Gặp gỡ ở sân trường

2201631938_af9a50725d_oSân trường đây là sân trường Văn Khoa, vào thời điểm cuối năm 1963 đến giữa năm 1967. Và cũng phải là sân trường Văn Khoa cũ, nghĩa là khu đất hình thang có chiều xéo rộng nhất của khúc đường Công Lý trông sang bên kia là dinh Gia Long. Tiếp theo đó là khúc Lê Thánh Tôn với bên kia đường toàn một dẫy cửa tiệm bán giầy dép và quần áo sang trọng nhưng lại lọt vào một nhà hàng ăn hết sức quen thuộc với nhóm sinh viên năng động chúng tôi thời đó ở món suông và nhất là hai thức uống:  nước chanh đường, sữa sóc  (được gọi thế cho nó lạ và oai chứ thực ra chỉ là sữa bò tươi pha loãng) hột
gà.

Khúc Nguyễn Trung Trực đối diện trụ sở Giám Sát Viện (chính là khu Sở Lục Hình cũ dưới thời Pháp thuộc); nhưng chỉ những kiosk dọc lề đường bên đó là những quán lụp xụp bán trà đá, cà phê và cơm dĩa mà hầu hết khách hàng là giới chạy xe xích lô, giới bán hàng rong, và loại khách hàng thường quên nợ là bọn sinh viên chúng tôi. Và cuối cùng là khúc đường Gia Long, bên kia là hông Tòa Án Sài Gòn.
Khu đất này trước kia là nền của Khám Lớn Sài Gòn thời thuộc địa Pháp, bấy giờ đã trở thành khuôn viên trường Văn Khoa.

Nghe như vậy chắc quí vị tưởng tượng ra một khu đầy những dẫy tòa nhà đồ sộ, cao ngất và ít nhất phải có một vườn hoa cây cỏ bố trí rất thanh nhã… Nhưng thực tế trường đại học Văn Khoa chỉ có một tòa nhà hai tầng bắt đầu từ góc Gia Long cho đến một nửa trên khúc đường Nguyễn Trung Trực gồm mấy gian nhỏ làm văn phòng và độ bẩy phòng học, mỗi phòng chứa nhiều lắm cũng chỉ được một trăm sinh viên ngồi san sát với nhau thường dành cho các lớp của các chứng chỉ; trong đó được một giảng đường lớn nhất, giảng đường 101, mà dung tích đặc biệt có thể cáng đáng được khoảng ba trăm người tham dự. Còn bao nhiêu là những căn nhà trệt tiền chế chiếm khắp ba mặt kia của khu đất, trong đó có những căn rộng dài có thể chứa được cả năm bảy trăm người, thường dành cho các lớp học Dự Bị, tức là sinh viên năm thứ nhất, đặc biệt là các nhiệm ý đông sĩ số theo học như Sử-Địa, Việt Hán. Tất cả các loại dẫy nhà từ tòa nhà chính đến những căn hỗn tạp này bao quanh một cái sân rộng đầy sỏi đá, thế mà cỏ dại cứ mọc tràn lan. Khoảng sân trường thoai thoải từ đường Lê Thánh Tôn dần lên dốc như cái sườn đồi, cho tới đại lộ Gia Long thì cái sân bề cao xuống bề thấp chênh lệch có đến cả thước rưỡi; đặc biệt bờ gạch nổi cao hẳn lên ở ngay giữa sân cỏ như một cái bục thiên nhiên cho một sân khấu khổng lồ lộ thiên.

