Đất dữ

datdu

I

Không hiểu tại sao và từ bao giờ người ta vẫn gọi cái xóm ấy là xóm Lao Động. Xóm nào mà chả phải lao động ? Sống ở đây từ rất lâu, lão Háo thấy cái xóm của mình cũng không khác gì xóm Tiến Bộ bên cạnh và cả cái xóm Quyết Tiến mãi tít bên kia sông. Cư dân chỉ có duy nhất một loại người lao động chân tay. Bốc vác, xe bò, quét dọn vệ sinh, thợ mộc, thợ nề, thợ may, thợ cắt tóc. Thế nhưng những cái tên theo kiểu lấy chữ “Tiến” làm danh từ, thêm vào trước nó là một tính từ như Quyết, Thẳng, Vững, Tân, Đồng… đã được người khắp nước đua nhau đặt rồi.

Lão có mặt ở đây như một sự run rủi của số phận. Người chủ của ngôi nhà cũ kỹ và khu vườn rộng thênh thang này vốn là một nhà buôn nhỏ có chút nợ nần, đã trốn biệt vào Nam sau hoà bình. Lão là kẻ ăn người làm duy nhất còn ở lại. Đàng nào thì đi hay ở lão cũng chỉ có mỗi một tài sản là đôi bàn tay. Lại là đôi bàn tay có đến mười một ngón. Ngón cái bàn tay trái mọc ra thêm một ngón con mãi mãi là một ngón tay trẻ con nhỏ hồng xinh xắn. Chính quyền thương tình lão đã bỏ quê hương lên thành phố sống từ ngày còn nhỏ tuổi và lại là người trông nom bảo vệ ngôi nhà vắng chủ rất cẩn thận chu đáo. Người ta cấp giấy tờ chia cho lão sở hữu căn nhà ngang vốn từ xưa lão vẫn ăn ngủ ở đấy cùng đám người giúp việc. Thế là bỗng nhiên lão trở thành người có nhà cửa đàng hoàng. Không như ngày còn ở quê, chẳng có lấy nổi “một tấc cắm dùi”.

Gặp lúc vận may gõ cửa, lão lấy luôn một mạch hai bà vợ cùng cảnh ngộ bị chủ bỏ rơi. Căn nhà ngang ba gian được cấy thêm hai chái cho hai bà và lần lượt tám đứa con ra đời. Có năm hai đứa ! May, Mắn, Kỳ, Diệu con bà cả. Cường, Thịnh, Vinh, Hoa con bà hai. Vị chi bốn trai, bốn gái. Lão doạ nếu đẻ thêm sẽ đặt tên con là Hoàn, là Hảo. Chẳng may bà cả mất khi sinh đứa thứ năm. Bà hai sợ quá cũng tắt kinh ngay từ khi mới ngoài ba mươi tuổi. Thằng con mất mẹ ra đời, lão buồn bã đặt tên cho nó là Thêm.

Nghe nói cũng có thời lão đi làm nhà nước. Làm thủ kho gì đó ở một nhà máy được chừng mươi năm thì lão thông đồng với cánh lái xe bồn ăn cắp cả mấy xe xăng dầu. Bị phạt tù bốn năm. Ra tù cũng có nghĩa là chấm dứt mọi liên quan đến nhà nước. Con cái lớn dần, chỗ ở chật chội, lão mưu mẹo giả vờ lạy van xin xỏ hàng xóm cho lão được nới rộng thêm chỗ ở ra mảnh sân chung. Những người mới đến ở theo diện thuê nhà nhà nước, không phải đất của họ, chả ai dại gì dây dưa với ma cũ vốn có tiếng bất hảo. Ngày mỗi ngày, cái cơ ngơi ba gian nhà ngói bỗng chốc trở thành một vòng cung xung quanh mảnh vườn rộng vây bọc lấy ngôi nhà chính. Con gái lấy chồng, mỗi đứa một phương. Con trai trộm cắp tù tội cả bốn đứa lớn. Thằng Thêm vào bộ đội từ lúc mới chớm nở thói côn đồ. May mắn cho lão. Bà vợ hai ốm đau mấy năm trời tưởng chết. Bỗng dưng hồi tỉnh. Cười như ma làm mỗi độ trăng tròn. Suốt ngày chuyện trò lẩm bẩm với người âm. Lúc tức giận thường tụt quần đái ỉa giữa lối đi. Vừa ỉa vừa cười như nắc nẻ. Được cái bản tính nhút nhát, không bỏ nhà đi, cũng không đến gần ai bao giờ, lão vẫn giữ ở nhà chăm sóc, chưa đến nỗi phải gửi vào bệnh viện tâm thần !

