Đứa Con Bị Bỏ Rơi

vnorphan

“Rằm tháng bảy kẻ quảy người khiêng”.

Ngôi chùa Phật trắng tấp nập người ra vào. Ông Phật ngồi tận trên cao quan sát mọi người nhưng ông không thấy một em bé sơ sinh độ khoảng hai ba ngày, nước da còn đỏ hỏn được đặt trong cái thúng nhỏ để cạnh cây tùng nơi ngõ ra vào từ lúc nào. Tiếng khóc của đứa bé không làm ông chú ý nhưng đã đánh động vào tai người đàn bà ăn mày.

Nhìn thấy cái thúng từ sáng nhưng chị không dám tới gần. Chị ngại ai đó để quên rồi sẽ quay trở lại lấy. Chẳng thấy ai tới mãi đến khi nghe tiếng khóc, chị mới tò mò lại gần: “Thôi rồi! Một đứa bé đã bị bỏ rơi. Thật tội nghiệp! Chắc nó đói bụng”. Chị ra trước cổng chùa mua một bịch sữa cho bé bú. Đứa bé hình như biết được số phận của nó hay sao mà khi bú xong và được thay tã sạch sẽ, nó quậy quậy mấy cái rồi ngủ tiếp. Chị thấy nó ngủ, chị thương lắm. Hoàn cảnh của mình như vầy đã khốn khó mà nó càng tội nghiệp hơn vừa mới lọt lòng lại bị bỏ rơi!

Chị nhớ lại hồi còn nhỏ, nhà nghèo, ba mẹ nuôi không nổi bốn chị em. Chị lại mắc bệnh nặng viêm não Nhật Bản nặng nhưng vì nhà nghèo, chị không được sự chăm sóc tận tình của bác sĩ nên bị tật nguyền từ lúc ấy. Ba mẹ chị đành phải bỏ chị ở lại nhà thương. Hai tay cử động khó khăn vì di chứng của bệnh khiến chị không xin được việc làm. Chị đành phải sống qua ngày bằng lòng thương hại của người qua đường. Số chị cũng lớn. Chị ằn èo rồi vượt qua những tháng ngày khổ sở đó sống lăn lóc tới bây giờ! Gặp cảnh này, chị chảy nước mắt.

Trời hôm nay nóng hơn mọi ngày nhưng người người vẫn cố chen chân. Kẻ cầm nhang, cầm bông hoa, người mang trái cây háo hức vào chùa cầu phuớc. Nghe nói chùa ở đây linh lắm, chị nhìn lên tượng Phật trắng, thầm vái: “Nếu đức Phật từ bi, xin phù hộ cho con và đứa bé này được bình yên. Hãy cho đứa bé được rơi vào nhà nào giàu có để cuộc đời nó sung sướng một tí”.

Những đồng tiền được thảy vào cái nón rách của chị. Người ta hình như đã quen với cách mượn con nít để kiếm ăn nên chẳng ai buồn để ý đến đứa bé nằm trong giỏ. Đến xế chiều, ngôi chùa trở lại sự yên tĩnh. Chị nhẫn nại ở lại tí nữa coi thử có ai đến để xin đem đứa bé đi không nhưng chị hoàn toàn thất vọng vì chú tiểu trong chùa bước ra đóng cổng. Chị đành bồng đứa bé lên một cách khó khăn rồi lủi thủi bước đi. Cái nắng ban chiều đã dịu hẳn. Hơi gió biển thổi vào hất ngược mái tóc rối bù của chị ra sau. Sợ đứa bé lạnh, chị dừng lại, lôi cái khăn đã cũ mèm ra quấn cho nó. Bị động, nó “oe oe…”.

Mọi người đều trố mắt khi thấy chị mang một đứa nhỏ về. Một anh đứng tuổi, ngứa mắt:

– Lượm đâu cái thứ ấy về đấy? Tối nó khóc lên ai ngủ cho được?

