nay anh làm thơ
Chẳng còn hay như trước
Suốt một tháng
Viết không được một câu
Thì lấy đâu ra thơ
Mà tặng em cho được
Tặng một câu chưa đủ
Thì lấy đâu bốn câu
Cho đủ một bài.

Quả thật mọi sự vật đều có thể trở nên lãng đãng, thanh thoát, phiêu bồng hơn qua mắt nhìn Bùi Giáng. Kể cả những điều đơn điệu, nhàm chán, tầm thường, u uất, đen tối trong mắt người khác. Có thể thấy như thế qua một số bài thơ buồn hiếm hoi của ông, được phổ biến sau 1975 ở ngoài nước. Hay qua bài “Anh Lùa Bò”[*], trong đó, bằng kĩ thuật luyến láy từ và ý nhà thơ vẽ ra một cảnh đời khép kín, lập đi lập lại hết ngày này sang ngày khác và người trong cuộc thì “mười mê một tỉnh”, “ưu tư”. Người đọc thấy được rằng Bùi Giáng cảm thương cho tình cảnh anh lùa bò, nhưng cũng thấy ông như bay lượn trên những bờ cỏ xanh chứ không bi lụy, vướng mắc trong nỗi buồn đó:

Anh lùa bò đi qua bờ ruộng
Ruộng bờ qua cày luống cày qua
Xuân xanh lắm lúc như là
Mười mê một tỉnh sơn hà gió trăng
Anh lùa bò bờ quen bờ thuộc
Thuộc bờ quen luống chuốc ưu tư
Năm đi tháng lại bù trừ
Ngày đi vĩnh viễn anh ừ cho anh.

(3)

Thế giới thông thường của con người bình thường về mặt tâm lí không phải là thế giới chung cho tất cả mọi người. Có khi người ta sống chung dưới một mái nhà những mỗi người _thật sự_ có một thế giới tâm lí khác nhau. Nhậnthức về sự vật và các đáp ứng của mỗi người vì thế mà có thể rất khác biệt nếu hai thế giới tâm lí này có quá ít điểm chung. Người sống trong một thế giới bị điều kiện hóa bởi sự tưởng tiếc quá khứ, niềm tin cuồng nhiệt thiếu căn bản lí trí, sự uất hận, thù ghét [đối với cộng sản, hay tư bản, hay văn hóa tây phương, hay công giáo, hay đạo Bụt, vv. và vv.] vì thế đã có những nhận thức và phản ứng làm người khác phải sửng sốt và chán ngán.

Bùi Giáng cũng có một thế giới riêng. Thế giới này sắc nét, cụ thể hơn dạng thế giới nêu trên — về mức độ, nó chẳng khác một thế giới tâm bệnh khác, thế giới của người bị chúng tự kỉ (autism) vì Bùi Giáng thường trực ở trong đó, chứ không “mười mê một tỉnh”. Nhưng thế giới riêng của Bùi Giáng chỉ khác khác thường, bất thường theo nghĩa tích cực. Nó không chật hẹp, u tối, cô lẽ, cách biệt hay nặng nề cảm tính như các thế giới tâm bệnh; ngược lại, nó thênh thang, cao hơn, rộng hơn, bao trùm lấy tòan thể thế giới thông thường của chúng ta.

“Thế giới Bùi Giáng” ở đây, như thế không được hiểu theo nghĩa biểu tượng (symbolic) như thường thấy. Nó là một khái niệm hi vọng là giúp hiểu Bùi Giáng một cách nhất quán và tương đối đầy đủ. [2] Phải có một thế giới như thế, hay phải trụ trong một cảnh giới như thế Bùi Giáng mới nhìn cái gì thì cái ấy trở nên khác thường, bớt tục lụy và lung linh, huyền ảo, thơ mộng hơn. Và Bùi Giáng phải trụ trong một cảnh giới như thế ông mới có một đời sống như ông đã có, nhất quán với tư tưởng, và tư tưởng thì lan tỏa, trào dâng vào văn thơ một cách không gượng ép mà hồn nhiên, như nhiên, tự nhiên. Đây là một dạng của thế giới làm nên bởi các kinh nghiệm huyền niệm (mystical experience) với sắc thái Á Đông phi thần giáo.[3]