II

Kỳ lớn lên đúng vào lúc lão Háo đang ở tù. Mẹ mới chết được vài năm sau khi sinh thằng Thêm. Học hành với hắn như một cực hình, suốt ngày trốn học rủ rê đám trẻ lêu lổng của những nhà đông con ra bờ sông nghịch ngợm, ăn cắp vặt. Khi thì dăm ba bó củi, lúc lại mấy buồng chuối non. Đồ ăn cắp được, hắn mang về phụ giúp cái gia đình chẵn mười miệng ăn chả thấm tháp gì. Bà mẹ kế đau ốm triền miên cũng không thể lên đầu cầu vác hàng thuê như xưa được nữa. Đàn em và hai đứa chị bữa đói bữa no cũng lần lượt bỏ học. Kỳ kéo theo ba thằng em cùng cha khác mẹ lập thành một hội đi móc túi trên tàu điện, bến xe, rồi lên xe lửa dông tuốt xuống tận một thành phố ven biển hành nghề. Lũ em lần lượt bị bắt, ở tù. Riêng hắn lớn tuổi tinh khôn hơn và cũng may mắn hơn nên nhiều lần thoát nạn.

Một buổi trưa hè ngồi ngủ gật trên ghế đá vườn hoa thành phố biển sau một đêm lục lọi khắp các nhà ga, bến xe chẳng kiếm được đồng nào. Hắn mơ màng thấy trong làn gió biển dịu nhẹ xen lẫn tiếng ve sầu uể oải có một mùi hương rất lạ. Nồng nàn và thanh bạch. Không gắt gỏng như mùi dạ lan hoang dại. Thoảng gây mùi sữa pha lẫn mùi hương nếp. Choàng mở mắt. Thấy bên mình là một cô gái còn rất trẻ. Thậm chí còn trẻ con ! Mớ tóc dài sém nắng sợi lành sợi chẻ đỏ quạch. Đôi mắt ướt đăm đăm nhìn hắn nhoẻn miệng cười, anh tài thật đấy, ngồi mà ngủ được rất say !

Hồng bỏ nhà đi từ năm mười bốn tuổi. Gọi là bỏ nhà mà cũng không phải là bỏ nhà bởi làm gì có nhà ! Sáu chị em cô cùng mẹ ở một làng chài ven biển bỏ ra thành phố đã vài năm sau ngày bố cô gặp nạn trên biển không về. Ngày đi lang thang làm thuê các việc vặt, tối về ngủ nhờ trong nhà chờ ga xe lửa. Gặp ngày mưa gió không người thuê mướn, cả nhà chia nhau đi các chợ ăn xin. Rồi một hôm nó không về ngủ với mẹ và các em nữa. Mẹ nó còn bận lo cho năm đứa em cũng không có lúc nào rảnh rỗi để đi tìm. Trình báo là việc lại càng không thể đối với những cư dân bất hợp pháp.

Không ngờ cuộc gặp gỡ tình cờ ở vườn hoa ấy lại nên duyên. Tình yêu của những kẻ lang thang khốn cùng cũng biết cách nảy nở ở cùng một chỗ với những mối tình được cho là kinh điển nhất. Kỳ mang Hồng về nhà mình ăn ở như vợ chồng. Chiếm một gian nhà lão Háo cơi nới trong mảnh sân chung. Hắn thuê một chiếc xe xích-lô, ngày ngày đạp lên cổng nhà máy bia chở thuê những bom bia nặng trịch, lạnh buốt. Hồng lên chợ đầu cầu mua sỉ hoa quả của cánh lái buôn gánh dạo vào phố bán lẻ. Cũng đủ ăn và còn giúp thêm được ít nhiều thuốc thang cho bà mẹ kế đau ốm. Nhưng chẳng hiểu sao, họ không có con ?

Ít lâu sau, trong một lần tranh chuyến chở bia trên nhà máy, một đồng nghiệp xích-lô của Kỳ chửi hắn là đồ tham lam độc ác, chẳng trách giời không cho con cái ! Ngay cả bây giờ nếu chửi nhau như vậy vẫn có thể gây ra án mạng. Nỗi đau âm ỉ bỗng bùng cháy. Kỳ lẳng lặng mở hòm đồ sau lưng chiếc xích-lô rút ra một cái bơm tay bằng sắt dài hơn nửa mét. Gã đồng nghiệp nỏ mồm chỉ kịp kêu được một tiếng “ nó…” là đã nẩy như con bổ củi trên mặt đất. Vũng máu loang rộng bằng nửa cái chiếu đơn. Án phạt tù hai mươi năm dành cho Kỳ lúc ấy là nhẹ nhất so với tội danh giết người.