Người khác phụ họa:

– Cái thân tàn lo chưa xong lại còn bồng cái cục nợ của ai về? Học cái chiêu bắt cóc con nít để người ta tội nghiệp cho thêm tiền phải không? Vậy mà cũng nghĩ ra được!orphan01

Mỗi người một câu, chị chẳng màng trả lời. Chị chui vào một góc của mình ngoài chợ. Cái chợ khi về đêm là nơi nghỉ của những người lang thang không nơi nương tựa. Nói chung là của những người hành khất. Họ tự chia ra mỗi người một chỗ. Hôm nay, có người mới nên họ tụ lại để xem. Cụ già nhất xua tay:

– Thôi giải tán đi! Có gì lạ đâu? Còn cô nữa, làm gì thì làm, đừng để đứa bé khóc phá giấc ngủ của người ta. Mà có gặp rắc rối gì tụi này không chịu trách nhiệm đâu à. Ráng chịu nghe không?

Nói xong, ông bỏ đi. Đám đông giải tán. Đứa bé cũng dễ chịu. Nó được chị cho bú với đôi tay tật nguyền rồi lăn ra ngủ. Còn chị, chị không ngủ được. Chị suy nghĩ mình nuôi nó theo mình để xin ăn hay đem nó bỏ lại chỗ cũ? Nếu để nó ở với mình, mình có nuôi nổi nó không? Quá mệt mỏi, chị thiếp đi.

Tiếng đứa bé khóc làm chị giật mình. Trời đã mờ mờ sáng. Những người bán hàng chợ đã đến. Chị ngồi dậy thu xếp đồ đạc vào giỏ rồi bồng đứa bé tới hàng tạp hóa để mua đồ dùng nhưng vừa tới nơi chị bị người bán hàng chửi một tràng:

– Trời ơi là trời! Mới bảnh mắt ra chưa bán mớ hàng, bà đã lù lù tới xin rồi. Đồ hắc ám! Đi chỗ khác đi cho tui nhờ, mẹ!

Vừa nói, người bán hàng vừa lấy tờ giấy ra đốt, quơ qua, quơ lại mấy cái, miệng lẩm bẩm gì chị không nghe rõ. Thấy đứa bé lại khóc, chị nóng lòng nên thanh minh:

– Chị hiểu lầm rồi. Tôi đến để mua cái bình sữa cho đứa nhỏ chứ chẳng phải xin tiền chị đâu. Đứa bé đói bụng vì hôm qua tới giờ, nó chỉ uống bằng cái ống hút không hà nên nó uống không được bao nhiêu sữa cả. Chị bán cho tôi đi! Tôi cầu cho chị cả ngày bán đắt.

Người bán hàng khựng lại lời chửi rủa khi nghe chị xin ăn nói vậy, cô ta xuống giọng: “Thôi được rồi. Chị muốn mua gì?”.

– Chị cho tôi hai cái bình sữa. Hai cái khăn nhỏ. Hai cái khăn lớn để quấn nó và vài cái áo mới sinh. Một cái áo len. Một hủ phấn. Một…

– Chị mua nhiều vậy? Chị có đủ tiền không?

Chị bán hàng cắt ngang lời chị.

– Chị mở hàng. Mua ít thôi. Khi nào có tiền thì trở lại mua tiếp!

– Dạ. Vậy thì thấy đứa bé cần gì thì chị bán cho tôi đi. Tôi mới ẩm nó về nên tôi chưa biết.

Có mọi thứ cần, chị mang nó đi lên chùa để chiều lại về cái chợ đêm. Mọi người cũng chẳng ai lời ra, tiếng vào gì nữa.