(4)

Thế giới Bùi Giáng không có những điều xấu và bất thiê.n. Những ác, xấu trong thế giới thường tục của chúng ta cũng được Bùi Giáng xem như có thực thể, do “hư vô” sinh ra. Nhưng ông nghiêng về cái thiện, cái đẹp, tin rằng đây mới là “dưỡng chất cho trần gian” [xem ở dưới]. Bùi Giáng đúng là một nhà thơ triết lí có hạng [philosophical poet; tức là không phải triết gia mang mang hồn thơ như Tuệ Sỹ hay Phạm Công Thiện], với nhận thức rằng đời sống có thể tiếp diễn là nhờ cái thiện và đặc biệt cái đẹp. Cái thiện không được Bùi Giáng trực tiếp nói đến, nhưng chắc chắn nó không phải là cái thiện theo công ước luân lí đạo đức thông tục, mà gần như là, “thiện là cái không có tác hại gì cho ai”, tức là một dạng tiêu cực của cái thiện theo định nghĩa của đạo Bụt (“thiện là cái có lợi cho cả ta lẫn người”).

Cái thiện của Bùi Giáng do đó không bị chia lìa, phân cách tuyệt đối với cái đẹp như trong trường hợp tư tưởng tây phương trước đây. Đo đó ông có thể nói thiên hình vạn trạng về cái đẹp, bất kể người khác nghĩ sao. Và cái đẹp thì hiển lộ, dễ hiểu, nhiều lần nhất nơi các mĩ nhân. Bùi Giáng ca ngợi mọi người đẹp, bất kể đó là tây hay ta, quen hay lạ, có thật ngoài đời hay chỉ trong sách sử [*]; và người đẹp gợi tình gợi dục như Brigitte Bardot, Marylyn Monroe, hay người tuổi sắp về chiều (?) đẹp một cách thong dong như Nam Phương Hoàng hậu, hay người đầu trọc áo nâu đi đứng nằm ngồi bị “gò bó” trong giới luật, đẹp một cách không lời như Trí Hải, lúc bấy giờ là một ni cô [Quốc Sắc Việt Nam; *].

Xu hướng “mê gái” thì phần đông đàn ông ai cũng có, nhưng chỉ những người như Bùi Giáng mới có thể thản nhiên cho thấy, phơi bày điều này trong các trường hợp người ta đè nén tận đáy lòng hay không tiện, không thể nói ra. Vì ông không có một mãy may ý muốn chiếm hữu hay xúc phạm đến, và như thế cái “mê gái” của ông chả hại gì ai, trong quan niệm về thiện ác của ông. Có thể thấy, những bài thơ thường bị xem như “tục” nhất, “dê” nhất của ông cũng chỉ nằm ở phạm vi mô tả và ca ngợi cái đẹp.

Và đáng trân quí nhất, được Bùi Giáng thường xuyên nhắc đến nhất, là cái đẹp không thể diễn tả bằng ngôn ngữ dung tục, cái đẹp ,là mật  vv. Người đẹp ni cô do đó đã được ông khiêng ra khiêng vào bao nhiêu là bài thơ. Mặc dù người ta đã cười xòa bảo thôi, như thấy trong “Hãy Vô Ngôn”, thuộc về các bài thơ  [*]:
Dám hỏi bao giờ có đẹp hơn
Miệng ngọc cười xòa lên tiếng đáp
Rằng xin các hạ hãy vô ngôn.

Đã cho người ta là có cái đẹp vô ngôn, không diễn tả, so sánh được, nhưng nhà thơ của chúng ta cứ mở miệng tán tụng, diễn tả –bằng cách hỏi có khi nào đẹp hơn bây giờ không. Đây là tình cảnh tiến thóai lưỡng nan quen thuộc trong triết lí Á Đông [và trong các thuyên giải cơ bản của khoa học hiện đại]: Biết là không thể nói chính xác về thực tại bằng ngôn từ khái niệm thông thường, nhưng mặt khác không
thể không tìm cách nói ra. Nói để rồi nhận lại cái boomerang – của mình!

