Màu Tím Pensée

lavender

Cho tôi xin được một lần úp mặt

Trong bàn tay gầy ngón nhỏ bâng quơ

Từng sợi nhớ ươm màu Pensée ấy

Từng sợi thương tròn kỷ niệm xa mờ

Cho tôi được chắt chiu ngày tháng cũ

Cho tôi luôn gìn giữ dấu chân buồn

Cho tôi mãi một đời ôm hình bóng

Của một người tôi muốn được nhớ thương.

Cơn mưa vừa tạnh. Tôi thay áo, vói lấy chiếc nón lá đội lên đầu và đi ra chợ. Vòm trời thấp, vầng lên một màu xám đục như chực trút thêm nước xuống bất cứ lúc nào. Nắng buổi sáng vẫn còn lười biếng, ngủ dài ngoan giấc, sau hàng cây chơ vơ, nghiêng ngả. Nhớ lại cơn mưa to khủng khiếp vừa dứt, kéo dài suốt buổi sáng. Nước xô nhau trút xuống từ trời cao như thác đổ. Từng tiếng sấm vang dội khắp bầu trời như những tiếng thét gào gầm gừ, đe dọa. Cơn mưa đã làm đời sống của một thị trấn lùi lại, nuốt gần trọn buổi sáng. Người ta chực chờ túa nhau ra đường tiếp tục một đời sống đang tạm ngưng khi thấy những giọt mưa nặng hạt thưa dần. Trên mặt đường, nước mưa đọng thành vũng to nhỏ từ những ổ gà lồi lõm. Nhiều chiếc xe chạy ngang cố tránh những ổ gà, nhưng cố cách mấy cũng vẫn có chiếc lọt vào làm người lái nhăn nhó mặt mày. Rác rưới bị nước cuốn, nằm vất vưởng trên mặt đường. Dù có nép sát vào lề cách mấy,  tôi cũng không tránh khỏi nước bẩn bắn vào quần khi xe cộ chạy ngang. Trong khoảnh khắc, sinh hoạt trở lại bình thường. Không ai bảo ai các chị bán hàng rong trú mưa dưới mái tôn của các cửa hàng, nhanh nhẹn quảy gánh ra ngồi bên lề đường chào khách. Tiếng chào hàng. Tiếng nói cười. Tiếng gọi nhau ơi ới chẳng mấy chốc đã mang lại nhịp thăng bằng của một đời sống thị trấn.  Men theo lề đường dần dà tôi cũng đến chợ.

Bây giờ là mùa mận. Đâu đâu cũng thấy những quả mận đỏ ối bày nhan nhản. Cứ mỗi lần thấy khách đi ngang là tiếng mời chào lại cất lên như một loại kinh cầu. Tôi dừng chân trước một hàng mận tần ngần nhìn những quả mận Trung Lương tươi đỏ trong khi  nghĩ đến hai đứa con gái của tôi. Chúng thích loại mận này.  Bên cạnh hàng mận là hàng bán chim ngói. Những con chim bị nhốt trong hai chiếc giỏ mây đậy kín, cố giương đôi mắt ngơ ngác nhìn bầu trời rộng thênh thang bên ngoài tiếc thương quãng đời tự do vừa chợt mất. Tiếng ngọt ngào của chị bán chim đưa đẩy:

– Mua đi cô Hai. Coi con nào cũng được. Em bắt cho cô xem. Chim em mập lắm. Em nuôi cho ăn toàn là lúa không hà.

Hai người đàn bà, một già, một trẻ dừng chân trước hàng bán  chim, ngắm nghía rồi bàn với nhau:

– Chim này mà rô ti thì ngon tuyệt.

Chị bán hàng vừa đưa tay vào giỏ mây lùa mấy con chim, vừa nói:

– Chim em nuôi kỹ lắm bác ạ. Bác đi vòng hết chợ coi có chim ai mập bằng chim em không?

Chị hàng mận ngồi bên cạnh, cười rộ:

– Mầy ốm nhom, ốm nhách làm sao mập nổi.

Chị hàng chim liếc mắt, hấy xéo người bạn hàng rồi tiếp tục đon đả với khách:

– Em lấy một con cho bác xem nghe. Chim em mập lắm.

Nói rồi chị ta đưa tay vào giỏ, lùa bắt ra một con đưa cho khách:

– Bác cầm đi. Cầm thử xem. Nặng lắm. Bác đừng lo. Cánh cắt rồi, không bay được đâu.

Người đàn bà trẻ đưa tay đỡ con chim khốn nạn đang vùng vẫy, tìm cách vuột khỏi bàn tay của chị bán hàng. Người đàn bà già đứng sát, gần vào người đàn bà trẻ,  nói nhỏ:

– Bóp vào cái ức coi có phải là nó mới cho ăn không?

Người đàn bà trẻ đưa tay nắn mình con chim rồi lần qua chỗ ức và bụng, bóp tới bóp lui. Chị bán hàng  tỏ vẻ khó chịu, đưa tay giật con chim lại. Tiếng ngọt ngào trên đầu môi của chị đã biến mất, còn lại chỉ là giọng điệu chanh chua:

– Mèn ơi.  Bóp chi mà bóp dữ vậy. Hỏng mua thì trả lại đây. Bóp quá hư hết chim của người ta rồi còn gì.

Người đàn bà trẻ đanh đá không kém, thẩy con chim lại cho chị bán hàng:

– Chim người ta bộ chim chị hay sao. Chim gì ốm nhách.

Nói rồi cả hai bỏ đi. Một lúc sau, tôi ngửi thấy mùi khen khét, nhìn lại thấy chị bán chim đang loay hoay vừa đốt một miếng giấy, vừa chửi rủa:

– Tổ bà cha tụi bây. Sáng ra gặp toàn cái thứ cô hồn các đảng không hà.

Chị bán mận vừa nói, vừa cười với chị bán đu đủ:

– Nó đốt phong long đó.

Lựa xong chục mận, tôi trả tiền và lần đi đến hàng rau. Khi đang đứng trước hàng rau muống chẻ, lưỡng lự suy nghĩ đến những gì cần phải mua thêm, tôi nghe tiếng la dấm dẳng của chị bán rau muống:

– Trời ơi. Sáng sớm chưa bán được cái gì mà mầy cứ ngồi lù lù trước cửa làm sao tao bán được. Con quỷ.  Kiếm chỗ khác ngồi đi mầy ơi.

Lúc đó tôi mới để ý thấy một con bé, đầu đội nón lá lụp xụp tay ôm một tràng mây đựng hành tỏi, ngồi trên một chiếc ghế thấp ngay trước hàng rau muống. Nghe tiếng la, nó quay lại nhìn, không nói gì lẳng lặng đứng dậy, cầm chiếc ghế dời qua hàng bên cạnh. Khi nó vừa đặt chiếc ghế chưa kịp ngồi xuống thì một thau nước tạt mạnh ra làm nước văng tung toé lên chiếc ghế. Vừa đổ nước, chị bán hàng vừa la:

– Cái con này lì hết cỡ. Sao không ra giữa đường mà ngồi. Thiếu gì chỗ trống.

Con bé không nói tiếng nào. Cúi xuống cầm chiếc ghế ướt lên, ôm tràng hành tỏi đứng lòng vòng, rồi lặng lẽ đi qua chỗ khác.

Sau cơn ngủ mê say, nắng bắt đầu trở giấc. Những giọt nắng mênh mang vỡ nhẹ trên những chiếc nón lá nghèo nàn, trên những mái tôn lụp xụp, trên những nhánh lá xanh xao đu mình đong đưa trên những vòm cây xa xa, xanh um một khoảng. Dù nắng không to nhưng tôi cảm thấy oi bức làm sao. Mấy người bán hàng nói với nhau:

– Trời hầm quá, thế nào cũng mưa nữa. Bán lẹ lẹ đi rồi dìa.

Chị bán hàng bên cạnh phe phẩy chiếc nón lá, cố vớt vát chút hơi mát từ cái không khí đặc sệt không một tí gió, trả lời:

– Đã bán được gì đâu mà đòi dìa.

Mua rau muống xong, tôi đi về phía con bé bán hành tỏi:

– Hành này con bán làm sao đây ?

Trên tràng mây hành tỏi, một số đã được gói thành từng gói bằng giấy báo nằm cạnh nhau mong đợi nơi trao thân, còn một số chưa gói nằm lăn lóc. Nghe hỏi, con bé ngước lên nhìn tôi với đôi mắt tròn đen long lanh, trả lời:

– Cô mua nhiều giùm con đi. Con bán rẻ cho cô. Mấy hôm nay mưa dầm, ế quá.

Tôi đưa tay nắn nót mấy củ hành. Con bé đẩy mấy gói về phía tay tôi:

– Cô lấy mấy gói này. Củ to.

Nói rồi, nó mở bọc giấy ra chứng minh những gì nó nói. Tôi nhìn con bé. Cái nón lá rách méo mó, lụp xụp ở trên đầu nó cũng không che dấu được nét gì quen quen mà tôi chưa tìm ra được. Gương mặt. Đôi mắt. Cái nhìn. Một nét quen thuộc. Tôi chăm chăm nhìn nó, đầu óc suy nghĩ miên man cố bới moi trong ký ức những hình ảnh chất chồng trong một góc ngăn chứa đựng muôn vàn kỷ niệm đã lùi về ngủ yên trong một vùng quá khứ.

– Con tên gì ?

– Hân-Thảo.

Hân-Thảo. Như vậy con bé này trùng tên với con của anh. Tôi ngờ ngợ hỏi thêm.

– Con mấy tuổi ?

– Dạ mười ba.

– Ba má đâu mà con phải đi bán cực khổ như thế này ?

Con bé ngập ngừng nhìn tôi dò xét, một lúc sau nó mới trả lời:

– Ba con đi học tập.

– Còn má con?

Con bé lắc đầu không nói. Tôi thấy mình đã đi hơi xa, lỡ lời xoi mói đời tư của người khác. Tôi cười chạy tội, đưa tay chỉ mấy gói hành:

– Cô lấy hai gói.

Mặt con bé trở nên rạng rỡ:

– Cám ơn cô. Hôm nay trời mưa. Ế lắm. Con cám ơn cô. Mai mốt có đi chợ cô nhớ ghé lại mua cho con nha cô. Mai con có sả.

Tôi gật đầu mỉm cười mở ví lấy tiền trong khi tâm tư vẫn còn vương vấn về gốc gác của con bé bán hành tên Hân-Thảo. Tôi hỏi thêm:

– Ba con tên gì ?

Không do dự, Hân-Thảo nhanh nhẩu trả lời:

– Thụy. Ba con tên Thụy.

– Ngày xưa ba con làm gì mà bây giờ phải đi học tập vậy ?

– Ba con làm lớn lắm đó.