III

tù ra, về lại xóm Lao Động, lão Háo ngạc nhiên về những thay đổi bất ngờ của cái xóm nghèo tưởng chừng như chẳng còn gì có thể thay đổi. Ngôi nhà chính cùng với vài ba gian bếp và gara ôtô đã có người mới đến ở. Tất cả được chia nhỏ thành những căn hộ trên dưới hai chục mét vuông. Những gương mặt mới không còn đơn thuần là những người lao động chân tay nữa. Có thêm một thày giáo, một y tá, một nhân viên bán sách ở Cửa hàng sách quốc văn, một cán bộ Đoàn thanh niên. Có thể tạm coi là lực lượng “trí thức”. Nhưng có một điều thật lạ ? Cái xóm nhỏ không còn êm đềm như xưa nữa. Những thợ nề, thợ may, thợ cắt tóc… không vì thế mà thay đổi lối cư xử có phần chợ búa của mình. Ngược lại, đám “trí thức” có vẻ như được “chợ búa hoá” lên nhiều. Cũng chao chát, chửi đổng, tranh giành, móc máy. Thày giáo đã thấy mặc quần đùi đứng dạng chân giữa ngõ bưng bát cơm nguội chan canh húp roàn roạt. Cô y tá thản nhiên chăng dây trước cửa phơi những đồ nội y ố vàng. Cô bán sách tha về những thùng gỗ thông đựng sách dựng lên một cái bếp chềnh ềnh giữa sân. Cũng đủ cả ngăn đựng cà, đựng muối. Mỗi ngăn còn lắp thêm một cái khoá treo lủng lẳng. Trẻ con trong xóm dùng phấn trắng viết lên thùng gỗ dòng chữ “Mất miếng ăn là mất tất cả”. Chẳng biết ai xui ? Tay cán bộ Đoàn đi làm về bao giờ cũng kéo theo một đám bạn thanh niên rỗi hơi cờ bạc, rượu chè thâu đêm suốt sáng. Được cái may, những người lao động chân tay sau một ngày làm việc thường đã quá mệt. Họ ngủ thiếp đi ngay từ chập tối, không chút phiền lòng với những tiếng động bất chợt phát ra từ những trò đỏ đen hay rượu chè. Căn nhà mặt phố nhiều năm không sửa chữa, quét vôi, xuống cấp trầm trọng. Vữa long từng mảng lớn để lộ ra những viên gạch hồng lở lói mòn sâu. Có lẽ bộ mặt của nó cũng đủ nói lên tất cả những gì chứa đựng bên trong. Ở thành phố có bao nhiêu ngôi nhà và những xóm nhỏ như vậy ? Lão không thể biết ! Có khi chỉ có mình xóm nhà lão, mà có thể xóm nào cũng thế ! Trước khi biến thành của riêng, mọi của chung đều có bộ mặt như vậy thì phảI ? Thói quen trong con người lão từ mấy mươi năm trước bỗng trỗi dậy. Không phải vì lão muốn làm người gương mẫu. Lão là tấm gương đủ để ai nấy đều phải sợ hãi mỗi khi soi vào. Đó là thói quen sáng dậy vớ ngay cái chổi, quét tước mảnh sân chung như một nghĩa vụ của kẻ ăn người ở. Không nhớ rằng mảnh sân ấy giờ đây đã thuộc về nhiều người khác mất rồi !

Tuổi lão đã suýt soát bảy mươi nhưng sức vóc vẫn còn vô cùng cường tráng. Duy chỉ có cặp lông mày rậm rì chớm bạc và đôi mắt sâu vô hồn như mắt rắn lạnh lẽo là nói lên sự thật về tuổi tác của lão. Ngần ấy năm ở tù bức bách, lại thêm lúc về, bà vợ hai đã chuyển bệnh từ đau ốm triền miên sang dạng mất trí, lão càng cảm thấy bị dồn nén đến cùng cực cái chất đàn ông trong người. Bà vợ mất trí suốt ngày nửa bò nửa lê khắp các ngóc ngách quanh nhà rì rầm nói chuyện với bác Hải, bác Hiệp, cô Hằng nào đó về những người mới đến trong xóm. Thỉnh thoảng lại thét lên, con y tá kia liệu hồn, ngủ với chồng bà là chết đấy ! Những lúc như thế, máu nóng bốc lên đầu, lão chỉ muốn đá bà vợ một phát cho xong đời. May còn có Hồng thương tình sang đỡ bà lên giường. Lão thấy cơn tức giận như chìm xuống, chìm mãi vào những hằn sâu trên bộ ngực rắn chắc và đôi mông mây mẩy của cô…