Cái sân cỏ này có thể chứa được cả hàng ngàn người tham dự. Điểm thơ mộng duy nhất của khuôn viên Văn Khoa hồi ấy là hai hàng cây me cành lá thướt tha xanh tốt quanh năm: Hàng me cổ thụ có sẵn dọc đường Nguyễn Trung Trực và một dẫy cây me nữa nhỏ hơn nằm ngay đằng sau tòa nhà chính, cùng với những khúc gỗ lớn đặt quanh dưới những gốc me nhỏ này.
Nói rằng gặp gỡ ở sân trường, hẳn quí vị nghĩ ngay đến việc học. Bởi vì gặp gỡ tại sân trường thì ít nhất là phải đi đến đấy để học mới gặp gỡ nhau được chứ. Đúng lý ra là phải như vậy. Nhưng thực sự hồi ấy bọn chúng tôi gặp gỡ nhau ở sân trường Văn Khoa mà có liên quan đến việc học ở trường này nhiều lắm cũng chỉ để mua “cua” (cours, tức là những bài giảng của giáo sư các môn được giao đánh vào giấy than stencils và quay ronéo thành từng tập bán lại cho sinh viên để có tài liệu về học ở nhà) là cùng. Bằng chứng bây giờ mỗi khi gặp được nhau và nhắc lại thuở đó, hầu hết chúng tôi đều không hề biết về nhau đã học ban nào, thậm chí học trường nào nữa. Vì sao thế nhỉ?