Vừa nói, Hân-Thảo vừa nhìn tôi với đôi mắt hãnh diện. Tôi phân vân về câu trả lời của nó. Đúng anh rồi. Khi tôi gặp lại anh thì anh là Trung Tá. Đây là con của anh sao ? Quá khứ lùi lại sau lưng với một chuỗi thời gian dài im bóng, bỗng chốc trở về ôm nghiêng bầu trời hoang lạnh của buổi sáng hôm nay. Tôi chăm chăm nhìn Hân-Thảo, đứa con gái tôi từng ôm ấp, từng đùa giỡn trong những ngày hè ở Đà-Lạt. Con bé nhìn tôi, mỉm cười. Nó không nhận ra tôi, không nhớ gì đến những ngày hè năm ấy. Những ngày hè đã xa. Thực sự đã xa theo thời gian. Càng nhìn, tôi càng thấy nó giống anh,  từ đôi mắt cho đến nét cười. Tôi bàng hoàng xúc động, gần như muốn khóc. Tôi tiếp tục bắt chuyện hỏi thêm, dù rằng từ lâu rồi, từ cái ngày tôi chấp nhận tình yêu của Huân, chồng tôi, tôi đã tự hứa với lòng là sẽ cố gắng xua đuổi mọi ý nghĩ, mọi hình ảnh của Thụy; anh Thụy hay chú Thụy cũng cùng một hình ảnh trong tôi;  dưới tận cùng mọi khía cạnh, hoàn cảnh để tôi có thể làm tròn bổn phận một người vợ. Tôi tò mò hỏi thêm.

– Con có thường đi thăm ba không?

Thảo bỏ hành vào bọc ni lông đưa cho tôi:

– Ba con ở xa lắm. Không ai dẫn con đi hết.

– Thế con ở với ai ?

– Với bác. Bác già lắm.

– Còn bà nội đâu rồi ?

– Chết hồi năm ngoái. Ủa cô biết bà nội hả.

Vâng! Làm sao tôi quên được anh và gia đình anh. Tôi chỉ hai bọc hành còn lại:

– Cô mua hết.

Hân-Thảo mở tròn đôi mắt nhìn tôi:

– Làm sao cô ăn hết được? Để lâu hư hết.

– Cô sẽ phi lên, để trong keo ăn dần. Nhà cô đông người lắm.

Con bé nhoẻn miệng cuời:

– Chắc nhà cô vui lắm hả ?

Vừa gật đầu, tôi vừa lấy tiền đưa cho con bé:

– Mẹ con đâu rồi ?

Gương mặt Hân-Thảo trở nên buồn xo, con bé do dự một lát:

– Con không biết nữa.

– Thế con sống với ai?

– Với bác Hai, bạn của bạ

Tôi nhìn con bé, lòng buồn buồn chợt nhớ ra là  mình vừa hỏi những câu ngớ nga, ngớ ngẩn. Tôi cầm gói hành, dợm chân bước đi. Con bé nói vói theo:

– Con cám ơn cộ

Tôi muốn hỏi nhiều hơn, nhưng đắn đo rồi lại thôi. Tôi mỉm cười, cầm gói hành bước đi. Không nhìn lại, tôi cũng biết con bé đang ngẩn ngơ nhìn theo, ngạc nhiên về thái độ của người khách hàng lạ mặt.
2.

Tôi biết anh từ ngày tôi còn bé. Nhà ở đối diện nhau. Gia đình anh rất thân với gia đình tôi. Anh gọi ba mẹ tôi bằng anh chị và ba mẹ tôi xem anh như một người em trong nhà. Từ lúc bé, tôi xem anh như một người chú, chú Thụy của bé Hân, đúng như lời tôi gọi  hàm chứa một thứ tình cảm, thân thương tôi dành cho anh như tình cảm tôi  dành cho những người khác trong gia đình. Tháng năm trôi đi. Tình cảm này lớn dần trong tôi, trong trái tim của một người con gái đang tuổi thanh xuân.  Rồi, tình cảm này chuyển hướng. Lúc nào? Tôi không biết. Bao giờ? Tôi nào hay. Cũng như anh. Anh đã xem tôi như một người cháu, cháu Hân của chú Thụy, cho đến ngày anh được biệt phái xa, rời hẳn Sài Gòn, hay từ lúc nào đó mà tôi nào biết đâu. Những gì xảy ra trong đời tôi đang dàn ra trước mắt như một khuông lụa mỏng, trải rộng, lăn tăn dưới bầu trời lúc trong, lúc đục. Lung linh trong nắng, tôi thấy hai bàn tay gầy của tôi cố sức lùa nước sông chảy ngược và xô đẩy những dạt sóng to trở về biển khơi, để mãi mãi chôn vùi những hình ảnh xa xưa trong trầm tích phù du. Nhưng những hình ảnh cuồn cuộn tuôn ra như nước lũ đổ về một dòng sông, như những đợt sóng to xô nhau dạt vào bờ. Hình ảnh những buổi sáng tinh sương. Những buổi chiều rực nắng. Những núi đồi trùng điệp. Những lũng thấp. Những con đường ngoằn ngoèo, quanh co. Những hàng thông nhấp nhô trên đồi. Những phấn thông vàng bay trong nắng. Anh và tôi. Tất cả tưởng chừng đã vĩnh viễn ngủ yên trong biển đời mai một. Để rồi, hôm nay những hình ảnh này đột ngột hiện ra như một người lính từ phương xa trở về không một lần hẹn trước.

Tôi còn nhớ rất rõ dù bao năm lặng lẽ trôi qua. Khi chuyến xe ngựa đầu tiên chạy ngang nhà với tiếng lóc cóc vang ra từ con đường nhựa, để rồi tiếng lóc cóc ấy càng lúc càng xa dần và tiếng rao lanh lảnh vang lên “Bánh mì nóng giòn đây” thì tôi và các anh chị tôi đã bắt đầu thức dậy, sửa soạn ngồi vào bàn học. Tôi có hai anh và hai chị theo thứ tự từ lớn xuống nhỏ: anh Thiên, anh Nhật, chị Phượng, chị Trâm rồi đến tôi là cô bé út trong nhà. Bàn học của tôi kê ngay cửa sổ. Sáng sớm nào cũng vậy, khi đứng trên lầu nhìn xuống, tôi thấy bên nhà anh đèn đã bật sáng từ bao giờ. Đôi khi anh đang tập thể dục ngoài sân, dưới trời tờ mờ lúc sương khuya còn đang rơi rụng và những chiếc lá non dại còn đắm mình trong giấc ngủ triền miên. Đôi khi tôi thấy anh ngồi cạnh cửa sổ, đọc sách. Tôi không quên những ngày ấy.  Anh hay qua nhà chỉ cho tôi bài vở và hay cho tôi mấy món quà nho nhỏ. Quà có thể là mọi thứ. Từ một con bướm vàng anh bắt được trong vườn. Một con dế vừa chui lên từ hang sau cơn mưa. Một con cánh cam đậu trên cây quít tàu trong khu vườn sau nhà anh. Một quả lý thơm ngon. Một cụm hoa chuỗi ngọc màu tím với hương thơm như mùi bánh khảo mới lấy ra từ lò nướng. Cho đến chiếc vòng đeo tay bằng nhựa hoặc chiếc nơ buộc tóc. Tất cả những gì anh tặng cho tôi cùng những kỷ niệm đầu đời giữa tôi và anh, đã được tôi chắt chiu gìn giữ như những bảo vật quý báu của đời mình. Ngần ấy thứ, ngần bao kỷ niệm. Tôi làm sao quên được. Vâng! Tôi làm sao quên được. Những buổi chiều khi nắng vội vã đổ xuống ngoài hiên tiếc nuối một ngày qua đi, anh thường chở tôi đi ăn kem hoặc dạo chơi lòng vòng trên các đường phố sau những lần anh đi xa về. Thỉnh thoảng anh vẫn phải đi xa. Nghề nhà binh mà. Nhưng những lần đi xa thường chỉ ngắn thôi. Để rồi một buổi chiều. Anh trở về sau một chuyến công tác.  Lúc đó, tôi đang nằm trên chiếc ghế sa lông ngoài phòng khách, nghe nhạc. Mặt tôi úp vào thành ghế. Anh sang tự bao giờ. Anh đứng ngắm  tôi mà tôi nào hay. Lúc tôi trở người qua, thấy anh đang đứng đó, tôi vội vàng ngồi bật dậy như một chiếc lò xo. Tôi ôm nhanh chiếc gối vào ngực, nhìn anh ngỡ ngàng. Anh mỉm cười, đưa cho tôi một chiếc bình cắm hoa bằng thủy tinh hình chiếc giầy ống và một cụm hoa Pensée với những màu tím đậm nhạt chen nhau.

– Hân thích không?

Tôi mỉm cười, cầm chiếc lọ, ngắm nghía và gật đầu.  Anh đưa tay ngắt một cánh hoa, cài lên tóc tôi:

– Giống cô gái miền sơn cước.

Từ đó, tôi bắt đầu tập ép hoa lá vào những trang sách học. Những chùm hoa chuỗi ngọc màu tím, những đọt tùng màu xanh thẫm, những cánh hồng nhung đỏ, những cánh phong lan trắng, bé tí xinh xinh, mà anh mang từ xa về. Những chiếc lá không tên bay vào sân vắng, cùng những hoa lá khác vô tình trở thành nạn nhân cho tôi ấp ủ, gói ghém tình yêu đầu đời thầm kín trong tôi. Rồi tôi thẫn thờ, ngồi hàng giờ cắn bút thật lâu để tìm những câu thơ trữ tình, chép vào những trang giấy ép đầy hoa với lá. Tình cảm nhẹ nhàng này cứ tiếp tục len lỏi, đi vào đời tôi trong tuổi thanh xuân, mới lớn. Và, tình yêu đã chập chững nhen nhúm trong tôi từ bao giờ. Đó là tình yêu đầu đời mà tôi đã gói trọn cho anh, người chú quen mà tôi thương, tôi quí.

Tôi cứ ngỡ mọi chuyện sẽ êm xuôi như một dòng sông tĩnh lặng, dù rằng bên dưới mặt nước êm đềm đó, sóng ngầm vẫn đưa đẩy những bâng khuâng khuấy động tâm hồn. Tôi cứ ngỡ suốt đời chú Thụy sẽ đi tìm những cánh bướm vàng mang về cho cháu Hân và chở cháu Hân đi chơi trong những chiều rực nắng. Tôi cứ ngỡ và bao nhiêu là cứ ngỡ. Để rồi, một buổi tối khi trăng đã lên, khi những vì sao đang thi nhau khoe mình lấp lánh trong bầu trời cao thăm thẳm, khi những con đóm đêm lập loè khoe chiếc thân óng ánh trong bóng tối phù du thì anh sang giã từ tôi.  Tháng mấy? Năm nào? Tôi không nhớ. Nhưng tôi nhớ lúc đó, tôi đang ở ngoài sân đùa giỡn với con chó Nhật Kito, lông trắng như bông mà anh đã mua cho tôi, khi con Ki của tôi bị xe đụng chết vì băng qua đường chạy theo mấy con chó nhà hàng xóm.