* * *

Năm tháng dần qua…

Lượm lớn lên từ những đồng tiền bố thí của mọi người và sự chăm sóc của mẹ. Rằm, Mồng Một, nó theo mẹ tới chùa. Các ngày thường, nó lẩn quẩn nơi chợ để được người ta cho những đồng cắc lẻ còn dư lại. Nó lượm những bịch nylon hoặc những lon nước nước ngọt khi người ta dùng xong, mang đi bán. Nó đã quen với những ngày tháng như vậy. Có lần, nó bán được nhiều tiền, nó mua cái lược và cái kẹp về cho mẹ. Người mẹ xót con nên la rầy: “Đừng phí tiền cho mẹ”. Hai mẹ con nước mắt ròng ròng. Lần lần, nó theo mấy người bán vé số tới mấy quán nước, quán ăn. Ở đó, nó được nhiều tiền hơn vì không có ai cạnh tranh. Có bữa gặp mấy ông khách sộp cho thật nhiều tiền, nó mừng lắm. Mấy lần, nó bị mấy người làm đánh cho một trận và đuổi nó đi chỗ khác. Nó đâu có chịu đi vì nó thấy ở đó có nhiều khách Việt kiều và khách nước ngoài. Một bữa nọ, nó bị đánh bầm cả mặt mà không dám khóc. Thấy vậy, một người đàn bà đứng tuổi, cầm tờ giấy 50.000 ngàn Việt Nam cho nó và bảo nó đi để khỏi bị đánh. Nó mừng quýnh, chạy thẳng về gặp mẹ để khoe. Chưa kịp khoe thì mẹ giận:

– Không lo đi làm mà lo đánh lộn? Đã bảo không được ăn cắp mà…

Nó ôm cổ mẹ:

– Tại con không cẩn thận nên bị té thôi. Ai đánh con đâu! Con có dám đánh ai đâu mà mẹ kêu con đánh lộn. Tiền này, bà kia cho con. Con cho mẹ nè! Con đâu có mua cái kẹp gì nữa đâu.

Chị không cầm được nước mắt. Chị ôm lấy con trong hai cánh tay tật nguyền:

– Biết chừng nào mới cho con ăn học đây?

– Học làm gì cho mệt. Con xin ăn nuôi mẹ được rồi!

Chị bật cười. Cái cười nghèo khổ sao mà đớn đau, sao mà héo hắt. Chị không dẫn con đi ăn xin nữa. Con bé cũng thôi cái nghề xin ăn. Nó theo mấy đứa nhỏ bán vé số. Không biết học ở đâu ra mấy cái câu mời thật dẻo miệng mà vé số của nó bán rất chạy. Ông đại lý vé số rất thích nó. Có lần ổng đưa nó bán cả xấp mà không lấy tiền trước.

Nó xinh xắn và lanh lẹ nên lọt vào mắt của cô chủ quán. Cô mới vừa sinh em bé nên kêu nó về coi em bé cho cô. Cô trả 500 ngàn một tháng, cho ăn, cho mặc, cho chỗ ở luôn. Nghe nói vậy, nó về xin với mẹ. Người mẹ trầm ngâm một hồi rồi đành phải cho nó đi ở cho người ta. “Ít ra, ở với người ta, nó cũng không tệ bằng lang bang với mình”.

– Để mẹ dẫn con tới chỗ chủ của con. Con cố gắng làm tốt công việc của con. Đừng làm biếng, đừng đụng đến bất cứ cái gì trong nhà người ta. Mình nghèo thật nhưng mẹ không thích tính tham lam. Nhà người ta có gì kệ đừng để ý nghe chưa, con gái?

Dặn dò xong, chị ôm con mà chảy nước mắt. Nó còn nhỏ quá để rời khỏi sự chăm sóc của mẹ. Thực ra, số mạng nó dù là đứa bé bị bỏ rơi nhưng hai ngày sau đã có chị nuôi dưỡng. Nay nó đi ở cho người ta, ít ra, vài tháng mới được về một lần. Có trời mới biết nó sướng khổ thế nào?

– Mẹ à! Khi con có nhiều tiền, con đưa hết cho mẹ mướn nhà ở, đừng ở chợ nữa.