Nhu cầu trở về với dân tộc, với chính mình

Cái biến cố người ta mệnh danh cho nó là “Cuộc Cách Mạng Mùng Một tháng Mười Một năm 1963″  chỉ cần mấy tháng sau những buổi hội họp chung với cái gọi là Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng, riêng đa số bọn sinh viên chúng tôi đã vội thất vọng với hoạt động chính trị kiểu ấy. Lý do rất đơn giản, đấy là lần đầu tiên chúng tôi tham gia vào. Chúng tôi còn từ trong trứng nước lý tưởng mà tham gia vào chính trị. Đã thất vọng thì bỏ đi luôn, tuổi trẻ là vậy.
Tuy nhiên, mốc điểm này đúng là một biến cố quan trọng của bọn chúng tôi ở chỗ nó tạo dịp để có một bầu không khí sinh hoạt sôi động mới cho lớp thanh niên sinh viên học sinh hồi ấy mà trước đó không hề có (nhưng dĩ nhiên đã phải được nung nấu trong tâm tư chúng tôi từ chín năm trước, nếu tính từ năm 1954).
Đấy là phong trào Tự Trị Đại Học (do giáo sư Nguyễn Đăng Thục lúc đó làm Khoa trưởng Văn Khoa khởi xướng và tích cực vận động tranh đấu), với những cải tiến cụ thể hữu ích như Việt ngữ là ngôn ngữ duy nhất chính thức trên văn bản được giảng dạy tại các lớp học từ Dự Bị lên đến tất cả các chứng chỉ chuyên khoa của đại học Văn Khoa niên học 64-65, như chức vụ Khoa Trưởng đã được Hội Đồng Khoa trực tiếp bầu lên ở Văn Khoa vào giữa năm 1965, như chương trình Học Đường Mới của bô. Quốc Gia Giáo Dục năm 1966…
Trong khi đó giới thanh niên sinh viên học sinh lại cũng dấy lên những phong trào riêng nhằm đáp ứng với nhu cầu của họ, tìm về chính mình trong dòng sống của xã hội và dân tộc, tạm gọi là” tìm về nguồn cội”. Nhờ vào môi sinh cởi mở và được sự ủng hộ nhiệt thành của quần chúng thời đó, sinh viên Văn Khoa tổ chức Hội Tết Làng Văn Khoa đầu tiên vào đầu năm 1964 thành công đến độ không một ai ngờ trước được: Hàng chục gia đình họ hàng của sinh viên ủng hộ công tác chuẩn bị rầm rộ chưa từng thấy, các bà các cô hằng trăm người nhộn nhịp đổ tới và đem cả máy may đến làm việc liên tục cả tuần lễ sản xuất hằng trăm cờ đuôi nheo treo kín khắp bốn mặt đường của khuôn viên trường, cung cấp mấy chục chiếc áo (từ áo dài, áo tứ thân, áo the, áo chữ thọ…) để sinh viên trình diễn những hoạt cảnh Ông Nghè Vinh Qui, Đám Cưới Thời Xưa, Bên Anh Đọc Sách Bên Nàng Quay Tơ…
Ngay sau đó,” thừa thắng xông lên” bọn chúng tôi đã liên tiếp tổ chức thành công những công tác khác như Giỗ Tổ Hùng Vương, Cứu lụt Miền Trung 64-66, các lớp luyện thi Trung học Hè 64 (tại khuôn viên Văn Khoa) và sau đổi thành thường xuyên là Trung Tâm Khuyến Học Hùng Vương (thường trực ở Thư viện góc Công Lý-Phan Đình Phùng), trại hội thảo dự trù thành lập Tổng Hội Sinh Viên Quốc Gia vào hè 64 trên Đà Lạt, các trại công tác Hướng Về Nông Thôn, Chương Trình Công Tác Hè 65 (Summer Progam) thường nôm na gọi tắt là Trại Hè 65, Hội Họa Sĩ Trẻ, Đoàn Văn Nghệ Sinh Viên Học Sinh Nguồn Sống năm 66 (với những Hà Quốc Bảo, Vũ Hiệp, Phạm Quốc Bảo, Nguyễn Tuyển, Phạm Quang Thùy, Bùi Ngọc Tuấn…), Chương Trình Phát Triển Sinh Hoạt Thanh Niên Học Đường viết tắt là CPS (với những Lê Đình Điểu, Phạm Phú Minh, Hà Tường Cát, Trần Đại Lộc…), Phong trào Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội, Chương Trình Quận Tám (với những Hoàng Ngọc Tuệ, Uông Đại Bằng…), phong trào Du Ca bắt đầu từ ban Trầm Ca hè 66…
Xen kẽ vào đó đương nhiên phải có những cuộc biểu dương lực lượng liên hệ đến chính trị. Chẳng hạn như cuộc tuần hành thống nhất của sinh viên học sinh Sài Gòn thắp đuốc đi một vòng khắp miền Tây và ra đến cầu Hiền Lương tận Bến Hải, kéo dài trên một tháng trời. Tuần hành đòi hủy bỏ hệ thống các trường Tây, dẹp đi những di tích Pháp thuộc. Đêm Không Ngủ kỷ niệm mười năm chia đôi đất nước, tháng bẩy 64. Tuần hành hạ bệ  Nguyễn Khánh… Những hoạt động này, cho đến nay, vẫn thường được người ta liệt kê ra như những hoạt động chính của giới trẻ thời đó mà lại không hề đề cập tới các hoạt động trên kia. Như vậy đã khiến người ta ít nhất hiểu sai lệch, mất cân bằng đi cái nội dung sinh hoạt phong phú và đa dạng của tuổi trẻ hồi đó. Thậm chí ngay đến cái Chương Trình Công Tác Hè 1965 hoàn toàn do các tổ chức thanh niên sinh viên Sài Gòn hồi đó họp bàn và bầu ra một nhóm đại diện thực hiện, có nghĩa là nếu không có quỹ chúng tôi vẫn cứ làm bởi vì chúng tôi vốn là nhóm “điếc chẳng sợ súng” mà lị, nhưng chỉ vì sau đó tìm được quỹ hoạt động do USAID bảo trợ (qua sự giới thiệu và chuyển giao của cơ quan International Voluntary Services – IVS do những anh em như Nguyễn Thượng Hiệp, Hà Tường Cát… trước đấy đã hoạt động thiện nguyện cho cơ quan này ở Việt Nam, thoát thai từ phong trào quốc tế Peace Corps phát động thời tổng thống Kennedy) mà cứ thế bị mang tiếng là ” của CIA, hoạt động cho CIA”. Nhân đây tôi cũng chỉ nhắc sơ qua để lưu ý đính chính mà thôi, chứ chẳng có gì đáng quan tâm cho lắm.