Sau khi từ giã ba mẹ xong, anh ra gặp tôi. Một đêm thật đẹp với trời quang mây tạnh. Trăng lưỡi liềm chiếu xuống toả ánh sáng thơ mộng qua mấy giò lan. Sao đêm lấp lánh trong bầu trời giống như những hạt cườm trắng xinh xinh kết trên nền áo đen của một người thiếu nữ.  Anh đến bên tôi, khi tôi đang nghịch ngợm, tập cho con Kito đứng hai chân. Anh đến từ đằng sau, quàng tay qua vai tôi:

– Hân. Nghe anh nói chuyện này nè.

Anh đổi cách xưng hô. Lần đầu tiên anh không xưng chú, nghe sao ngượng nghịu. Anh nhìn vào mắt tôi làm tôi bối rối:

– Mai anh đi rồi.

Tôi ngửi thấy mùi rượu toả ra từ anh. Mùi rượu nồng nàn. Mùi rượu của chia ly. Tôi mở to đôi mắt nhìn anh ngỡ ngàng. Mấy lần trước đi xa, có bao giờ anh nói tiếng chia tay hay giã từ gì đâu. Một điềm gì báo trước. Buổi tối thật yên. Tôi nghe được tiếng gió rì rào.

– Chú đi bao lâu vậy ?

– Đi luôn.

Tôi sửng sốt nhìn anh:

– Trời đất ơi ! Tại sao kỳ vậy ? Tại sao lại đi luôn ?

Chú đưa tay quàng qua vai tôi.

– Đùa thôi. Anh không đi luôn nhưng lâu lắm mới về.

– Tại sao . . .  chú lại đi lâu mới về ?

Vừa nói tôi vừa lắc đầu không chấp nhận một sự thật trước mắt.  Tôi biết chắc lúc đó gương mặt tôi ngơ ngơ, ngác ngác. Anh nói:

– Biệt phái mà.

– Chừng nào chú đi ?

– Khuya mai.

Tôi hốt hoảng la lên.

– Sao chú đi vội vậy. Mấy giờ ?

Anh cười, đưa tay vuốt má tôi:

– Lúc Hân còn ngáy khò khò.

Giọng gần như muốn khóc, tôi nói:

– Hân không đùa đâu. Hân giận chú rồi.

Tôi quay mặt về phía mấy giò lan, lòng rưng rưng muốn khóc. Bàn tay anh bám chặt vai tôi:

– Thỉnh thoảng anh sẽ về mà.

Vầng trăng khuyết toả ánh sáng khiêm nhường, len lỏi qua các cành lá. Dưới trăng, tôi thấy mắt anh hình như hơi ướt.

– Tại sao chú uống rượu vậy?

– Để nói chuyện với Hân.

Tôi dỗi ra mặt.

– Hân hỏng đùa đâu nha.

Anh vuốt má tôi.

– Bạn bè mới tiễn anh.

Tôi quay mặt đi:

– Sao chú không nói trước để Hân tiễn chú đi.  Đột ngột quá ?

Anh im lặng một chút rồi đưa tay vuốt tóc tôi:

– Anh đã định cho Hân biết từ tuần trước ..

Anh cúi xuống bế con Kito, ôm vào lòng rồi đưa cho tôi. Tôi ôm con chó, nói như muốn khóc:

– Chú không đi luôn chứ!

Anh kéo tôi lại gần:

– Anh sẽ về thăm Hân.

Tôi ngập ngừng:

– Rồi chú sẽ quên Hân.

Anh nhìn tôi, cái nhìn không bao giờ tôi quên. Đã nhiều lần anh nhìn tôi nhưng đây là lần đầu tôi thấy cái nhìn có vẻ gì khác lạ, một cái nhìn ngây dại, một cái nhìn hoang mê gói trọn tình cảm anh dành cho tôi:

– Anh sẽ không bao giờ quên người Sài Gòn.

– Mà chú bị biệt phái đi đâu ?

– Đà Lạt. Nhớ viết thư cho anh nhẹ

Tôi gật đầu lia lịa. Anh ôm tôi vào lòng. Mùi rượu toả ra từ hơi thở làm tôi lâng lâng. Anh lấy gói quà nhỏ từ túi áo ra đưa cho tôi rồi nâng cằm tôi và hôn lên má tôi. Anh nhìn tôi một lúc, đưa tay nựng cằm tôi rồi bỏ đi.  Đưa tay sờ má, tôi bàng hoàng ngỡ ngàng nhìn theo dáng anh. Trong tôi những là lạ, những xao xuyến, những rung động chợt bắt đầu. Từ trong nhà, anh Nhật đi ra với cục xương trên tay cho con Kito.

– Chú Thụy về rồi hả Hân?

– Vâng! Chú về rồi.

– Chú đi rồi. Cũng buồn nhỉ ?

Chị Phượng xuất hiện sau lưng tôi.

– Chuyện gì vậy ?

Anh Nhật nhử cục xương cho con Kito chạy theo.

– Đâu có gì đâu. Anh nói với Hân là chú Thụy đi rồi cũng buồn.

– Thỉnh thoảng rồi chú lại về.

Anh chị em tôi, ai cũng gọi anh là chú vì anh lớn hơn anh Thiên những mười lăm tuổi và hơn tôi đến hơn hai mươi tuổi.

Từ dạo anh đi rồi, bên nhà anh tôi thấy trống hẳn. Cánh cửa đóng kín, không như ngày xưa. Bà hẳn là buồn lắm. Bà là mẹ của anh và tôi gọi bằng bà. Thỉnh thoảng, mẹ tôi sai tôi mang món nọ, món kia qua biếu bà, tôi thấy bà lủi thủi một mình rất tội. Tôi biết bà nhớ anh. Không chỉ có mỗi bà nhớ anh thôi, mà tôi cũng vậy. Âm vang lóc cóc của chiếc xe ngựa đi qua nhà mỗi sáng vẫn còn đó. Tiếng rao lanh lảnh ‘Bánh mì nóng giòn đâý vào những buổi rạng đông vẫn còn kia. Thế mà bóng dáng anh đã xa xôi, biền biệt để căn nhà giờ chìm lờ mờ trong bóng tối trước khi giọt nắng đầu ngày trở mình. Tôi nghe dậy lên trong lòng một nỗi buồn to lớn, một niềm nhớ nhung mà tôi không thể nào thổ lộ cùng ai.

Mẹ tôi thường chế biến các món ăn để anh chị em chúng tôi tập làm cũng như tạo sinh khí trong gia đình nhưng tôi nào có thiết tha. Cuộc đời dài ra trước mặt. Tôi oằn oại với những mênh mông của tâm hồn, trong đó đêm ngày là một dải thời gian không hạn định. Sự cách ngăn giữa tôi và anh, hiện diện như một khát vọng mơ hồ bao la trong những tầng cao của vũ trụ “Chú Thụy ơi, Hân nhớ chú lắm. Chú có biết không?”. Tôi thẫn thờ mặc cho thời gian lẳng lặng qua đi, không chút nuối tiếc. Trong khi tôi đang thả hồn suy tư thì có tiếng chi. Trâm vọng lên từ dưới nhà:

– Hân à.  Xuống vò nhân đi.

Tôi lười biếng, uể oải đi xuống. Hôm nay là chủ nhật có khác. Mọi người đều quây quần trong bếp. Ba đang ngồi đọc Tam Quốc Chí. Mẹ đang làm cai, chỉ các chị tôi làm bánh bột lọc. Anh Thiên và anh Nhật đang nhồi bột. Chị Phượng và Trâm đang thái củ hành, mộc nhĩ và củ đậu. Thấy tôi xuống mẹ nói:

– Con xuống đây trông các anh, các chị làm rồi còn học hỏi nữa chứ.

Nói rồi mẹ gọi vọng ra sân nói với chị Tư, chị người làm:

– Tư này. Phơi xong quần áo nhớ bằm ít thịt đi nhé.

Tiếng chị Tư trả lời:

– Cháu đã bằm thịt xong rồi trước khi giặt quần áo. Thịt để trong tủ, thưa bà.

Mẹ quay sang tôi:

– Hân lại tủ lấy bát thịt cho các chị trộn nhân đi con.

Tôi ngoan ngoãn làm theo lời mẹ bảo nhưng đầu óc lại cứ để đâu đâu. Ngày tháng qua đi. Từng buổi sáng, từng buổi chiều, từng buổi tối lướt thướt kéo dài trong tôi với những thanh âm đợi chờ. Và hồn tôi xao xuyến, du dương, âm thầm triền miên theo từng bước anh đi về một nơi với nhiều đồi cao lũng thấp. Trọn tâm hồn tôi, cả đời sống tôi đều trao gửi cho anh. Lúc đó, tôi mới chợt hiểu ra anh là một phần của đời tôi. Trong tận cùng của nỗi nhớ, tôi mong anh về chi lạ. Tôi nhớ anh. Tôi nhớ giọng nói của anh, giọng Huế ấm cúng, nhẹ nhàng. Tôi nhớ cái nhìn của anh, cái vuốt ve trìu mến.   Hoa và lá được tôi góp nhặt nhiều hơn và chúng chịu khó nằm im để cho tôi ép nhẹ, với trọn vẹn nhớ nhung, trong tận cùng của những trang sách.

J’aime deux choses dans la vie:  Toi et la rose

La rose pour un jour

Et toi pour toujours

Tôi chép đi, chép lại câu này không biết bao nhiêu lần trong trang vở. Trong tôi chỉ còn mỗi bóng hình anh. Và rồi thư anh đến. Thư từ chốn xa xôi, từ núi đồi trùng trùng, điệp điệp, từ những rặng thông với phấn vàng như nghệ, từ những con đường dốc nhỏ ngập lá và hoa. Tôi cầm lá thư vào với những ngón tay dại khờ quấn quít nhau tìm kiếm một cảm giác mơ hồ, quay quắt từ phương trời xa. Thư gửi cho ba mẹ vì trên phong bì không đề tên tôi. Tôi hồi hộp nóng lòng muốn biết anh viết gì trong đó vì sự đợi chờ của tôi dã âm ỉ bao ngày như những ngọn đuốc cháy hoang trong vùng sa mạc nóng bỏng. Đôi mắt tròn, đen láy ngày nào đã trũng sâu vì sầu muộn, vì nhớ thương, vì mong đợi. Chiều đến. Ba đi làm về. Lá thư được mở ra, lá thư thăm hỏi cả nhà. Thư không viết riêng cho một ai, phần lớn hỏi thăm mọi người nhưng lời mở đầu gửi cho ba mẹ tôi. Các anh chị tôi ríu ra, ríu rít hỏi thăm về anh.

– Chú khoẻ không ba ?