Sự việc Bùi Giáng nhắc hoài đến sự vượt trên ngôn ngữ, vv. cho thấy một phần nào cái cốt lõi huyền niệm Á Đông nơi ông. Cũng tương tự với một vài bài thơ mà hình ảnh, từ ngữ hoặc vần điệu thật đẹp nhưng có vẻ như không có ý nghĩa mạch lạc gì.

o0o

Tính cách triết gia nơi Bùi Giáng được thấy nơi nhiều thơ văn của ông (bất kể nó được hay chưa được các nhà phê bình nói đến). Ngay như bài thơ “Em Mọi Nhỏ” dẫn ở trên, dù thọat nhìn chỉ là một bài thơ khôi hài, không mấy xuất sắc về mặt thi ca, nhưng thật ra cũng chứa đựng một lí luận triết học: Nếu luận lí và ngôn từ có thể “phản ánh” thực tại, thì tôi không thể làm được bài thơ đó, vì làm một câu thơ không được, lấy đâu mà ra cả một bài dài hơn bốn câu?!

Bùi Giáng quả thật đã nói lên nhận thức của ông về sự bất khả, bất lực của ngôn từ và khái niệm trong những văn thơ thoạt nhìn tưởng như *chỉ* có tính bông lơn, khôi hài.Nhưng điều này không có nghĩa là ông có một tin tưởng tuyệt đối. Trong đoản văn “Phố phường Mọc cỏ” [*], ông lí luận rằng, nếu ngôn từ và luận lí mà chụp bắt được thực tại, thì phố phường phải có “cỏ” mọc loạn cả lên quanh năm suốt tháng! Vì sao ? — Thành phố chứa đựng con người, các thiếu nữ dậy thì. Và nơi các thiếu nữ, các cô đang tuổi dậy thì thì trong người lúc nào “cỏ” cũng mọc loạn lên. Thành phố, theo đó, cũng phải như thế!

Lí luận của ông đã không tôn trọng các phạm trù luận lí cơ bản, một điều quá dễ hiểu đối với ông. Phải chăng đây là sự chế diễu thâm trầm hướng vào chính mình rằng, để có sự nhất quán, hễ tôi không tin vào khả năng nắm bắt thực tại của khái niệm thì tôi cũng không tôn trọng nó — nhưng như thế thì đi đến kết luận/hệ luận kì khôi ? Để ngầm nói rằng, Tôi tin dù tôi thỉnh thoảng cũng hoài nghi niềm tin của mình, vì không lí luận, biện giải được?

“Tin dù không biện giải được” là điểm được Bùi Giáng khẳng định trong một đoản văn khác, “Vấn Đáp” [*], về tiền đề triết học nêu trên, “thế giới được dữơng nuôi bằng cái đẹp”. Ông tin, như đã nói, vào một thực tại nhị nguyên. Có cái bất thiện, xâu xa và có cái thiện, cái đẹp. Và Bùi Giáng cho rằng, thế thì phải có các Nguyên nhân sinh ra chúng: “hư vô” sinh ra cái xấu, cái bất thiện, còn một Nguyên nhân tận
thiện tận mĩ (mà ông gọi là “Thương Đế hay “Cao Xanh Thượng Đế”) thì sinh ra “các dưỡng chất trần gian”. Vũ trụ quan của Bùi Giáng, như thế, gần với ý niệm tâm vật song hành trong đạo Bụt Sơ thời, dù từ “Thượng Đế” có thể làm người ta nghĩ khác.

Tin nhưng thỉnh thoảng ông hoài nghi rằng một Nguyên nhân đẹp đẽ như thế không có — hoài nghi mà chả do lí do đáng kể, hoặc có khi do một lí do triết học nặng kí như: Những cái thiện, cái đẹp cho dù hiện hữu dài lâu đến mấy đi nữa nhưng rồi có lúc sẽ chấm dứt, thế thì nguyên nhân của chúng cũng không tồn tại mãi mãi; Nguyên nhân toàn thiện toàn mĩ kia phải do một nguyên nhân khác tạo nên, và cứ thế, không có cái gì gọi là Nguyên nhân đầu tiên, tối sơ, siêu việt thời gian cả (Uncaused Cause).