Một đêm trăng sáng, khi bà vợ lão cất tiếng cười, lão biết bà đã ở lưng chừng cơn mê sảng. Cây sung trụi hết những cành ngang đổ cái bóng dài rách nát xuống mặt sân im lìm. Lão lắng nghe tiếng thở dài rất khẽ phát ra từ phía căn buồng của Hồng. Chẳng cần linh tính mách bảo, lão cũng hiểu chuyện gì đang xảy ra. Đàn bà vắng chồng, nhất là những người chưa con cái như Hồng ? Lão rón rén thò tay vào khe cửa kéo chốt. Một mùi hương dịu nhẹ phảng phất nơi góc phòng. Lão điềm nhiên bước đến bên giường Hồng, nằm xuống cạnh thân hình nóng ran như phát sốt của cô. Chậm chạp, không nôn nóng, lão luồn tay vào giữa khe đùi cô. Từng đợt, từng đợt chất nhờn nóng hổi ướt đẫm các ngón tay lão chen lẫn tiếng thở hối hả của Hồng…

Một tháng sau Hồng thông báo với lão, con đã có thai ! Một người đàn bà nói rằng đã có thai với lão là chuyện hết sức lặt vặt. Chưa bao giờ lão cần để ý. Nhưng đây lại là Hồng, là con dâu lão, chồng nó đang ở tù ! Bài toán hiện nhanh trong óc lão tưởng chừng như đã có lời giải từ trước. Lão quyết định bán bớt hai căn nhà liền kề cho một người kinh doanh nhà trọ, trong đó có một căn Hồng đang ở. Cái thành phố nhốn nháo này hoá ra cũng có lúc hay. Nhà xây chiếm đất, ở lâu hoá thành nhà mình, tha hồ mua bán đổi chác. Vợ chồng sống với nhau không cần đăng ký, thậm chí Hồng còn là người ngoại tỉnh đến ở với Kỳ đã mấy năm cũng không thấy ai bảo gì. Bây giờ là thời điểm “sốt đất” trong phố, lão dễ dàng bán nhà thu về một khoản vô cùng lớn. Lớn đến mức ngỡ ngàng. Chợt lão thấy tiếc thời gian ở tù. Ngày ấy mà ở nhà…?

Khoản tiền bán nhà đủ sức mua cho Hồng một cơ ngơi khác ngoài đê và còn để ra gấp hai ngần ấy nữa. Hồng cũng chẳng còn lựa chọn nào tốt hơn. Ra ngoài ấy ở vài tháng sinh con (cháu ?) cho lão, tiền tiêu những ngày nghỉ chợ, lão chu cấp đầy đủ. Thỉnh thoảng lão vẫn mò ra ngoài ấy ngủ đêm…

IV

Thêm ở bộ đội về đúng vào lúc bà mẹ kế đang hấp hối. Bàn tay xương xẩu của bà khua khoắng loạn xạ trước mặt như muốn xua đuổi một ai đó. Không giống với động tác “bắt chuồn chuồn” của người sắp chết. Một lúc sau, cánh tay rơi thõng xuống cạnh giường. Hơi thở cuối cùng nghe u u như tiếng đàn đá trầm đục ngân vang. Bà mỉm cười ra đi như rất mãn nguyện. Mà có lẽ bà mãn nguyện thật. Thần trí phiêu linh đã làm bà không phải chịu đau khổ trong những năm cuối đời. Bà không đủ minh mẫn để để hiểu về sự nghiệt ngã của thời gian đã bào mòn đạo đức của tất cả đám đàn ông trong nhà cũng như nó đã tàn phá không gian êm đềm của cái xóm nhỏ này.

Đám ma bà Háo diễn ra lặng lẽ ở nhà tang lễ thành phố. Lão Háo không có bạn. Đến phúng viếng chỉ có dăm người hàng xóm và đại diện tổ dân phố. Vài người thân trong họ ở quê bà Háo lên túc trực bên quan tài. Họ khóc có bài bản. Chỉ rộ lên vào những lúc có người đến viếng. Khoảng thời gian giữa hai đợt khóc là tiếng nhai trầu nhóp nhoép thu cả vào máy tăng âm phát ra loa. Đội kèn nhà đám lão thuê về nặng nhọc buông vài tiếng nhị đứt quãng. Tiếng trống cũng lười biếng cầm chừng cho đến khi đưa linh cữu lên xe tang.