Đêm ấy, chị ôm con gái trong cánh tay và hát vu vơ để ngày mai, nó đi đường nó. Khi con gái ngủ, chị nhìn con, nước mắt lại trào ra… Ai nói con rứt ruột đẻ ra mới thương? Chị đang thương đứa con rơi này muốn chết khi phải đưa nó vào tay người khác với kiếp số người ở đợ! “Ôi”! Chị rên trong lòng. Trên vách chợ, con thằn lằn cũng tắc lưỡi “chách chách”!

* * *

Thời gian lại qua…

Lượm đã được mười hai tuổi. Với cái tuổi hồn nhiên, vô tư này, lẽ ra, nó phải được tung tăng cắp sách tới trường. Vậy mà Lượm phải ở cho cô chủ quán để giữ em bé. Nó học cách giữ em. Học nấu ăn và dọn dẹp. Lượm cần mẫn, siêng năng vì nhớ lời mẹ dặn. Tiền lương tháng, Lượm để dành, cuối tháng, nó xin phép chạy về đưa cho mẹ. Vì không có bạn bè, em út nên Lượm coi cu Tí như em của mình, rất mực thương yêu. Nó hay tâm sự với em mặc dù cu Tí chẳng hiểu chị Lượm nói cái thứ chi. Thằng bé chỉ cười toe toét khi thấy Lượm lấy tay dí vào mũi của nó. Có lần, cu Tí nghịch ngợm, bò lên cái ghế salon, lỡ chân, té xuống bầm mặt mũi. Thế là một trận mưa roi quất xuống người Lượm. Kể từ đó, mỗi lần Lượm làm sai cái gì hay cu Tí khóc thì Lượm bị chị chủ nhà điên tiết, ngắt véo bầm cả người. Lượm sợ đòn nên cả tiếng khóc nhớ mẹ cũng không dám ứ.

Đang pha sữa cho cu Tí, nhớ lại mấy trận đòn, nó luýnh quýnh nên nước sôi đổ vào tay nó. Nóng quá, nó thò vào vòi nước lạnh bên cạnh mong cho bớt nóng. Không ngờ, tay nó càng sưng to hơn. Cố cắn răng hít hà không dám la tiếng nào. Thấy cu Tí khóc to, Lượm quên mất cái tay đang đau, nó bồng cu Tí lên để dỗ. “Á” !

Lượm la to một tiếng rồi buông cu Tí… “Bịch!”. Thằng nhỏ rơi xuống sàn nhà. Nó bị đau càng khóc to hơn. Cô chủ nhà nghe cu Tí khóc bèn chạy vào quát mắng Lượm. Tiện tay, cô ta tát mấy cái vào mặt “Chát, chát”!

– Mày làm cái gì vậy? Không muốn làm nữa thì cút về mẹ mày đi! Thấy cái mặt hiền từ như vầy mà ác tổ cha. Sao mày đánh nó hả, con qủy cái?

Cô ta trừng mắt nhìn Lượm nãy giờ đứng đó như trời trồng. Nước mắt Lượm chảy dài:

– Con xin lỗi! Con đâu có đánh em. Tại con lỡ tay nên nước sôi đổ vào tay con.

Nghe nói tới đây, cô chủ nhà mới để ý cái tay của Lượm:

– Trời, lại ăn hại nữa rồi. Mày thấy tao có chút tiền, mày báo hại phải không?

Cô chủ nhà là thật to. Thấy vậy, Lượm sợ quá, thụt lui ra sau “Choảng”! Cái bình bông sau lưng rơi xuống. Mặt Lượm không còn chút máu. Nó ngã qụy theo tiếng hét của bà chủ nhà và té nằm đè lên những miếng mẻ ấy.