Ba vừa đọc thư, vừa gật đầu. Rồi lá thư được chuyền cho mọi người cùng đọc. Thư kể về công việc anh làm, về những chuyến công tác xa của anh nơi chiến trường lanh quanh, về núi rừng, về sương mù, về thành phố anh đang sống. Về những điều mà tôi chưa bao giờ nghe thấy. Cuối thư đầu tiên cũng như những lần kế tiếp, trong phần tái bút là lời nhắn ngắn gọn, đổi đi đổi lại  cách viết nhưng ý nghĩa cũng chỉ ngần ấy thôi ‘Hân còn nhớ những gì đã hứa với chú không? Ráng ngoan học’. Ơ kìa, tôi có hứa với anh là tôi sẽ ngoan học bao giờ đâu. Thế là tôi đọc đi đọc lại lá thư nhiều lần, xem từng chữ, tìm từng ý nghĩa để cho lòng mình giao nối với tâm hồn của kẻ ở xa. Trong cái giao nối đó, tôi khát khao hơi rượu nồng trong đêm chia tay anh cho đến hơi ấm từ bàn tay anh và cái hôn ngây dại làm tôi quá ngỡ ngàng. Lá thư được tôi mở ra và gấp lại không biết bao lần cố tìm kiếm trong tận cùng những dư âm còn sót đọng. Nhưng càng tìm kiếm, tôi càng thấy khoảng trống bao trùm vì chữ viết chỉ có thế thôi, chỉ từng ấy được gửi về gói ghém ngần ấy ý nghĩa. Vài tháng một lá thư gửi đến cho mọi người, dĩ nhiên là có tôi. Anh không thể nào viết riêng cho tôi vì trước mắt mọi người anh vẫn đóng vai trò một nguời chú. Vâng! Chú Thụy của cháu Hân.
3.

Tháng ngày tiếp nối ! Trong khi các anh chị tôi mải miết chăm chỉ học hành thì tôi lại để hồn mình miên viễn đi hoang với những nắng, những mưa, những mây, những gió. Nhiều buổi chiều, tôi ngồi lặng yên trước những trang giấy bỏ dở, nguệch ngoạc vài dòng, rồi đứng nhìn vầng trăng chiều hôm chênh chếch trở về trên đỉnh của mái nhà anh.Và tôi lại gác bút, lại mở những trang vở ép đầy hoa lá, bầy ra bàn tất cả những món quà anh cho tôi rồi gục đầu lên bàn nhung nhớ. Trang giấy trắng vẫn còn nguyên nền trắng. Nơi xa xôi đó, nơi có nhiều núi đồi, nơi mà sương mù phủ kín lối đi anh có ngóng chờ những cánh thư của tôi không? Chắc anh ngỡ là tôi đã quên anh. Khoảng cách mở rộng trên một địa cầu cô đơn không điểm hẹn. Nhớ đến nụ hôn hôm nào anh trao vội dưới bầu trời trăng khuyết. Nỗi buồn chợt giao động. Âm thanh đã lùi xa và tiếng chân anh đã vắng. Tôi cảm thấy khoảng trống vây quanh ôm chặt thân thể mảnh khảnh của tôi. Tôi gục mặt vào hai bàn tay đợi chờ những giọt nước mắt hấp hối tuôn dài. Cho tôi xin những khoảng trống vu vơ của cõi đời này mãi mãi úp mặt trên những hàng cây xanh xao trầm lặng.  Tôi nghe dường như có tiếng thở dài.  Tiếng vi vu của gió nhẹ than vãn như hơi thở tôi trở nên dồn dập. Tôi thầm gọi tên anh lúc ráng chiều vầng lên sau những mái nhà.

Rồi bà qua chơi. Bà nhờ mẹ trông chừng nhà để bà đi thăm anh. Anh bị bệnh? Bà có mỗi mình anh nên bà hay lo lắm. Tôi bồn chồn. Tôi thấp thỏm. Tôi lo âu. Và thu hết can đảm, tôi viết vài chữ nguệch ngoạc ở phần tái bút trong lá thư của ba mẹ gửi cho anh  ‘Hân mong chú hết bệnh’.

Khi bà trở về, bà kể cho ba mẹ biết là anh bị bệnh nặng vì không quen khí hậu cao nguyên. Trong suốt thời gian anh bệnh, mọi việc chăm nom đều trông cậy vào gia đình anh ở trọ. Chủ nhà là một bà cụ đơn chiếc, sống với cô con gái út độc thân, làm việc tại Nha Địa Dự  Cô gái tên gì, tôi không buồn biết đến. Chỉ biết là cô ta đã nghỉ làm một số ngày để chăm sóc cho anh. Như vậy là anh đã chịu ơn người ta rồi còn gì.  Còn bà cụ thì quý anh lắm và có ý gạ anh cho con bà. Theo lời mẹ anh thì cô  gái đó rất xinh, rất khéo lại ăn nói mềm mỏng, biết chiều anh. Như vậy là công, dung, ngôn, hạnh đủ bề. Vì vậy, bà đang đốc thúc anh lo chuyện lập gia đình để có người chăm lo trong những lúc ốm đau, cô đơn. Cơn sóng đang phủ xuống đầu tôi. Tôi muốn hét to lên cho mọi người biết là anh không cô đơn đâu dù anh ở xa nhưng lúc nào tâm hồn anh cũng có tình tôi ấp ủ. Nhưng tôi không nói được lời nào. Tôi câm nín như muốn điên cuồng. Tôi như con ốc sên, thấy người là rụt đầu vào. Tôi miên man nhìn xuống khu vườn mệt mỏi. Cặp mắt sâu buồn chợt hướng về phía bên kia, nhà anh,  tìm kiếm trong vùng sâu của ký ức những hình ảnh hôm nào, xa xưa, ngây dại. Xa xa, mây chiều lãng đãng chậm trôi về một phương trời vô định.

Mấy tuần sau. Một buổi chiều đi học về tôi thấy anh đang ngồi nói chuyện với mẹ trong phòng khách. Tôi sững sờ, lao đao cả người như một lượn sóng. Nỗi vui mừng chợt đến trong tôi như ánh nắng hồng vươn lên sau một cơn mưa đến muộn. Anh nhìn tôi. Cái nhìn tràn đầy thương yêu. Tôi định đưa tay ra ôm anh vào lòng với tiếng kêu mừng rỡ chất ngất tận trời xanh. Tôi như một con ốc hoang tìm được chiếc vỏ của loài dã tràng bỏ lăn lóc trên biển dại.  Nhưng mẹ tôi ngồi đó, tôi nào dám làm gì. Tôi chỉ chào hỏi anh một cách thật bình thường trong một lề lối cố định. Anh về thăm bà bởi hồi này bà không được khoẻ do chứng tim gây ra vì quá lo cho anh.

Lúc tôi đang loay hoay hái mấy nhánh lan trong vườn thì anh đến từ phía sau. Anh đưa tay ôm ngang lưng tôi.

– Sao Hân không viết thư cho anh?

Tôi không nói được lời nào. Bàn tay anh đã làm  tôi ngây dại. Cảm xúc đê mê như cơn sóng bất ngờ tràn lên vội vã, ồ ạt. Nhưng rồi thoáng đê mê đó bỗng chốc tan đi khi tôi nghĩ đến cô gái chăm sóc cho anh. Mình với nhau bao nhiêu năm rồi, anh biết chứ ! Bao nhiêu kỷ niệm. Bao nhiêu đợi chờ. Bao nhiêu luyến thương. Để rồi. Nghĩ đến cô gái đó tôi cảm thương vừa buồn, vừa tức, vừa bị tổn thương nhưng tôi cố giữ bình tĩnh.

– Hân không biết viết gì hết. Nghe chú bệnh Hân buồn lắm. Nhưng .. Hân có viết mấy chữ thăm chú đó.

– Nhớ Hân quá. Anh muốn bay về …

Trời đất ơi, để người ấy chăm sóc, để người ấy gần gũi mà bây giờ  lại còn nói tiếng nhớ, tiếng thương. Nếu bà không bịnh, hẳn còn lâu anh mới bay về. Nhưng thôi không sao đâu. Tôi muốn nói với anh là tôi nhớ anh vô vàn trong muôn ngàn nỗi nhớ. Nhưng tôi không nói được gì. Mặt tôi nóng bừng. Trăm ngàn giọt máu li ti luân lưu trong huyết quản đang chuyển khúc thần sầu. Giờ phút này chỉ có anh và tôi trong khu vườn vắng. Tôi muốn nói gì thì nói. Nhưng không. Tôi không nói được lời nào. Tôi là một người câm trong một địa cầu hoang lạc. Anh nhìn tôi đăm đăm, ngập ngừng, rồi đưa tay kéo mấy sợi tóc mai bị gió giạt qua ve vẩy trên má tôi.

– Sao trông Hân buồn vậy ?

Tôi mỉm cười, lắc đầu:

– Không có gì hết.

Anh phụ tôi dời mấy giò lan treo vào chỗ ít nắng,  dưới tàn cây phượng.

– Anh về vội quá nên không có quà cho Hân.

– Đâu có sao đâu. Chú . . . . thương Hân là được rồi.

– Lúc nào anh cũng thương Hân.

– Chú về bao lâu vậy ?

– Hai ngày.  Sáng sớm ngày kia anh phải đi rồi.

Tôi ngây người nhìn anh:

– Sao chú về ít vậy ? Chưa đủ hai ngày nữa mà.

– Công việc dồn dập lắm. Vì bà nằm nhà thương nên anh phải về thôi.

Trước khi anh về, anh hái một cánh hoa lan đưa cho tôi:

– Dù thế nào chăng  nữa .. .. anh cũng chỉ thương người Sài Gòn.

Lời nói của anh vang nhẹ bên tai tôi.  Lời nói chứa chan một sự xúc động vô ngần. Lời nói của anh như lời giã từ một trò chơi cút bắt trong chuyện tình thầm kín giữa tôi và anh. Tại sao anh lại nói vậy? Chuyện gì đang xảy ra? Tôi muốn đưa tay níu anh lại. Tôi muốn anh phải nói ra những chuyện gì đã và đang xảy ra. Cả cho những ngày sắp tới. Vâng! Anh đã biết những gì sắp xảy ra mà. Cánh lan vuột khỏi tay tôi, rơi xuống đất, nằm trơ trên nền cỏ.

Mấy tháng sau, trong một buổi cơm chiều mẹ kể cho cả nhà nghe là anh sẽ lấy vợ và sẽ đưa vợ về ra mắt mọi người. Người vợ tương lai của anh không ai khác hơn là  cô gái chăm sóc anh khi anh bị bệnh. Mẹ lại kể lúc bà lên thăm anh, bà đã gặp cô gái này và rất chịu cô ta. Thế là bà đã giục anh nhiều lần xúc tiến việc lấy vợ. Bây giờ anh đã quyết định và bà rất ưng ý về quyết định này. Chị Phượng chêm vào:

– Chú lấy vợ là phải.  Già quá rồi.