Hỏi — Tại sao các hạ tin rằng có Thượng Đế?
Đáp –Bởi vì nếu không tin là có, ắt phải tin là không có.
Mà hễ tin là không có, ắt thời gian phong cảnh sẽ hoang liêu.
Mọi “dưỡng chất trần gian” ắt sẽ do sa mạc cung cấp. Làm sao chịu đựng nỗi sự tình đó? Uống một chai la de, mà nghĩ rằng đó là của cải hư vô ban cho, thì hởi ơi, làm sao còn xum xuê ăn uống nhậu nhẹt thơ mộng được nữa. Tuy nhiên…

Hỏi — Tuy nhiên thế nào ?
Đáp — Tuy nhiên tại hạ thỉnh thỏang cũng đánh mất niềm tin nơi Thượng Đế.

Hỏi — Thỉnh thỏang đánh mất như thế nào ?
Đáp — Như trường hợp chán chường đột ngột không còn muốn uống la de.

Hỏi — Hoặc như thế nào nữa ?
Đáp — Hoặc như trường hợp đọc sách vũ hiệp đến chương kết thúc.

Hỏi — Vì sao như thế ?
Đáp — Vì kết thúc, thì tất nhiên là chấm dứt hết mọi cõi liên tồn. Còn biết lấy đâu mà đeo đuổi chiêm bao được nữa. Hởi ôi! Đến sách vũ hiệp mà cũng kết thúc, thì Trời Xanh Thượng Đế cũng thi đua nhau tử vong, tiêu tán hết cả ngấn tích di hài …

Bấy giờ ai biết hỏi ai
Dù lòng biển rộng sông dài thênh thênh.

(Bạc Bà_ ghi chép)

Niềm tin, và thái độ “tin và không biện giải được” trong đoạn văn trên, và một số chỗ khác trong văn, thơ Bùi Giáng có thể làm nghĩ ông đã từng quen thuộc lắm với truyền thống Kitô giáo. Có hay không thì để có sự nhất quán trong nhận thức, Bùi Giáng đã phải nhấn mạnh tính cách siêu việt thực tại của ngôn từ và khái niệm, nhấn mạnh như trong truyền thống mà ông dường như xem là điểm tựa tâm linh của
mình: một tích hợp giữa tư tưởng Lão, Trang và đạo Bụt Thiền tông– Thiền tông trong dạng phổ thông ở Trung hoa và Việt nam, với dấu ấn rõ rệt của Lão giáo, ở tính cách huyền niệm và sự nhấn mạnh [rõ rệt hơn Đại thừa Ấn độ] thể tính “đối đãi là bổ sung” trong nhận thức về thực tại của chúng ta (complementarity).[5]

Thật vậy, ông không có thái độ tin tưởng tuyệt đối, tin  dù_không biện giải được [của Kitô giáo, ví dụ], mà rõ rệt chủ trương một niềm tin tương đối, tin nhưng sẵn sàng nghi, Tin và Nghi bổ sung cho nhau để con người bước lên một cảnh giới, một trạng thái tâm linh hay nhận thức cao hơn.

Tính cách bổ sung được thấy nơi rất nhiều sáng tác của Bùi Giáng (không chừng nơi toàn bộ sáng tác Bùi Giáng). Trong các văn thơ đã dẫn ở trên, chảng hạn cái nghiêm trọng và khí vị khôi hài, bông lơn, hay cái thanh và cái tục vv. theo lẽ thường không đi đôi với nhau, thế nhưng ở Bùi Giáng, các đối nghịch, tương phản như thế lúc nào cũng quấn quít nhau từng cặp một. Theo nghĩa này ông có lẽ là một trong những ngươi viết Việt nam hiện đại thành đạt nhất trong việc thể hiện tư tưởng triết học Á Đông trong thơ văn.