Về nhà ít lâu, Thêm cũng lờ mờ biết chuyện chị dâu với bố mình. Hắn mặc kệ hai người. Còn nhiều việc phải lo hơn trong lúc này. Làm cái gì để có thu nhập? Không có tiền mà sống ở thành phố thật bất tiện. Hắn cũng không muốn theo đuổi cái nghiệp bốc vác của gia đình. Trộm cắp lại càng không thể. Tấm gương tù tội của bốn thằng anh còn đó. Nhưng không có tiền, gặp người quen còn chẳng dám chào chứ đừng nói đến tụ tập, mời mọc. Mấy năm quân ngũ có lẽ đã rèn giũa bớt đi được cái thói côn đồ chớm nở ngày còn ở nhà của hắn. Giờ thì hắn biết rằng chỉ với sức mạnh của nắm đấm thôi là không đủ để sống. Nhiều khi lời nói, cử chỉ mềm mỏng lại có ích hơn. Con người càng văn minh hiện đại bao nhiêu lại càng ưa nịnh ngần ấy. Nhất là ở thành phố, thói nịnh hót đã phát triển đến một trình độ tinh vi và bí hiểm hơn nhiều. Nó kín đáo sâu xa và mang những mỹ từ nhường nhịn đến nao lòng. “Kính thưa”, “Kính gửi”, “Kính báo”, “Kính trình”, “Xin lỗi”, “Tấm lòng”… Nhiều lúc người đối thoại còn nói thẳng ra với ta rằng “Tôi nịnh bác cũng chả để làm gì…”. Thế mà câu nịnh ấy lại đi thẳng vào lòng người không chút vấp váp!

Hôm ra phường nộp giấy tờ xuất ngũ, hắn lân la đến bàn Phó chủ tịch phường, chào anh, em là Thêm ở số nhà… bộ đội xuất ngũ, hôm nay ra phường kính trình để các anh biết! Phó chủ tịch niềm nở bắt tay, hoàn thành nghĩa vụ rồi phải không ? Ngồi đây uống chén trà của phường với tôi! Xin phép anh, em phải về, các anh cũng bận! Hắn không quên lèo thêm một câu rất hiểm hóc, lớp cán bộ mới các anh tu sửa trụ sở khang trang ghê, khác xa ngày em nhập ngũ, bây giờ về được các anh quan tâm xem có việc gì làm ở phường thì tốt quá ! Phó chủ tịch thân tình vỗ vai hắn, yên trí đi, bộ đội xuất ngũ các cậu là ưu tiên số một đấy !

Thoạt nghe cái công việc của một trật tự viên đội an ninh tự quản phường, hắn đã nửa phần chán nản. Chắc cũng lại mỗi năm được phát hai bộ quần áo kiểu cách nhố nhăng chả ra dân cũng không giống lính. Một chiếc gậy tuần đêm sơn đỏ có dây buộc ở chỗ tay cầm ? Rồi cũng lông nhông đi đuổi vỉa hè, chợ cóc và vác các loại biển cấm sáng sáng đi rải khắp phường ? Lương tháng chắc cũng không hơn gì phụ cấp chiến sĩ trong quân đội ?… Nhưng vào làm việc được hơn một tháng mới biết rằng nó khác xa mọi tưởng tượng. Hắn mừng rỡ ra mặt và thầm nhớ ơn Phó chủ tịch. Tự hứa với mình, đầu tháng tới phải có chai rượu ngon đến cảm tạ !

Công việc nhàn hạ còn hơn hồi ở lính rất nhiều và hầu như đã được các lớp đàn anh ở đội dàn xếp hết cả. Sáng đến, xe ô tô phường chở đống biển cấm ra  những nơi cố định, người dưới, người trên dỡ biển ra đặt xuống hè. Địa bàn phường tuy có rộng thật nhưng đi hết một vòng những phố cấm cũng chỉ mất chừng mươi lăm phút. Xong việc kéo nhau đi ăn sáng, uống cà phê. Chín giờ sáng và ba giờ chiều lững thững dạo quanh một cái chợ và mấy dãy phố cấm để xe. Mọi thứ đều ngăn nắp như có một bàn tay vô hình sắp đặt trước. Đội trật tự đi khỏi, đâu lại vào đấy, vỉa hè bày biện hàng quán xe cộ như nêm! Cuối tháng, hắn được đội trưởng chia cho hơn một triệu đồng. Hắn đã biết trước chuyện này từ hôm nghe đội trưởng căn dặn. Đây chính là khoản tiền bà con buôn bán ở chợ cóc và những nhà có cửa hàng mặt phố góp vào để “giúp” đội đi “tuần tra đúng giờ” !

Mấy hôm nay lão Háo buồn bực vào ra hằm hằm chẳng nói. Chỉ ăn và uống rượu là vẫn khoẻ như thường. Hỏi ra mới biết Hồng đã bí mật bán căn nhà ngoài bờ sông từ lúc nào và ôm con đi đâu biệt tích? Thêm cười nhếch mép, bố sướng quá còn gì, chả phải lo cho thằng đếch nào cả ! Lão quắc mắt, sướng cái mả mẹ mày, căn nhà hơn hai chục cây vàng của tao đấy, có giỏi mày kiếm đi ? Thêm bảo, sẽ kiếm, bố cứ chờ đấy !