Chị Trâm nói vào:

– Đúng đấy. Già quá làm sao đẻ con nhỉ ?

Anh Thiên nói:

– Ai mà lấy chú thì phải biết. Chú khó tính lắm.

Anh Nhật hùa theo anh Thiên:

– Từng tuổi đó mới lấy vợ hẳn là khó tính rồi.

Tôi lặng yên. Lòng đau như thắt. Anh sẽ lấy vợ. Vợ anh là cô gái đó, cô gái chăm sóc anh. Tôi nghe trong tôi trăm ngàn cơn bão đang gầm thét. Tôi thấy mình như đang bâng quơ lạc vào một sa mạc hoang sơ vô tận. Trong đó tôi bị lưu đầy, lang thang trên những hạt cát nóng của một cơn mê huyền hoặc. Tôi thấy tôi như con thú hoang bị thương, đang mang một vết thương tê dại. Hình như bàn chân gầy guộc của tôi đang chạm mạnh vào những hạt cát nóng ran của một sa mạc khô khan đang bốc cháy. Chiều hôm đó trời mưa. Mưa thật to. Mưa như trút nước. Những giọt nước vội vã, hấp hối từ trời cao đổ xuống như trăm nghìn giọt nước mắt xô giạt đẩy nhau về mọi lối, lênh láng khắp mặt đường như nỗi đau ri rỉ đang hành hạ xác thân tôi. Tiếng gió hú từng cơn. Những cành cây gãy đổ trong vườn. Tôi đứng bất động bên cửa sổ nhìn mưa, nhìn sự  tàn phá của bảo táp và nghĩ về anh. Tôi nghe trong tôi từng thớ thịt đang bị cắt ra thành nhiều mảnh vụn. Một giọt mưa là một tiếng khóc trong lòng. Một tiếng thở dài là một nhuốm buồn quay quắt. Những giò lan đong đưa trong gió với tiếng kêu nỉ non, cầu cứu. Tôi cảm thấy hình như tôi đang dần dần mất đi một cái gì to lớn, thật quí báu trong đời.

Khi trời bắt đầu lành lạnh là Tết sắp đến, tôi thấy nhà anh nhộn nhịp. Mẹ nói anh đã về. Mẹ dặn chị người làm sửa soạn một bữa cơm thịnh soạn. Mấy lần trước mẹ đâu có làm như vậy. À ra, anh không về một mình mà còn ai khác. Thôi đúng rồi, anh dẫn vợ tương lai về ra mắt mọi người. Khi nghe mẹ nói, tôi không còn thấy những xôn xao mời gọi từ nơi tôi như những lần trước nữa. Tôi cảm thấy có một cái gì nghèn nghẹn nơi cổ. Tôi lẳng lặng ra vườn hái vài nhánh tường vi cắm vội vào bình.

Cơm chiều được dọn ra. Tôi thấy có tiếng người lao xao đằng trước. Tiếng nói của anh, của bà và của một người lạ mà tôi chưa từng nghe qua. Rồi tiếng mời chào, cười nói vui vẻ của ba mẹ. Tiếng anh Thiên, anh Nhật. Tiếng chi. Phượng, chi. Trâm. Âm vang như pháo tết. Tôi nghe lòng mình héo hắt, đìu hiu. Tất cả đi vào nhà và ngồi vào bàn ăn. Tôi cũng đành ngồi xuống. Tôi không chạy trốn đâu được. Tôi ngồi như một khúc gỗ khô, mục cứng lâu ngày. Bà bắt đầu giới thiệu với mọi người cô gái mà anh mang về. Vân, tên của nàng. Xinh xắn, thuộc loại người nhanh nhẩu dễ bắt được cảm tình của người khác. Vân sẽ là vợ anh. Hai tháng nữa họ sẽ làm đám cưới. Rồi họ sẽ vui vầy với nhau, với những tiếng anh em ngọt lịm. Họ sẽ tay trong tay, trở thành một cặp vợ chồng. Sự cách ngăn vĩnh cửu giữa tôi và anh sẽ lớn dần bởi người đàn bà tên Vân này. Và tôi sẽ mãi mãi bị lãng quên trong anh. Tôi trở nên thừa thãi và sẽ trở thành một người đứng bên lề trong những tháng ngày sắp tới của anh.  Tôi nghe rưng rức trong lòng. Ba tôi mở chai champagne, rót ra mời mọi người cầm ly chúc mừng anh. Tôi nâng ly mà mắt nhìn ra chỗ khác. Tôi không muốn nhìn anh. Vì anh có còn là của tôi đâu. Gương mặt đó, dáng hình đó giờ đã thuộc về cô gái ngồi cạnh anh rồi. Cái nhìn đắm đuối của anh đã từng làm tôi bối rối, rồi suốt đời sẽ đắm say trong đôi mắt của cô gái tên Vân với những lời yêu đương nồng nàn. Từ giờ phút này tôi đã chính thức bị bỏ rơi bên một bờ thềm hoang vắng. Tôi không muốn biết anh là ai nữa. Tôi đã mất anh rồi. Tôi đã mất anh ngay cái đêm anh cho tôi biết là anh sẽ đi xa. Có còn gì nữa để lưu để luyến. Thôi anh đi đi, đi ra khỏi đời tôi, đi vĩnh viễn. Tôi không tin tất cả những gì anh đã nói với tôi. Nước mắt tôi gần trào ra. Sợ không cầm được cơn xúc động đang dâng lên, tôi cáo lỗi bị bệnh và đứng dậy đi lên lầu. Ngoài sân, những cành lan cuối mùa níu kéo tuổi xuân đang thoi thóp trong nắng chiều hấp hối.

Tôi úp mặt lên gối, mặc cho nước mắt tuôn tràn. Anh không chạy theo tôi như những lần trước. Ngày xưa, mỗi lần thấy tôi hờn dỗi, bỏ lên lầu là anh chạy theo vỗ về. Bây giờ anh phải lo cho người ấy, đâu thèm nghĩ, đâu thèm nhớ đến tôi. Tôi nhìn về phía thang lầu lòng rưng rưng. Dưới nhà tiếng nói cười vui vẻ vẫn vang lên. Tôi mang đầy mặc cảm trong lòng. Có ai nghĩ đến tôi đâu. Cơn sôi sục đang nung nấu trong tôi. Tôi muốn thét gào thật to quên hết khuôn khổ cuộc đời hạn định. Anh! Mình đã mất nhau rồi. Không phải mới mất nhau từ hiện tại mà tôi đã mất anh kể từ khi cô gái đó xuất hiện trong đời anh. Bây giờ chỉ có sự lạc lõng hiện diện nơi tôi. Tôi trở thành một hành tinh cô độc bay trong một vũ trụ giá băng của một chiêm bao tiền sử. Tôi ngồi dậy mở tung cửa sổ cho gió lùa vào mang đi tất cả những ảo vọng tương lai, những hoài bão của một đam mê vươn lên trong phút chốc. Tôi mở tung những trang vở ra. Những cánh hoa Pensée tím nhạt màu, những chùm hoa chuỗi ngọc mà anh đã phụ tôi ép vào trang sách đang nằm im nhìn tôi chế nhạo. Cơn giận đi theo nỗi buồn tràn ngập trong tôi. Tôi đưa tay bóp nát các cánh hoa khô, để chúng rơi vãi trên nền đá hoa lạnh buốt. Tôi buông mình nằm vật ra giường. Gió chiều lùa qua khung cửa thổi phành phạch chiếc rèm bên hiên sau. Một lúc sau có tiếng chân ai đi lên thang lầu. Có phải tiếng chân anh ? Tôi hồi hộp đợi chờ. Không. Không phải anh. Mà là mẹ tôi. Người chạy lên hỏi thăm tôi và đặt bát súp lên bàn. Tôi giả vờ ngủ, hơi thở đều đều. Mẹ đưa tay đóng các cửa sổ và tiếng chân mẹ xa dần về phía cầu thang. Chờ bóng mẹ khuất hẳn dưới bậc thang cuối cùng, tôi nhẹ nhàng ngồi dậy. Ăn xong bát súp, tôi lại leo lên giường nằm. Dưới nhà vẫn ồn ào tiếng nói chuyện huyên thiên. Tôi lấy  gối che tai lại. Tôi không còn muốn nghe một tiếng gì nữa cả. Xin hãy để cho tôi được bình yên. Tôi quấn tròn tấm chăn mỏng ôm chặt vào lòng. Cái radio ở đầu giường vẫn phát ra tiếng nhạc nhè nhẹ. Bây giờ là tiếng hát của một người bạn học cũ, lúc học chung ở lớp đệ tam, giờ là ca sĩ, đang léo nhéo một bản nhạc xuân bên tai tôi. Tôi đưa tay tắt, miệng làu bàu ‘Con quỷ. Hát dở ẹt’. Tôi úp mặt xuống nệm. Mùa xuân trong tôi đã biến mất tự thuở nào.  Dưới nhà, tiếng ghế kéo loạt soạt cùng tiếng lao xao chào từ giã vọng lên. Tôi nghe tiếng anh nói vọng lên:

– Về nha Hân.

Tôi không trả lời, giả ngơ không nghe thấy.
4.

Thế rồi, những nỗi buồn tiếp nối trong tôi xáo động cả một tuổi đời xanh xao mới lớn. Những trang vở để không. Những ngày học bị xao nhãng. Tôi chỉ thích thu mình trong thế giới bé nhỏ của riêng mình. Đám bạn bè gọi tôi nheo nhéo dưới đường tôi phớt tỉnh làm như không nghe. Chị Phượng, chị Trâm rủ tôi đi phố tôi cũng chả buồn, viện đủ mọi cớ ngay cả đến con chó Kito buồn bã, chầu chực ở chân cầu thang đợi chờ tôi ban ơn mưa móc, ném cho nó những khúc cây mỏng để chơi tôi cũng không màng.