o0o

Còn có thể phân tích để thấy các yếu tố tư tưởng khác của Bùi Giáng như một thi sĩ triết gia. Nhưng chúng ta hãy dừng lại ở một bài bài thơ, “Thưa Cô Nương” [*]. Bài này ngắn, thoạt nhìn đơn sơ, dễ hiểu, không có gì lạ. Nhưng nó nói lên được một cách tài tình nhận thức về thực tại của Bùi Giáng: Sự hiện hữu, trong cùng một bình diện nhận thức, của các cặp đối đãi thánh & phàm, mê & ngô, giống & khác, tục & thanh, nghiêm trọng & khôi hài, thiêng & tục (holy / profane). Và không chỉ như thế mà thôi, vì nó còn hóm hỉnh cho thấy điểm tựa tư tưởng và trình độ tâm linh của ông nữa. Bài thơ này là như sau:
Phen này lần ấy
Để nhìn cô nương tắm
Lúc bấy giờ bỗng dưng
Tâm hồn tại hạ biến ra
Làn nước biển
Vậy xin cô nương dừng ngay cuộc tắm
Kẻo mà đau đớn tâm hồn tại hạ vô cùng.

Có gì hay ho đâu ?, có thể có người sẽ nói ngay. Nhưng hãy khoan. Hãy bắt đầu đọc lại:

Thi sĩ của chúng ta đi ra biển để ngắm người đẹp tắm. Đi lần này qua lần khác. Và có lần, trong một khoảnh khắc của mê say đắm đuối đó ông đi vào một trạng thái của kinh nghiệm huyền niệm: Ông trở thành một với nước biển!

Ai cũng có thể kinh qua điều tương tự như Bùi Giáng. Nhưng Bùi Giáng ở trong một trạng thái tâm linh và nhận thức cao hơn nhiều: ông không quên mình, đánh mất chính mình, không bị vong thân, tha hóa , bị cái mê say đắm đuối kia điều động, để, không biết chừng nẩy ra ý nghĩ đen tối hoặc lân la dở trò … thả dê, như chúng ta! Ông mê nhưng biết mình đang mê, và biết mình không hòan tòan là một với nước biển dù đang trong trạng thái là- một với nước biển.

Tại sao? Và nói như thế thì phải chăng nói, Nhà thơ của chúng ta ngô. Đạo trong một chừng mực nào đó rồi ? Thưa không, Bùi Giáng nói. Cái trạng thái vô ngã, không giống không khác mà tôi đang kinh qua, cái trạng thái ấy coi vậy còn kém cỏi lắm, chật hẹp lắm.

Kinh nghiệm như-một đó chỉ bao trùm tôi và làn nước biển, và chỉ tôi và làn nước biển mà thôi. Nó loại bỏ người đẹp kia ra ngoài! Cô kia vẫn là vị cô nương hở hang hấp dẫn, chứ không là-một với cái thực tại tôi-nước biển. Thế nên tôi còn đắm đuối mê say, còn tri giác cảm giác về cô như một thực tại cách biệt nhưng khêu gợi. Và vì tôi là làn nước biển có-tri-giác-cảm-giác, cô nên dừng ngay cái vụ tắm đi thôi, không thì tôi sẽ “đau đớn vô cùng”! Tôi là nước biển có tri giác mà cô té nước, chòi đạp, bơi lội tung tăng thế kia thì tôi làm sao mà không đau đớn vô cùng cho được!!

Một cách hóm hỉnh, nhà thơ triết gia muốn chúng ta hiểu rằng ông muốn chấm dứt cái cảnh mê-trong-ngộ kia đi vì nó có hại. Chấm dứt không theo nghĩa ông rời bỏ kinh nghiệm tương-tự-ngộ của mình, mà theo nghĩa nó nên phát triển thành một kinh nghiệm ngộ đạo thật sư. Vị cô nương mĩ miều kia phải ngưng tắm chứ ông nhất quyết không chịu buông bỏ kinh nghiệm như một với nước biển!!

nijesnimax 02/02-2003

GHI CHÚ.