V

Hai căn buồng lão Háo bán cho người chủ trọ dĩ nhiên được họ đem cho thuê. Thành phố có nhiều vận hội cho người làm ăn từ nơi xa đổ về thì cũng tạo ra cơ hội kiếm tiền cho những người dân phố cũ. Cho người mình thuê nhà trốn thuế dưới danh nghĩa ở nhờ, ai làm gì được ? Cho người nước ngoài thuê thì hãy xem chừng giá cả kẻo không đủ tiền mà “bôi trơn” khắp các ngõ ngách. Trên đời cái gì muốn trôi chảy mà chả phải “bôi trơn”. Căn buồng Hồng ở xưa kia đem cho một bà mẹ trẻ có đứa con gái nhỏ thuê suốt cả năm. Tiền thuê nhà là một bí mật của cả chủ lẫn khách. Cô gái tên Thuỷ nghe đâu ở tận mạn Sơn Dương, Tuyên Quang. Nhan sắc rực rỡ, vóc người cao ráo, đúng như những gì người ta thường nói về gái Tuyên. Thế mà vớ phải anh chồng nghiện, đành ôm con xuống thành phố này vừa để trốn chạy, vừa để kiếm ăn.

Thuỷ ăn mặc giản dị mỗi lần mang con gái nhỏ ra khỏi nhà. Cô làm việc gì, ở đâu, chẳng ai biết cả. Chỉ biết đi về rất thất thường. Có hôm ngủ cả ngày, tối mịt mới đi. Lại cũng có hôm sáng sớm đã thấy bế con về. Người khác không biết nhưng không thể qua được mắt Thêm. Đúng ra là không qua được mũi hắn. Không phải Thêm có biệt tài đánh hơi như những chú khuyển nghiệp vụ, chẳng qua là nhiều lần theo đội tự quản đi kiểm tra mấy vũ trường trong địa bàn phường. Cũng chỉ là kiểm tra nhắc nhở theo lệ thường để chủ vũ trường chớ có lơ là “phong bì” cuối tháng hoặc những dịp lễ tết, hội hè. Cái mùi đặc trưng ở vũ trường tự nhiên được hắn ghi vào bộ nhớ từ lúc nào ? Nó nồng nồng, khai khai trộn với mùi son phấn đậm đặc không kém nhằm át đi những mùi vị kinh khủng không thuộc về mình. Thuỷ chỉ cần thoáng qua cửa vài giây là hắn đã nhận ra, nữa là cô lại ở ngay sát vách nhà hắn.

Chợt một hôm hắn đột ngột bước chân vào nhà đúng lúc Thuỷ đang giặt quần áo. Thấy hắn, cô nhanh tay giấu vội mấy bộ đồ ngắn cũn xuống tận đáy chiếc chậu nhựa phồng bọt xà phòng trắng tinh. Con bé con không có ở nhà, hắn quan sát rất nhanh và cười giả lả bắt nọn, cần gì phải giấu thế em, anh đã gặp em mấy lần ở vũ trường rồi, mà này, đã đăng ký tạm trú chưa đấy ? Thuỷ choáng người, hai bàn tay run rẩy trong đám bọt xà phòng rung rinh như muốn trốn khỏi cái nhìn ranh ma của hắn. Chỉ một thoáng thôi, kinh nghiệm giang hồ đã mách cô cách xử sự chuyển bại thành thắng. Cô tươi cười đứng dậy, anh ngồi chơi chờ em rửa tay nhé, làm gì mà đã hạch sách nhau thế, em làm được ở đây cũng là nhờ vào các anh cả thôi ! Hắn buông một câu thăm dò bỏ lửng, thế mà chưa thấy…? Thuỷ như trút được gánh nặng, cô liếc đuôi mắt đa tình sành điệu về phía hắn thẽ thọt, thế bao giờ anh có thời gian ? Tín hiệu ấy làm hắn không còn ngần ngại gì nữa. Hắn sấn tới ôm chặt cô vào lòng hôn như điên dại lên khuôn mặt thanh tú, trắng ngần. Chỉ còn nghe thấy tiếng Thuỷ lào thào, ngắt quãng, chờ chút… em… tìm cái bao !

Không chỉ riêng Thêm có cái mũi thính hơn người. Lão Háo từ khi bán nhà có chút tiền rủng rỉnh cũng lân la sang các nhà nghỉ bên kia sông, nơi lão vẫn nghe đồn về chuyện gái mú từ lâu. Chẳng khó khăn gì để phục vụ một lão già đánh lẻ. Lễ tân các nhà nghỉ bố trí xoẹt cái là xong. Giá cả mềm oặt. Còn rẻ hơn cả giá đăng trên báo mỗi lần người ta bắt bớ đám mại dâm trong các nhà nghỉ. Lão thầm nghĩ, báo chí ngày nay thật kém tin cậy !