* * *

Ôm mấy bộ đồ trên tay, Lượm trở về căn phòng nho nhỏ mà hai mẹ con đã thuê bằng tiền ở đợ của Lượm. Không biết nói sao cho mẹ nó khỏi buồn và nó sẽ làm gì để nuôi mẹ khi mẹ đã già yếu? Lượm cố bước chậm lại để sắp xếp những suy nghĩ của mình nhưng khu tập thể đã hiện ra trước mặt nó. Lượm lắc lắc cái đầu cố xua đi những suy nghĩ của mình và thở hắt, cố lấy bản mặt tươi vui để vào gặp mẹ. Lượm đợi mãi ở ngoài cửa mà chẳng thấy bóng dáng của mẹ đâu. Nó đành tới hỏi bà chủ nhà tin tức của mẹ nó. Lượm điếng người khi nghe cô chủ nhà báo là cả tuần cô không thấy bà về mà trên ti vi thông báo có một bà cụ bị tai nạn xe đã qua đời nhưng chưa có thân nhân nhận. Nó quăng hết đồ vào phòng rồi ba chân bốn cẵng theo lời chỉ dẫn bà chủ nhà chạy tới bệnh viện. Người y tá cho biết rằng trên người của nạn nhân không có giấy tờ tùy thân. Cái xác được bỏ vào nhà xác đã mấy ngày không được ai nhận nên hội từ thiện chôn dùm rồi. Lượm nghẹn ngào. Con bé lầm lũi đi kiếm hội từ thiện để họ chỉ chỗ chôn bà cụ. Nó mong rằng bà ấy không phải là mẹ của mình. Nó ngồi trước nấm mồ hoang, nước mắt khô không còn giọt để lăn ra trên mặt. Nó không tin rằng mẹ nó đã chết.

Đã bao ngày nó lần mò tìm đến những chỗ mà mẹ nó và nó đã từng đến nhưng không ai biết tí gì về mẹ của nó cả.

Lượm xin làm vệ sinh tại căn Karaoke bình dân trong khu phố nghèo. Tiệm không được đông khách lắm nên mấy cô làm ở đây nghỉ dần. Ngày lễ, tiệm có khách, ông chủ kêu Lượm mang dĩa trái cây và mấy chai bia vào phòng khách:

– Mời mấy anh chị dùng. Anh chị có gọi gì thêm không?

Một anh trong bọn lên tiếng:

– Anh đã tới đây mấy lần sao không thấy em?

– Dạ, em mới xin vô làm.

Lượm lắp bắp, mặt đỏ ngầu. Sự rụt rè của Lượm làm cả đám con trai chú ý.

– Làm gì dạ hoài vậy. Lại đây hát với tụi anh cho vui!

Thêm một cậu choai choai:

– Hát đi! Hát đi! Tới phiên mày rồi kìa! Thấy gái là mặt thuỗm ra, kỳ lạ!orphanage-010

Một cô nữ đứng lên và đưa cái micro cho hắn. Lượm bước ra ngoài: “Lại thêm mấy người sung sướng!” Cô lầm bầm trong họng. Ông chủ không nghe rõ nên hỏi lại:

– Trả treo cái gì đó?

– Đâu có!

Đem thêm mấy chai bia vô, Lượm vừa mở cửa, anh con trai mồ côi bồ khi nãy, lập tức sáng mắt:

– Hà hà! Cô em vô đây. Anh có nói với ông chủ rồi để em ngồi chơi với tụi anh.

Anh ta đưa tay nắm lấy tay Lượm khi thấy Lượm vừa đặt mấy chai bia xuống nhà khiến Lượm giật tay ra. Anh ta tiếp:

– Tụi nó có cặp hết rồi. Nãy giờ bọn chúng ăn hiếp anh dữ lắm. Em giúp anh “uýnh chết” tụi nó nhé? Hát đi. Cặp nào thua, mai đãi một chầu ăn sáng.