Hai tháng sau ba mẹ tôi nhận được thiệp báo tin ngày thành hôn của anh. Cả nhà lại xôn xao bàn tính việc gửi quà. Mẹ chọn quà. Chị Phượng mua thiệp. Chị Trâm gói quà. Anh Nhật mang ra bưu điện gửi đi. Tôi lơ đi không để ý đến vì tôi không còn muốn nhớ gì đến anh nữa cả. Ba mẹ và các anh chị tôi có để ý đến sự thay đổi của tôi. Tôi chỉ trả lời ngắn gọn là bài vở quá nhiều nên không muốn quan tâm đến những thứ khác. Thật vậy! Đời tôi đã hụt hẫng. Anh đã mang đến cho tôi bao nhiêu đau buồn, hờn tủi thì tôi còn nhung nhớ đến anh làm gì. Giữ chân người muốn ở lại, chớ đời nào ai lại giữ chân người muốn đi bao giờ. Sau lưng tôi là một quá khứ sâu hút bao trùm những ngày dài mỏi mệt. Càng nghĩ đến anh tôi càng thấy đau. Một cơn đau âm ỉ, lan khắp cơ thể trong từng thớ thịt, từng lỗ chân lông, từng hơi thở. Cơn đau ngự trị trong từng giây, từng phút mặc cho tôi vùng vẫy tìm lối thoát. Đã biết rằng, chôn kín đời mình trong những tháng ngày đen tối là một sự dại dột. Buồn đau suốt quãng đời còn lại vì một hình bóng đã ra đi, thể hiện một ý nghĩ ngông cuồng. Tôi cố gắng xua đuổi mọi hình ảnh của anh, nhưng càng xua đuổi thì hình bóng đó lại càng hiển hiện, đeo đẳng tôi theo từng nhịp bước từng hơi thở. Tương-lai dài dằng dặc đang đợi chờ tôi. Sống một đời người sao cho thoả đáng với một ý nghĩa đơn thuần của nó. Tôi còn ba mẹ, còn chị, còn anh. Trời vẫn xanh. Mây vẫn cao. Nắng vẫn lên khi ngày chợt lớn. Bóng tối đổ về khi màu nắng nhạt phai. Những ngày tháng tuần tự nối tiếp nhau theo định luật tự nhiên xoay vần của vũ trụ. Còn tôi thì sao? Tôi cũng cần phải chấm dứt một quá khứ đau buồn để bắt đầu một cuộc đời mới, một tương lai mới. Một đời sống hạnh phúc là một đời sống có linh hồn và nghĩa lý. Thấy tôi buồn con Kito cũng ủ rũ theo. Nó nằm lầm lì ở chân cầu thang không buồn gây tiếng động. Đến một buổi chiều tôi thật sự nhuốm bệnh. Tôi lên cơn sốt, nằm liệt giường hằng mấy ngày không ăn được bất cứ thứ gì. Ba mẹ tôi rất lo. Mẹ tôi đổi món liên miên cốt sao cho tôi ăn được. Mỗi lần về nhà hai anh tôi chạy lại sờ trán xem tôi bớt chưa. Các chị tôi lo nấu nước xông để tôi giải nhiệt. Các anh chị tôi thay phiên nhau, người mua ô mai, kẻ mua xí muội để tôi ăn đỡ nhạt miệng. Sau hai tuần lễ tôi thấy đỡ hơn và có thể ngồi dậy. Mẹ lấy áo len cho tôi:

– Hân này . Mặc áo ấm vào rồi ra sân chơi cho máu luân lưu. Nằm miết một chỗ không tốt con ạ

Nghe lời mẹ, tôi mặc áo vào và đi xuống thang lầu. Thấy tôi xuống con Kito nhảy lên mừng rỡ. Mẹ tôi trừng mắt mắng nó:

– Chị Hân vừa bị bệnh xong. Không nhảy nhót được nhiều với con đâu.

Con Kito biết thân phận, cúi đầu làm bộ khóc. Thấy vậy tôi đưa tay vuốt đầu nó, cúi xuống bế nó vào lòng trong khi nói với mẹ:

– Không sao mẹ ạ. Con cũng nên chạy nhảy một chút cho máu lưu thông.

Ra sân. Tôi hái một nhánh cây ném ra xa cho con Kito chạy theo chụp. Mỗi lần bắt được khúc cây, nó ve vẩy chiếc đuôi bé tí mừng rỡ mang khúc cây trả lại cho tôi. Chơi với nó một lúc tôi thấy mệt, tôi quay sang ngắm mấy chậu kiểng của ba tôi. Nhìn những búp lan tươi thắm sắp nở, nghe tiếng chim non ríu rít trên cây khế chuyền cành trò chuyện tôi  thấy vui vui và hồn nghe phơi phới. Một niềm vui thật sự là một niềm vui tự xuất từ cõi lòng. Tôi phải tập cứng rắn, trơ lì với quá khứ như tảng băng trước những ký ức mù khơi. Tôi không thể phí phạm chôn vùi đời mình vào những ảo vọng không đâu. Nhớ lại bao ngày đã đi qua. Ngày hôm qua. Ngày hôm kia. Ngày hôm trước. Bao buổi hoàng hôn lặng lẽ trôi qua. Bao buổi rạng đông trở lại. Tôi đóng khung trong một căn phòng, thắp nến cho một tình yêu đã bay xa. Qua ánh nến lung linh tôi thấy lòng mình thấp thoáng giữa những vùng tranh tối, tranh sáng của tiềm thức. Anh Thiên rủ tôi đi đâu tôi cũng không đi. Chị Trâm nhờ tôi làm hộ chuyện gì tôi cũng tìm cách chối từ.  Tôi đang cắt đứt mọi liên hệ với những người thân cùng sống chung mái nhà qua một sự vờ vĩnh giả tạo. Tôi thấy tôi cần phải đổi thay đời sống  tôi đang có, một đời sống đang ngoi ngóp, hấp hối, một đời sống chết trong sự tỉnh. Tôi phải tìm ra một thái độ hợp lý để có một sự tương quan tốt đẹp giữa cá nhân tôi với những người chung quanh trong thực thể hiện tại. Một con chim vụt bay đến đậu trên cành khế, rỉa rỉa chùm hoa rồi vụt bay đi. Như anh đã đến với tôi trong một quãng đời nào đó rồi chợt biến mất trên mặt đất phù du này. Ngoài kia, bóng chiều bảng lảng với màu tím hoàng hôn ẩn hiện trên vòm trời vừa tắt nắng.

Thế là tôi thực sự trở về với sách vở, với bạn bè, với gia đình, với con Kito lông trắng của tôi. Tôi hăm hở đến trường. Tôi chăm chú vào bài vở.  Nhưng dù có cố gắng, có học rút cách mấy tôi cũng không đạt được kết quả như tôi muốn và gia đình mong đợi. Năm đó tôi rớt tú tài hai. Người đi xem kết quả thi cho tôi là anh Thiên.  Khi nghe tin, tôi khóc thút thít. Ba tôi không mắng la chi cả mà lại còn vuốt tóc tôi an ủi:

– Lần tới học bài kỹ hơn thì sẽ đậu. Có gì đâu mà con phải khóc.

Trong khi mẹ dịu dàng trong lời trách móc các anh chị tôi:

– Xem em nó yếu cái gì thì kèm thêm cho nó. Em nhỏ nhất nhà mà các anh, các chị không dành thì giờ giúp em gì cả, không ai chịu ngó ngàng gì tới nó. Thật khổ quá.

Chiều hôm sau, anh Thiên mang phiếu điểm về. Cả nhà đều châu đầu lại xem tôi rớt về môn nào. Môn nào cũng rớt hết. Tất cả các môn đều không đạt trung bình. Tôi có để tâm, để trí vào chuyện học đâu mà đậu. Mẹ thở dài đề nghị:

– Mỗi anh, mỗi chị nên dành thì giờ kèm em những môn chính. Còn mấy môn còn lại mẹ sẽ giúp em.

Anh Thiên đề nghị kèm tôi môn Toán. Anh Nhật lãnh trách nhiệm môn Vật lý. Chị Phượng đồng ý lo môn Hoá Học. Chị Trâm kèm môn Anh văn. Các môn còn lại như Triết, Pháp văn, Sử, Địa thì mẹ lo. Ba tôi gật đầu đồng ý. Tình thương của cha mẹ bao la, vô bờ bến quá. Các anh chị tôi cho tôi quá nhiều tình thương như vậy sao tôi không nghĩ đến. Lúc đó, tôi thực sự cảm thấy xấu hổ với chính bản thân tôi, với ba mẹ tôi và các anh chị tôi.

Tôi ngồi lại thêm một năm đệ nhất, trong khi đám bạn tôi lũ lượt rời bỏ sân trường. Đứa đi lấy chồng. Đứa vào đại học. Với tất cả sự cố gắng, tôi cũng đỗ đạt như ai.  Sau khi xong tú tài, tôi vào sư phạm. Suốt thời gian ở đại học, có rất nhiều người đeo đuổi tôi nhưng tôi cứ lơ đi vì mục đích của tôi là phải ra trường rồi hãy tính sau. Chuyện gì đến, tất sẽ đến.

Tôi cứ ngỡ anh và tôi đời đời sẽ không bao giờ còn gặp lại nhau. Năm năm trôi qua. Năm năm với bao u buồn chồng chất. Sau khi anh lấy vợ, tôi thi rớt. Sau đó, tôi lo vùi đầu vào việc học hành, làm bạn với sách vở. Nhiều lần về Sài Gòn thăm bà anh có sang thăm ba mẹ tôi, nhưng những lần đó tôi thường kiếm cớ lánh mặt. Lúc thì đến nhà bạn học bài chung. Lúc thì đi Nha Trang nghỉ hè ở nhà bác tôi, vui chơi cùng các anh chị họ tôi. Cho đến cách đây vài tuần trước khi nhận nhiệm sở đi dạy, ba tôi đề nghị tôi nên đi Đà Lạt nghỉ khoẻ hai tuần, hít thở không khí trong lành trước khi bắt đầu cuộc đời bán cháo phổi. Khi nghe lời đề nghị của ba tôi, tôi phân vân không ít nhưng không dám để lộ.  Mẹ tôi bảo:

– Con chưa đi Đà Lạt bao giờ nên đi chơi cho biết sẵn dịp mang hộ mẹ ít quà cho chú. Dù không có họ nhưng chú với gia đình mình cũng như là bà con thôi.

Các anh chị tôi đều bận việc làm, không thể nghỉ việc để đi cùng với tôi. Tôi chần chờ, ngần ngại chưa biết trả lời sao thì anh Thiên tán thành:

– Ba mẹ nói đúng đấy. Đi chơi đi. Anh lì xì cho mấy nghìn tiền túi.

Anh Nhật, chị Phượng, chị Trâm cũng nhao nhao đề nghị mỗi người cho tôi vài nghìn. Mọi người trong nhà đều xem anh như  một người thân. Chú Thụy của cháu Hân. Còn những gì khác nữa xảy ra giữa anh và tôi thì không một ai biết cả, trừ anh và tôi. Nếu ba mẹ biết được chuyện yêu thương giữa tôi với anh thì chắc chắn tôi sẽ không được để yên thân. Nếu không bị bầm dập về thể xác, cũng bị xác xơ về tinh thần. Còn anh, dĩ nhiên phẩm giá và danh dự của anh sẽ bị chà đạp một cách tàn nhẫn dưới những lời buộc tội và lên án thích nghi của ba mẹ. Thấy không tìm được lý do nào hợp lý để chối từ, tôi đành làm theo ý ba mẹ và các anh chị tôi. Ba lo viết thư báo cho anh biết về ngày giờ tôi lên và nhờ anh đặt khách sạn. Còn mẹ lo mua quà gói ghém cho tôi mang đi. Ba mẹ tôi không muốn tôi ở trọ nhà anh vì nghe nói nhà anh rất chật hẹp lại có con nhỏ. Còn tôi, tôi cũng muốn có tự do riêng.