Vua trại công tác

Đấy. Nói chung lại, bọn chúng tôi gặp nhau tại sân trường Văn Khoa hầu hết là do nhu cầu thúc đẩy tìm đến nhau, để rồi sau đó mới cùng chung nhau làm những công tác, thực hiện với nhau những hoạt động, tạo thành nếp sinh hoạt vừa nêu trên.
Có những cá nhân như bác sĩ Phạm Gia Cổn, hồi đó còn đang là sinh viên Quân Y, anh được rủ sang hỗ trợ cho một liên danh ra tranh cư? Ban Chấp Hành Sinh Viên Văn Khoa năm 66. Hồi tưởng lại, cái thú ngồi ngoài hàng hiên, dưới tàng cây me, giữa những tà áo của nữ sinh viên Văn Khoa muôn mầu sắc bay lượn chung quanh mình là một trong những kỷ niệm lãng mạn đẹp nhất mà anh còn nhớ được.
Còn cặp vợ chồng họa sĩ Bé Ký-Hồ Thành Đức đặc biệt nhớ kỷ niệm ở Văn Khoa, không phải là những cuộc triển lãm thành công tại trụ sở hội Họa Sĩ Trẻ thuộc khuôn viên trường, mà chính là ngày cưới của họ vào năm 1964: Bẩy giờ chiều bắt đầu tiệc cưới trong một nhà hàng bên Chợ Lớn nhưng năm giờ rồi chẳng thấy Đức đâu cả. Bé Ký chạy bổ đi kiếm. Té ra hắn còn mê man chơi bóng chuyền ở sân Văn Khoa.
– Ông nội ơi, trễ giờ rồi!
Bé Ký ơi ới kêu lên. Mồ hôi nhễ nhại đầy mặt, Đức vẫn cố đấm trái banh:
– Đợi chút. Tui phải gỡ, chớ không thua quá!
Cuối cùng, tất cả anh em chơi bóng chuyền cứ thế mà tháp tùng luôn vợ chồng Đức tới nhà hàng mới đúng giờ được.
Nhưng có những cá nhân mà trong hồi ức chỉ thấy có mặt ở công tác. Xin nói ngay rằng công tác ở đây đều do tự nguyện và làm thiện nguyện cả. Một trong vài cá nhân đáng nhớ trong số này là Đỗ Ngọc Yến. Như tôi đã nói ở trên, sân trường Văn Khoa lúc đó thực tế chỉ là bãi đất trống hoang đầy sỏi đá gồ ghề nhưng không biết sao mà cỏ dại tăng trưởng rất là nhanh: Cứ khoảng hai tuần mà không cuốc dọn gì là cỏ cây mọc tràn lan, cao đến ngang tầm đầu gối liền. Thêm nữa, mọi sinh hoạt tập hợp cả trăm người trở lên đều chỉ thực hiện ở sân trường này là tiện lợi nhất, Văn Khoa là phân khoa duy nhất của viện Đại học Sài Gòn tọa lạc ngay trong trung tâm thủ đô và cảnh sát hồi đó đã được lệnh không tự tiện đột nhập vào khuôn viên đại học mà làm phận sự. Do đó nhu cầu sân trường bao giờ cũng cần được dọn sạch. Có lẽ không một ai biết chắc được rằng các buổi trại dọn dẹp sân trường Văn Khoa bắt đầu từ lúc nào và do ai khởi xướng. Nhưng rõ rệt rằng Hội Tết Làng Văn Khoa xuất hiện vào đầu năm 1964, các trại công tác dọn sân trường hẳn phải mở màn từ độ tháng 12 năm 63 rồi liên tiếp kéo dài ít nhất cũng phải ba lần như vậy mới có thể dẹp quang được những cuộn dây kẽm gai bao quanh trường, những đám gạch ngói chất đống và những bãi phóng uế bừa bãi đến hoang phế, vì vấn đề an ninh từ mấy năm trước đó, của khuôn viên trường dọc theo đường Công Lý đối diện phía bên kia là dinh Gia Long.
Và buổi công tác dọn sạch sân trường hiện diện từ mấy thông cáo dán trên tường của tòa nhà chính, đề tên là Ban Công Tác Sinh Viên Văn Khoa. Thế là sáng chủ nhật đó mấy chục anh chị em có mặt tại sân trường. Đỗ Ngọc Yến xuất hiện tự giới thiệu tên mình rồi phân phối công việc cho mọi người. Ai yêu cầu dụng cụ gì, anh bỏ đi đâu một lúc là đem về thứ đó, rồi anh cũng nhảy vào làm việc chung luôn. Trưa, anh kêu mọi người nghỉ tay, yêu cầu đóng góp tiền mua thức ăn rồi cùng ăn với nhau. Sau buổi công tác như vậy, Yến biến mất để rồi lại xuất hiện “chủ trì” buổi dọn sân trường kế tiếp.
Sau này quen nhau, anh Yến tâm sự, chúng tôi mới biết rằng anh đã sinh hoạt Hướng Đạo từ thời tiểu học và nhà anh hồi xưa ở tại một con đường nhỏ quanh chợ Bến Thành, nên mỗi ngày anh đi học đều băng qua khúc đường Nguyễn Trung Trực trước Khám Lớn Sài Gòn nay là khuôn viên Văn Khoa. Đỗ Ngọc Yến được chúng tôi biết tới từ đấy. Đến năm 65, anh được bầu làm Tổng Thư Ký của Chương Trình Công Tác Hè; rồi sau đó anh được làm trại trưởng hầu hết các trại công tác của phong trào Hướng Về Nông Thôn, của CPS. Anh được chúng tôi mệnh danh là vua các trại công tác.