Anh ta nói thao thao mặc dù anh ta chẳng biết Lượm có biết hát hay không? Tuy Lượm không biết chữ nhưng cô cũng đã quen với những bài hát từ nhỏ khi cô bán vé số tại mấy quán cà phê. Mới đầu, Lượm còn khe khẽ hát. Sau thấy mấy anh chị ngà ngà thả dàn, cô mạnh dạn cất giọng hát một cách tự nhiên. Cả bọn ngồi im thin thít để nghe con bé hát. Con nhỏ hát say sưa mà quên hẳn những người chung quanh. Nó quên luôn cả thân phận của mình. Những tràng vỗ tay cổ vũ làm cho nó mạnh dạn hơn. Tiếng nhạc vừa dứt, cái máy tính ghi điểm: 100. Cả bọn, người hò hét. Kẻ huýt sáo khen lấy khen để. Cả bọn ra về không quên bỏ lại trên bàn tờ giấy bạc 100 ngàn. Lượm hớn hở. Lần đầu tiên, người ta cho cô được số tiền lớn như thế. Vừa dọn dẹp, cô vừa lẩm nhẩm lại mấy câu hát.

– Xong chưa? Tắt đèn, rồi về đi!

Tiếng ông chủ làm cho Lượm giật mình:

– Dạ xong rồi!

Vừa bỏ đi, ông chủ thêm:

– Mấy người hồi nãy khen cháu hát hay lắm đó.

Lượm không ngủ được. Cô trăn trở trong niềm vui bất ngờ vì từ khi mẹ bỏ đi, chưa bao giờ, cô thấy vui như tối hôm nay.

Thêm mấy lần, Lượm được ông chủ cho lên để hát cùng với khách nên cô bây giờ cũng đã quen dần. Khách mến, ông chủ cũng mến theo. Ông chủ cho thêm tiền và bảo Lượm: “Mua thêm mấy bộ đồ để mặc hát với khách chứ chỉ có vài bộ cũ coi kỳ lắm!”. Với lứa tuổi “mười bảy bẻ gãy sừng trâu”, Lượm đằm thắm hơn những người con gái khác. Lượm đã lọt vào vào mắt xanh của một anh Việt kiều. Sau khi nghe tiếng hát của cô, anh không làm sao quên được. Anh dành hết thời gian du lịch của mình vào cái quán Karaoke có cái tên “Thanh Thanh” này. Thấy vậy, ông chủ đánh tiếng cho Lượm. Lúc đầu, Lượm rất sợ nhưng thấy ông chủ quán cứ nhai đi, nhai lại hai chữ “tương lai” mà ông đã vẽ ra cho Lượm. Lượm đánh liều một phen. Họ quen nhau chưa bao lâu thì anh Việt kiều xin cưới và làm thủ tục bảo lãnh vợ.

Tiệc cưới của họ được tổ chức tại nhà ông chủ. Ông chủ trở thành người cha đỡ đầu cho Lượm. Từ cô bé lọ lem, Lượm lột xác trở thành nàng công chúa. Trong bộ áo đầm màu trắng, tóc được bới cao, cô tung tăng bên người chồng sắp cưới mà quên đi nỗi ưu phiền của mình. Lúc này, trông cô thật hồn nhiên của cái tuổi mới lớn.

Trước ngày đám cưới, Lượm trả căn phòng thuê cũ. Khi cô dọn đồ, cô bất chợt phát hiện cái hộp đựng đồ dùng của cô khi còn bé. Cô mở ra: Chiếc túi đựng tiền Lượm ở đợ năm nào còn nguyên với những chiếc áo sơ sinh và các thứ khác. Cô úp mặt lên cái hộp mà nức nở. Thì ra, mẹ ra đi là vì không muốn tiêu những đồng tiền của con gái! Ngày hạnh phúc của cô đã thấm đầy nước mắt! Người chồng chia sẻ nỗi lòng với vợ bằng một vòng tay xiết chặc.