Thế là, tôi xách va li ra phi trường với trọn vẹn băn khoăn trong lòng. Những dấu hỏi không bao giờ giải đáp. Những hình ảnh. Những bước chân đi. Những cái nhìn. Những hờ hững. Những xôn xao. Tất cả xô nhau về đẩy đưa trong ray rứt.

Chân mây nắng gió xa vời

Chiêm bao mù khơi một kiếp!

Dù trong tôi những khát vọng tình cảm đối với anh vẫn còn đó với những giấc mơ nắng sớm mưa chiều, dù chỉ là hư ảo, vẫn còn lập loè như những đóm lân tinh. Nhưng giờ phút này một cảm giác lo âu nặng nề vây quanh tôi bừng dậy vì tôi sắp gặp lại người đã từng làm tôi lao đao, điên đảo. Liệu tôi có đủ bình tĩnh để đương đầu với những gì sắp xảy đến. Đầu tôi hoang mang, hồn tôi bấn loạn. Khi máy bay gần đáp xuống phi trường Liên Khương, tôi càng cảm thấy hồi hộp hơn. Một dải dài với những nhà cửa, núi đồi, thung lũng, thác hồ, rừng cây nằm bên dưới chân tôi.  Tôi cố mở mắt to hơn để được nhìn thấy tận mắt Đà Lạt, một móc nối đời đời giữ chân người tôi yêu dấu. Khi máy bay đã đáp xuống sân bay, tần ngần một lúc lâu tôi mới đi ra.

Mười hai giờ trưa thứ sáu, sân bay khá vắng. Tim đập thình thịch tôi dáo dác nhìn quanh nhưng không thấy bóng anh đâu. Một người mặc đồ nhà binh, mang cấp bậc thiếu úy tiến về phía tôi ngập ngừng:

– Có phải cô là . . . .  Trần thị Hân?

– Dạ vâng!

Anh ta đưa cho tôi một phong bì:

– Tôi được Trung Tá Thụy phái ra đón cô về khách sạn. Trung Tá đang có họp khẩn. Đây là thư của Trung Tá.

Tôi mở phòng bì ra xem.

‘Hân,

Anh đang bận họp khẩn cấp.

Thiếu úy Mai sẽ đưa em về khách sạn.

Anh sẽ đến gặp em sau trưa.

Anh, Thụý

Lá thư chỉ vỏn vẹn vài chữ nhưng qua nét chữ lung linh, nhảy múa tôi có thể cảm được tình yêu của anh dành cho tôi. Bao năm rồi không gặp anh. Bao năm rồi tôi đã cố gắng tìm cách xua đuổi ra khỏi tôi, mọi hình ảnh của quá khứ một thời. Bao năm trôi qua, tôi tưởng lòng mình có thể nguội lạnh, giá băng. Sao hôm nay sóng lòng tôi lại trổi dậy với tất cả những rung động, xôn xao. Tôi gấp lá thư lại, tự trấn tĩnh là tôi cần phải dùng lý trí để vượt qua mọi thử thách trong chiêu bài tình cảm này.

Phòng tôi nằm trên tầng lầu thứ hai của một khách sạn, nhìn xuống  hồ Xuân Hương xa xa. Đứng bên cửa sổ nhìn ra, tôi thấy núi đồi lãng đãng dưới chân mây. Phía dưới là những con đường vòng quanh đồi và  thung lũng. Tôi mở tung các cửa sổ cho gió lùa vào, mang theo một làn không khí tươi mát. Tôi nằm vật ra giường hưởng không khí trong lành ấy. Sau một lúc tôi ngồi dậy đi vào nhà tắm. Nhớ lời một con nhỏ bạn nói với tôi là nhiều khách sạn ở Đà Lạt dỏm lắm, nước ri rỉ như chuột đái, tắm chưa xong là hết nước rồi. Tôi đưa tay vặn vòi sen, nước ấm chảy ra ào ào làm người tôi cảm thấy thư thái. Tôi nghĩ vẩn vơ về mọi thứ nghe nỗi đìu hiu len lỏi vào tâm hồn và niềm khắc khoải bâng khuâng quen thuộc trở về. Trong khi đang sắp xếp áo quần vào ngăn tủ tôi nghe có tiếng gõ cửa.
5.

Khi cửa mở ra, người gõ cửa không ai khác hơn là anh trong bộ đồ nhà binh với cụm hoa Pensée tím trên tay. Gần sáu năm không gặp. Gần sáu năm  tưởng chừng đã quên. Thế mà, anh vẫn còn nhớ tôi, nhớ cả những cái yêu thích lãng mạn ở nơi tôi. Cả anh và tôi đều sững sờ nhìn nhau không nói. Trông anh có vẻ già hơn xưa nhưng dáng người vẫn khoẻ mạnh. Cái lạnh của núi đồi không làm nhạt màu da sạm nắng chiến trường của anh. Nhớ hôm anh về thăm bà, nếu không có mẹ tôi ngồi đấy chắc là tôi đã ôm chầm lấy anh rồi. Bây giờ nào có ai đâu ngoài anh và tôi nhưng tôi thấy hình như có một cách ngăn nào đó thật hiển hiện, thật kiên cố như một hàng rào kẽm gai vô hình được giăng ra. Tôi nhìn anh, tiếc nuối suối đời xanh xao thơ mộng đã chạy xa khỏi những ảo vọng không bến bờ. Mãi một lúc anh mới lên tiếng:

– Hân trông hơi gầy.

Tôi không biết nói gì hơn ngoài câu hỏi bâng quơ:

– Chú vẫn mạnh?

– Anh vẫn thế thôi.

Anh đưa tôi đóa hoa và hôn lên má tôi. Tôi không ngờ. Anh vẫn đối xử với tôi như ngày xưa. Tại sao vậy? Anh vẫn còn yêu tôi chăng? Hay vì anh xem tôi như một người cháu, người cháu bé bỏng của chú Thụy trong những năm xa xưa thuở nào. Tôi không hiểu được. Cảm giác xao xuyến xa xưa bùng dậy nơi tôi. Tôi nghe vũ trụ quay cuồng. Nếu đất trời có sụp đổ chắc tôi cũng không màng. Dù vậy, tôi cũng cố gắng che đậy cơn xúc động nhất thời đang ngự trị lòng mình. Tôi đưa tay đỡ lấy cụm hoa:

– Chú vẫn còn nhớ những gì Hân thích.

Anh nhìn tôi từ đầu đến chân:

– Làm sao anh quên được.. ..Không bao giờ anh quên người Sài Gòn.

Tôi bật cười thành tiếng và trả lời một cách đắng cay:

– Lúc nào chú cũng có thể đùa được.

Không đùa là gì. Anh đã đùa trên tình yêu đầu đời của tôi để bao năm tôi đau khổ mà phút giây này anh vẫn còn tiếp tục đùa.  Anh không phản ứng về câu nói của tôi nhưng lại nắm hai cánh tay  gầy guộc của tôi:

– Hân vẫn vậy. Vẫn như thuở nào.

Vết tích của nụ hôn vẫn còn đây. Sự đụng chạm  da thịt giữa bàn tay anh và cánh tay tôi tạo ra một luồng hơi ấm chạy rần rần khắp cùng cơ thể tôi. Phải chăng tôi quá nhạy cảm. Nghị lực của tôi đâu hết rồi. Tôi cố gắng vượt qua cảm giác ma quái đó bằng tiếng cười giả lả với câu trả lời gượng gạo:

– Không có vẫn vậy đâu.

– Chừng nào cho anh uống rượu đây ? Sống mãi như vậy sao. Gần ba mươi tuổi rồi còn gì.

Tôi giãy nảy:

– Bộ trông Hân già lắm sao mà chú tăng tuổi Hân lên nhiều vậy.

– Chỉ đùa một tí thôi. Anh biết Hân còn trẻ chứ. Chỉ hăm lăm, hăm sáu chứ gì..

Anh mở tủ lấy cái ly, cắm cụm hoa vào:

– Hân đi ăn trưa nha.

Tôi lắc đầu:

– Hân ăn trên máy bay rồi.  Hẵn còn no.

– Trên máy bay họ chỉ cho ăn qua loa làm sao no được. Hân gầy quá.

– Không. Hân không muốn ăn gì bây giờ đâu.

Tôi lấy gói quà đặt trên bàn:

– Quà của ba mẹ.

– Tội nghiệp Hân phải khệ nệ mang lên đây .

Nói rồi anh đi về phía mấy cánh cửa sổ.

– Đóng bớt cửa sổ lại để gió lùa dễ bịnh lắm.

– Vâng. Chú đóng lại đi. Hân mở một chút cho thoáng thôi.

Anh nhìn quanh:

– Hân có thấy thiếu gì không?

Tôi chưa kịp nói gì thì anh tiếp:

– Sao Hân không sấy tóc cho khô. Nhỡ bệnh.. thì ở luôn đây đấy nhé.

Tôi chua chát:

– Vì bệnh nên chú mới bị cột chân ở thành phố này. Vì bệnh ..

Tôi định nói thêm “Vì bệnh nên Hân đã mất chú”, nhưng lại thôi. Anh quay lại, nắm hai cánh tay tôi và nhìn đăm đăm. Cái nhìn nồng nàn đã làm tôi điên đảo cả đời. Hình ảnh đêm chia tay năm nào trong khu vườn dưới trăng thấp thoáng hiện ra trước mắt tôi. Anh nói:

– Dù thế nào chăng nữa, anh cũng chỉ thương người Sài Gòn.

Tôi cố né cái nhìn của anh bằng cách lảng đi:

– Hân bỏ quên cái máy sấy tóc ở nhà rồi.

Anh buông tay tôi ra:

– Anh nghĩ ở đây phải có vì anh đã dặn họ lo đầy đủ mọi thứ cho Hân mà.

Anh bước vào nhà tắm, rồi trở ra với cái máy sấy tóc trên tay:

– Để anh sấy tóc cho Hân.

Tôi lắc đầu:

– Để Hân làm một mình.. . . . . Chị Vân và hai bé vẫn khoẻ chứ?

Tiếng anh nói, hoà với tiếng máy sấy tóc:

– Chiều nay cả nhà đi ăn cơm tiệm. Hân sẽ gặp các cháu. Chúng dễ thương như cô Hân vậy.

– Hai cháu được mấy tuổi rồi chú?

– Bảo được hơn ba tuổi và Hân-Thảo được hai tuổi.

– Tại sao chú lấy tên Hân làm chữ lót vậy?

Anh đưa ngón tay dí lên trán tôi, tinh nghịch:

– Để nhớ Hân suốt đời.

Nói rồi, anh ôm gói quà đi ra cửa:

– Chiều anh đến đón Hân.