Quán văn Văn khoa

Khu sân trống ngay đằng sau tòa nhà chính và đối diện với giảng đường lớn nhất 101, phía cạnh đại lô. Gia Long, từ đầu năm 1964 đã được dự trù là nơi dựng miếu Hùng Vương. Tượng do sinh viên làm mẫu đã để tại đó thật nhưng sau không hiểu vì lý do gì người ta bỏ lửng, mà tượng mẫu vẫn chơ vơ hoang phế đứng đó.
Sau đó vì nhu cầu, anh em đã dựng lên tại khu sân trống này một ngôi nhà, mỗi bề độ 5 hay 6 mét gì đó, mái tôn, tường bằng liếp và ván ép, làm ngôi nhà mẫu thực tập cho trại công tác dựng nhà giúp đồng bào ở Gio linh, Quảng Trị. Hết thời gian trại, ngôi nhà mẫu này, cộng với một tấm bạt che trên nền cỏ hoang, đối diện với pho tượng mẫu Hùng Vương, và thêm tấm bìa viết tay đề hai chữ Quán Văn. Thế là Quán Văn ở Văn Khoa đã cứ thế hiện diện.
Một trong mấy nhân vật chủ trì quán này là Đỗ Việt Anh, vốn đang học bên Dược Khoa, và cô Nhuệ Giang người xinh xắn trắng trẻo đoan trang có khuôn mặt Thúy Vân “khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang”. Rồi thêm Phan Huy Đạt học Sử Địa đại học Sư Phạm, Ngô Vương Toại, Hoàng Xuân Sơn, Hoàng Xuân Giang, Hoàng Ngọc Tuấn.
Chỉ vài tháng sau, những bàn ghế thấp nhỏ của Quán Văn đã lan ra chiếm trọn phần trên cao của sân trường, với những đêm văn nghệ ngoài trời có hằng trăm hàng ngàn khán thính giả thanh niên nam nữ tham dự. Nơi đó những Khánh Ly-Trịnh Công Sơn, Vũ Thành An, Từ Công Phụng… xuất hiện, để một hai năm sau họ trở thành những danh tiếng hàng đầu của nền tân nhạc Sài Gòn. Và Quán Văn Văn Khoa nghiễm nhiên khởi đầu cho phong trào văn nghệ “dấn thân” (như ngôn ngữ thời thượng lúc bấy giờ vẫn gọi), phong trào văn nghệ ngoài trời độc đáo của thanh niên thuở ấy. Tiếp theo là Phong trào Du Ca (với hai trưởng sáng tác và điều hành nổi nhất là Nguyễn Đức Quang và Ngô Mạnh Thu, rồi Trần Đình Quân dựng cờ Du Ca ở Đà Nẵng…) đã xuất hiện rầm rộ, lan nhanh đi khắp mọi miền đất nước, như chưa từng có. Và quán cà phê sinh viên Thằng Bờm (với Lưu Trọng Đạt, Nguyễn Khả Lộc, Đỗ Việt Anh, Nguyễn Quỳnh…) đã mở ở góc đường Phạm Ngũ Lão cũng nổi đình đám một thời ngay sau đó.

Phạm Quốc Bảo

Bình luận về bài viết này

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.