Cái mùi nước hoa ,son phấn rẻ tiền của Thuỷ mỗi lần đi qua là lại một lần thức tỉnh bản năng con đực trong người lão. Lão không biết rõ thực sự là mùi của loại nước hoa hay son phấn nào, nhưng lão biết chắc cái mùi ấy là mùi của những cô gái mà lão thường xuyên phải rút tiền ra trả.

Một tối mưa gió, thằng Thêm vác gậy gỗ sơn đỏ mặc áo mưa đi từ lúc sẫm chiều. Lão mò vào buồng Thuỷ. Cô giật mình nghi hoặc, tại sao cái dáng đi của thằng Thêm hôm nay lại lù đù thế kia ? Với tay bật ngọn đèn ngủ, cô hết hồn khi nhìn thấy lão Háo đứng sừng sững giữa nhà cười phô hàm răng trắng ởn. Khuya rồi, bác chưa ngủ ư ? Lão cười thành tiếng, khó ngủ mới phải sang đây, này, mấy trăm đấy ? Thuỷ chợt hiểu. Thì ra cái lão già dê này rất có thể đã được con trai tiết lộ chuyện của mình. Thôi thì “đắm đò giặt mẹt”, đằng nào thì hôm nay cũng phải ở nhà, vũ trường đóng cửa. Cô vờ e dè nói với lão, nhưng còn con cháu đang ngủ ở đây ! Lão lập bập, sang nhà tôi, thằng Thêm đi tuần, sáng mai mới về ! Thuỷ phong phanh trong tấm áo ngủ bước sang nhà lão. Đây cũng chẳng phải lần đầu tiên cô tiếp một ông khách già như lão. Có ông còn hói đến trụi cả đầu, nửa đêm ngái ngủ chạm tay vào đỉnh đầu ông ấy còn ngỡ là mông đít trẻ con, xoa một hồi mới giật mình nhận ra !

Hình như ông trời không công bằng với đám con trai lão. Sinh lực trong con người lão tràn trề bất tận bao nhiêu thì lũ con lại phờ phạc uể oải bấy nhiêu. Thuỷ thấy rất rõ điều này sau hơn nửa giờ quần thảo với lão. Nhiều lúc nghỉ giữa chừng cô đã hơi lo, ngộ nhỡ…? Nhưng đã chẳng có một ngộ nhỡ nào xảy ra. Lão hào hển đưa cô lên đến đỉnh cao nhất, bồng bềnh, vắng lặng, điều mà cô chưa từng gặp ở khách làng chơi. Phần lớn những người đàn ông vụng trộm đều giống như một cỗ máy rất khó khởi động. Nhưng khi vừa khởi động được thì cũng là lúc sắp sửa “chết máy” đến nơi rồI ! Ngạc nhiên hơn, lão đưa cho cô một khoản tiền thưởng gần ngang với đám con nhà giàu thường cho ở những vũ trường. Cô thầm nghĩ, cái thằng Thêm đã vô tích sự lại chẳng bao giờ đả động đến chuyện quà cáp. Ngủ với hắn chỉ đổi được mỗi hai chữ bình an. Mà cũng chưa chắc…

Bản năng đàn ông mách bảo cho Thêm biết có chuyện gì đó giữa lão Háo và Thuỷ. Dạo này cô tránh hắn ra mặt. Hình như cô đã không còn sợ oai hắn? Cho đến một đêm bắt gặp lão Háo từ bên ấy về, hắn vùng vằng, bố sướng thật đấy, lại còn chơi cả phò nữa cơ ? Lão gầm lên, thằng mất dạy, bước ra khỏi nhà tao, đi kiếm tiền mà chơi ! Được, đừng tưởng căn nhà này là to, cũng là đất lấn chiếm cả thôi ! Hắn lẩm bẩm khi bước chân ra cửa.

Nói là làm. Hôm sau hắn mua về một ổ khoá to đùng khoá béng ngay cái cửa nhà vệ sinh công cộng của xóm. Khu vệ sinh chung vô cùng bẩn thỉu hôi thối. Cả xóm đã từ lâu không ai dám bước chân vào. Chỉ những người gánh hàng rong nhỡ nhàng mới đủ can đảm bước chân vào đấy. Đêm đêm, những người ngoại thành mang xe thồ vào múc phân làm dây ra khắp cả ngõ, hắn khoá vào càng may, chẳng ai có ý kiến gì. Nghe nói phân tươi ở vùng trồng rau ngoại thành dạo này rất đắt hàng. Đó là mặt hàng đã đến hồi khan hiếm kể từ khi dân phố chuyển sang dùng hố xí tự hoại.