Tùy ý đăng tải nhưng xin ghi rõ xuất xứ.

[1] Những gì được viết trong phần này chỉ có mục đích “gây hấn,” mời gọi đóng góp ý kiến về thơ Bùi Giáng. Cảm ơn BG (trong soc.culture.vietnamese) đã hưởng ứng và góp phần giúp ước lượng các nhận xét chung của người đọc thơ Bùi Giáng. Cũng cảm ơn ongvove (?) đã đăng lên scv một bài thơ Bùi Giáng cách đây vài tháng. Bài thơ đó làm nix lưu ý đến Bùi Giáng, lần đầu tiên.

[2] Mặc dù bài này được xây dựng trên một số giới hạn thơ văn chữ Việt của Bùi Giáng, nhưng các nhận xét trong bài thì trên nguyên tắc bao trùm phần lớn thơ văn ông\. Vì khái niệm “thế giới Bùi Giáng” dược trình bày như có tính khoa học. Mang tính cách như thế, khái niệm này trên phải bị điều chỉnh lại hoặc lọai bỏ nếu có một khái niệm khác thích hợp hơn cho việc giải thích thơ văn Bùi Giáng như một tòan thể.

[3} Kinh nghiệm huyền niệm là lọai kinh nghiệm tôn giáo cao nhất, với nó, tùy theo niềm tin và căn bản thần học/triết thuyết mà người ta thấy mình trở nên một với Chúa, hoặc với tự nhiên vv. Lọai kinh nghiệm này cho đến nay vẫn ít có ở Tây phương , nhưng hiện nay được nghiên cứu, học hỏi ráo riết. Các kinh nghiệm ngộ đạo ở Đông phương, chẳng hạn kinh nghiệm ngộ trong Thiền tông, được biết như một dạng thức kinh nghiệm huyền niệm cao đẳng, ít cảm tính [chẳng hạn không có trạng thái vừa kinh sợ vừa hoan lạc vv. như ở tôn giáo tây phương] và ít lệ thuộc vào nền tảng triết thuyết. Nói như thế không có nghĩa là khái niệm “kinh nghiệm huyền niệm” của tôn giáo học đủ chính xác cho mọi dạng kinh nghiệm tôn giáo ở đông phương.

[4] Có lẽ do ảnh hưởng tây phương, từ “Thượng Đế” thường được nhiều người Việt hiểu như để chi? Thiên Chúa. Thật ra Thượng đế (Shangdi) nguyên là Vua của các thần, vị thần tối cao trong tín ngưỡng cổ xưa ở Trung hoa — tối cao nhưng không có những thuộc tính thần học rõ ràng như Chúa trời. Từ “Thượng đế”, mà Bùi Giáng đã dùng không chính xác (giống như bao người Việt, trừ người có hiểu biết về
tôn giáo học), là theo nghĩa “God của các triết gia”, một Nguyên nhân tạo ra Vũ trụ, không nhất thiết là có ngôi vi hay không.

[5] Bất kê? Bùi Giáng nghĩ mình thiên về Lão, Trang nhiều hơn hay Thiền tông nhiều hơn, hoặc ông xem hai truyền thống này là như nhau, thì vẫn có thể lí luận được rằng tư tưởng Thiền tông có khi chiếm ưu thế. Để chỉ nói qua cho đủ, thì hai điểm cơ bản trong một lí luận như thế là, a/ thực tại quan của Lão, Trang là vũ trụ quan nhất nguyên, và b/ các ý niệm về đối đãi và bổ sung trong tư tưởng Thiền tông chỉ giới hạn trong nhận thức về thực tại, chứ không “lấn” ra đến chính thực tại như tư tưởng Lão Trang và Kinh Dịch.

[*] Dẫn theo Bùi Giáng, _Mùa Thu Trong Thi Ca_, Sống Mới (ở Mĩ) in lại. Không có số trang và năm tháng xuất bản và tái bản.

Bình luận về bài viết này

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.