* * *

Sáu tháng sau, cô theo chồng về xứ lạ. Lượm được bên nhà chồng gởi cô vào tiệm Nail ở Virginia Beach thuộc tiểu bang Virginia. Lúc đầu, Lượm chưa thông thạo việc. Vào tuần thứ hai, cô đã giỏi về chân tay nước vì trước khi đi sang Mỹ, chồng cô đã cho cô học nghề tại Việt Nam. Thấy cô siêng năng và chịu khó học nên cô chủ tận tình chỉ cho cô học móng bột và làm móng giả. Do có năng khiếu nên cô học rất nhanh. Vốn liếng tiếng Mỹ thì cô phải ghi từng câu vào giấy để học. Chính vì được lòng nhiều người thì cũng có kẻ ganh tị. Hai cô gái xin học nghề trước Lượm hai tháng nhưng chưa được chủ đưa khách làm nên họ nói xấu Lượm đủ điều. Đa số thắng thiểu số. Thế là Lượm bị nghỉ việc. Lượm lên Washington D.C để làm với ông chủ người Tàu. Ông chủ người Tàu lại quá khắc nghiệt. Có lần, cô thợ làm đổ chai Primer lên bàn. Cho dù cô có cố gắng lau chùi cách mấy cũng không hết mùi. Ông ta đi ngửi từng bàn rồi bắt mọi người thợ phải ngửi theo ông. Ông đã ném tất cả những đồ ăn của thợ vào sọt rác vì ông cho chúng làm hôi tiệm. Không chịu được thái độ coi người tệ hơn vật của ông chủ Tàu, Lượm bỏ đi.

Lượm cùng người chồng sang tiểu bang Illinois để… đổi đời. Tính thật thà siêng năng của hai vợ chồng được ông chủ tiệm giao tiệm trông coi. Ngày tháng lặn lẽ trôi mau, hạnh phúc và niềm vui của Lượm bị dập tắt khi bé trai của Lượm được năm tháng tuổi bập bẹ tiếng “ba ba” cũng là lúc ba nó rời xa bé. Cuộc tranh cãi của Lượm và chồng kéo dài một ngày một đêm. Sau đó, anh lẵng lặng lái xe ra đi dưới cơn mưa tuyết. Cô ôm chặt đứa con vào lòng như ngày xưa, mẹ đã ôm mình. Nỗi nhớ mẹ dâng trào…

Cu Lỳ vừa tròn một tuổi vừa lúc ba nó trở về. “Đánh kẻ chạy đi chứ không ai đánh kẻ chạy lại”. Cô chẳng buồn hỏi chồng đi đâu? Làm gì? Ở với ai? Cái gì đến sẽ đến. Cái gì đi sẽ đi. Cái nào về sẽ về.

Với tháng ngày cần mẫn chắc chiu của hai vợ chồng, Lượm đã mang danh bà chủ tiệm Nail. Ngày cực nhọc vẫn đến nhưng tháng ngày bần cùng đã không kịp về tới nữa!

Chuyến bay mùa hè về Việt Nam đã có thêm một gia đình.

Đứng trước chùa Long Sơn số 23 đường 23/10 Nha Trang, Lượm chỉ cho chồng thấy ông Phật trắng ngồi chễm chệ trên núi Trại Thủy:

– Ông ấy ban cho em sự may mắn. Còn mẹ, mẹ mới là người thực sự ban cho em sự sống.

Họ vào chùa làm công quả rồi đi. Một đôi mắt đỏ ngầu từ cây tùng dõi theo, mừng vui và xót xa:

– Nó đã có chồng, có con. Nó đã về miền đất hứa xa xôi. Đó là số phận một đứa con bị bỏ rơi đã được đền bù!

Bà không nhận sự đền bù của ai dành cho bà. Biết đâu, có bà, con gái của bà nuôi dưỡng sẽ chẳng hạnh phúc vì người mẹ hành khất của mình! Bà mỉm cười, mặt đẫm đầy nước mắt, cuối xuống chiếc nón rách bằng tấm thân bắt đầu còng lại cho đứa con gái bà nhặt nuôi được đứng thẳng./.

Tháng 05/12/08

Đăng Ngọc

Bình luận về bài viết này

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.