Thêm mang chăn màn ra vọng gác ngủ nhờ hơn một tháng, đủ thời gian cho phân trong hố xí hoai mục. Chọn ngày đẹp trời, hắn thuê người đến san lấp khu vệ sinh chỉ trong nháy mắt. Sẵn móng, sẵn tường, hắn sửa chữa qua loa rồi mua vì kèo sắt và tấm lợp màu xanh lắp lên. Căn phòng hơn mười tám mét vuông hiện lên như trong mơ. Cả xóm chưa hiểu chuyện gì xảy ra đã thấy hắn mời một toán dân phòng về “khánh thành” nhà mới. Đó là phần diện tích vô chủ cuối cùng của xóm Lao Động được hắn đặt tên là “nhà” hắn với một kỹ thuật và tốc độ hơn hẳn các bậc cha anh…

VI

Cuối năm ấy, cô Hoa, con gái út của lão Háo viết thư về. “…Bố sang Đức ở với chúng con, có sân cho bố quét, quét hay không thì tuỳ, không sợ buồn đâu. Bán nốt căn nhà ấy đi bố ạ, đừng ở cái đất dữ dằn nhiều người điên loạn ấy nữa…”. Thuỷ đã bỏ dở hợp đồng thuê nhà, đi nơi khác ở. Cô không thể chịu đựng nổi ánh mắt ngờ vực điên đảo của các bà vợ trong xóm cùng những lời chửi đổng tục tằn. Chẳng gì thì cô cũng đã quen với nếp sống “thanh lịch” về đêm ở thành phố dù chỉ là giả tạo. Hình như cô cũng đã nhiễm lối ưa nịnh của dân thành phố. Mà cũng chả cứ gì cô ? Nịnh cô để đưa đẩy câu chuyện chứ cũng chẳng bớt được đồng nào. Giá của cô còn bất di bất dịch được vài năm nữa.

Lão Háo gọi người bán nhà, dù chẳng có bất cứ thứ giấy tờ gì chứng minh được căn nhà là của lão. Căn nhà liền kề đủ giấy tờ lão đã bán từ khi đưa mẹ con Hồng ra ở ngoài bờ sông. Mặc kệ, tiền nào của ấy. Ở mươi năm không có tranh chấp là lại mặc nhiên làm sổ đỏ. Trong xóm thiếu gì nhà đã bằng con đường ấy nuốt gọn hàng trăm mét vuông đất của khu vườn cũ. Lão là người có mặt ở đây đầu tiên, lẽ nào…

Anh trung niên giàu có tìm đến hỏi mua căn nhà của lão không ngờ lại là bạn tôi, người ghi lại câu chuyện về cái xóm nhỏ này. Tôi thấy hình như mình có nghĩa vụ phải can ngăn anh. Thế nhưng câu chuyện tôi kể đã chẳng làm anh mảy may bận tâm, lại còn nói, cậu cứ vẽ chuyện, quỷ thần mà có bắt phạt những thằng “ăn đất” cũng chưa phạt đến cái thứ mình bé tẹo ! Hơn một trăm lạng vàng, gần bốn kilôgam, cho một căn nhà ngói mục nát nằm trên mảnh đất chưa đầy ba chục mét vuông ! Tôi không biết là đất đã hoá ra vàng hay vàng đã hoá đất ?

Lập bàn thờ, mời thày cúng bái cẩn thận, người mua nhà cho tháo dỡ vận chuyển ngôi nhà cũ bỏ đi chờ ngày động thổ xây mới. Kỳ lạ là đúng hôm đào móng, trời đổ mưa như trút nước. Thày bảo, mưa lộc, cứ phải làm tiếp, không được ngắt lộc giữa chừng ! Móng đào sâu mới độ non một mét, đám thợ hết hồn khi xúc lên một cái đầu lâu. Thày cúng lầm rầm khấn vái, vảy rượu, gieo quẻ hồi lâu mới phán, phải ngừng, tạnh mưa đi mua tiểu sành về cải táng !

Không chỉ có một cái đầu lâu mà có đến ba bộ hài cốt được chôn theo kiểu vùi lấp nông choèn tạm bợ không quan quách đúng ở những chỗ ngày xưa bà vợ hai của lão Háo vẫn thường bò lê chuyện trò không ngớt với những người vô hình. Cô vợ người mua nhà hôm sau đến xem đám thợ cải táng liệm lại mấy bộ xương ải mục tự nhiên bỗng sùi bọt mép nằm lăn ra đất ? Anh chồng chán nản bỏ mặc cho đám thợ hì hục làm. Xe chở tiểu lên nghĩa trang đã thuê, mọi việc còn lại, anh giao cho người tổ trưởng thi công. Cái móng nhà dang dở trở thành nơi nuôi muỗi cho đến tận bây giờ…

Tôi cho rằng hành động “tự xuất khẩu” mình sang trời tây cũng là thể hiện một sự ăn năn nào đó dù rất mơ hồ của lão Háo !

Đỗ Phấn

5-2007

Bình luận về bài viết này

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.