Cánh cửa đóng lại. Tiếng sập  vang lên  lạnh lùng chìm trong im lặng. Đứng bên cửa sổ nhìn xuống đường, tôi thấy bóng chiếc xe jeep lái quanh co trên những con đường vòng, lượn quanh đồi rồi mất hút sau rừng thông. Tôi thẫn thờ ngả người xuống giường, bất động nhìn lên trần nhà với những hình ảnh xa xưa tuần tự trở về. Đêm chia tay dưới ánh trăng khuyết. Tiếng nói lao xao của anh. Anh đi lấy vợ. Và những cánh hoa Pensée ngày cũ tôi đã bóp vụn. Tôi giận anh. Tôi không muốn giữ  những gì anh cho tôi. Và chiều nay anh lại đến với tôi, với cái hôn nhẹ nhàng trên má. Cảm giác ngây dại suốt đời ngự trị nơi tôi qua nụ hôn  đầu tiên trong đời người con gái bỗng chốc trở về, hiện hữu trong căn phòng này. Anh thực sự yêu tôi, sao anh không nói gì cả. Và tôi cũng yêu anh mà tôi đành phải lặng câm. Câu hỏi hiện lên ngàn đời không giải đáp.

Tôi lòng vòng thả bộ qua mấy con đường xem đời sống của dân tình ở đây. Đến một góc đường tôi thấy người ta đang bu đông. Chừng như là họ đang cãi nhau thì phải. Tôi nghe loáng thoáng người ta nói với nhau đó là đám đánh ghen. Người đàn bà đầu tóc rối nùi, quần áo xốc xếch đang phân trần:

– Trời ui! Khổ thân tui quá. Tui có biết chi mô. Bửa qua . . . .  .

Tôi bỏ đám đông đi vào chợ mới xem hàng họ có những gì. Lang thang một lúc, nhìn thấy đồng hồ chỉ bốn giờ rưỡi, tôi vội vàng trở về khách sạn. Thời giờ qua nhanh thật. Đi vẩn vơ thế mà cũng mấy tiếng trôi qua.

Về tới khách sạn, cô thư ký nơi quày tiếp tân đưa tôi một mảnh giấy nhắn là anh sẽ đến đón khoảng năm giờ rưỡi. Tôi biết tính anh rất đúng giờ vì dân nhà binh mà, chậm trễ giờ ra chiến trường đâu có được. Tôi vội vàng lên phòng trang điểm qua loa.

Tôi rửa vội gương mặt và ngồi vào bàn phấn. Một lớp kem mỏng, thêm tí xíu phấn hồng và son nhạt. Đôi mắt tròn đen láy tự nhiên. Đôi mắt mà anh cứ nói là giống hai viên ngọc đen. Tôi nhìn tôi trong gương và mỉm cười với bóng. Tính tôi không thích trang điểm nên tôi không phải mất nhiều thì giờ cho việc này nhưng lại mất thì giờ vào việc chọn quần áo. Đứng nhìn những quần áo mang theo, tôi chả biết nên chọn thứ nào. Từ Sài Gòn lên thì phải mặc cái gì tân thời một chút, chả lẽ lại mặc giống đồng bào Thượng sao. Trời có vẻ không lạnh. Tôi kéo ra một chiếc váy ngắn đen và áo thun đen. Bên ngoài là chiếc áo khoác đen ngắn. Mặc xong. Tôi ngắm bóng mình trong gương.  Đẹp. Nhưng từ đầu xuống chân cái gì cũng đen thui cả, trừ hai cái chân trắng nõn nà. Tôi lại thay chiếc váy đen bằng chiếc váy đỏ. Thế là tôi ưng ý với cái gì tôi chọn.

Khi tôi đang giao chìa khoá cho nhân viên ở quày tiếp tân, thì anh đến và chúng tôi ra xe. Chiều nay anh không mặc quần áo nhà binh. Anh nhìn tôi:

– Coi chừng lạnh.

– Hân có mang áo khoác này .  Chú Thụy đừng lo.

– Phải lo chứ. Hân mà ốm là ba mẹ bắt đền anh đấy.

Chúng tôi bước vào xe. Xe lái quanh co một lúc rồi dừng lại dưới chân đồi nơi một nhà hàng hạng sang. Sau nhiều năm không gặp chị Vân, ngoại trừ lần chị về Sài Gòn ra mắt mọi người, tôi thấy chị vẫn đẹp lạ lùng. Anh khéo chọn người thật. Mặt chị tự nhiên không trang điểm. Khí hậu lạnh tôn nước da trắng hồng và mịn màng của chị.  Mái tóc cắt tém gọn gàng. Quần áo chị mặc hợp thời trang nhưng không se sua, kiểu cách. Chỉ ngần đó thôi cũng đủ cho thấy chị là một mẫu đàn bà biết vén khéo gia đình. Tính chị tự nhiên, vui vẻ, nói năng huyên thiên nhưng khéo léo và tế nhị. Chị thuộc loại người “Chưa thấy người mà đã thấy tiếng”. Hai đứa bé con anh, rất dễ thương và rất xinh, trông giống anh nhiều hơn giống chị đặc biệt là Hân-Thảo, giống anh như khuôn đúc. Hai bé rất ngoan, chỉ đùa với nhau chứ không vòi vĩnh, không quấy rầy ba mẹ chúng.  Chị lau tay cho bé Thảo:

– Cháu Thảo giống tính cô đấy. Nói năng nhỏ nhẹ. Ăn thì như mèo nên gầy nhom.

Bé Thảo cứ nhìn tôi cười mãi. Tôi dụ nó:

– Thảo theo cô về Sàigòn nhé.

Nó phụng phịu lắc đầu.  Buổi ăn rất vui, chị luôn tiếp thức ăn cho tôi, hỏi thăm đủ điều về ba mẹ và các anh chị tôi. Chị còn hỏi là tôi sẽ đi dạy trường nào, khi nào cho anh chị uống rượu v.v. Nhiều lần trong bữa ăn, chị đã nhắc anh thu xếp thì giờ để đưa tôi đi chơi.

Trong những ngày ở đây tôi đã đi chơi riêng với anh và đi chơi chung với vợ anh và các con anh. Chúng tôi đi thác. Chúng tôi đi hồ. Chị đưa tôi đi chợ, giúp tôi mua sắm vài món quà cho ba mẹ và các anh chị tôi. Chị có đưa tôi về thăm nhà của anh chị một lần. Nhà rất bé, đơn sơ nhưng ngăn nắp, gọn gàng. Chị nói với tôi:

– Anh không phải là loại người thích làm giàu như một số sĩ quan khác nên anh chị và các cháu sống thanh đạm lắm.

Tôi quí chị, thương gia đình anh. Nhìn thấy chị quá dễ thương lại thành thật tôi đâm ra áy náy. Dù đã tự hứa với lòng là sẽ nguôi quên tất cả những kỷ niệm xa xưa giữa tôi và anh. Dù đã kỹ lưỡng dặn lòng là phải dửng dưng trước tất cả khi gặp anh. Nhưng tôi đã không làm trọn những gì tôi đã tự hứa. Tôi đã để cho tim tôi rạo rực và hồn tôi ngây ngất sau mỗi lần gặp anh, dù anh đến một mình hay đến cùng với chị. Để rồi, quay quắt với những trống vắng của đêm tôi triền miên đối thoại với tâm tư mình. Nếu chị biết được chuyện anh và tôi chắc chị sẽ khổ đau lắm nhưng rồi lại sẽ cố gắng dùng tình yêu để hoá giải mọi thứ thôi. Như người đang đuối sức bơi trong một hồ nước xoáy tôi lặn ngụp với những ý nghĩ xoay vòng. Tôi không muốn sự có mặt của tôi khuấy động trong anh những tình cảm lãng mạn đã tạm lắng chìm. Tôi thấy vui khi nhìn người khác hạnh phúc. Còn ở thêm phút nào là tôi còn san sớt  hạnh phúc của chị thêm phút ấy. Tôi muốn chị hưởng trọn  hạnh phúc của chị vì chị đáng được hưởng hạnh phúc đó. Tôi không muốn nhìn thấy nét buồn hiện trên gương mặt chị, một gương mặt lúc nào cũng tươi cười vô tư. Thế là tôi quyết định đổi ngày giờ rời Đà Lạt. May mắn thay khi tôi liên lạc với văn phòng bán vé thì họ cho biết là chỉ còn một chỗ duy nhất vào ngày mốt. Tôi bằng lòng ngay. Như thế là tôi có mặt ở Đà Lạt đúng một tuần thay vì hai tuần như đã dự định.
6.

Điểm đáng ghi nhớ nhất trong đời tôi cũng như trong chuyến nghỉ hè năm ấy là ngày cuối cùng với anh và đêm cuối cùng lúc chia tay anh. Về sau này và nhiều năm tiếp nối, mỗi lần nhớ lại tôi vẫn thấy đó là cái đêm quan trọng nhất đã đánh dấu một điểm mà suốt đời chắc chắn tôi không quên. Vâng! ngày ấy là ngày cuối cùng và đêm ấy cũng là đêm cuối cùng. Sau khi đổi vé, tôi gọi cho anh:

– Hân muốn chú đưa Hân đi chơi suốt ngày, ngày mai nhé. Một mình chú thôi.

Anh trầm ngâm suy nghĩ. Tôi nói tiếp:

– Chỉ ngày mai thôi .. nha chú. Một ngày thôi.

Giọng Huế trầm ấm rót vào tai tôi:

– Đưa Hân đi bao nhiêu ngày anh cũng có thể làm được huống chi một ngày.

– Một ngày thôi. Chú ráng thu xếp nhé. Trọn ngày.

– Anh sẽ cố gắng.

Thế là hôm sau anh đưa tôi đi chơi trọn ngày . Buổi sáng anh đưa tôi qua rừng thông. Anh và tôi đi nhặt những quả thông già. Tiếng chân của chúng tôi xào xạc trên lá khô từng lớp. Anh đưa tay rung những nhánh thông cho phấn rơi xuống, lác đác đổ trên tóc tôi. Màu phấn thông, một màu vàng như nghệ, cùng với mùi hương thoang thoảng của thông. Tất cả quyện trong chúng tôi như một thứ men say ủ kín một tình yêu vừa  ươm chín. Tôi và anh đùa giỡn đuổi bắt nhau như những ngày tôi còn bé trong đó chú Thụy thường bày những trò chơi ú ập với cháu Hân. Chúng tôi rượt nhau trong gió. Chung quanh chỉ còn tiếng gió vi vu cuốn theo tóc tôi. Tôi cảm thấy đời mình được dịp sống lại sau những ngày tháng lịm chết kể từ khi anh đi lấy vợ.  Lúc đó, tôi đã quên tất cả mọi thứ chỉ tận hưởng những phút giây thần tiên tôi đang có. Tôi không ngờ tôi còn có thể có được những phút giây thần tiên này, trong đó tôi có anh trọn vẹn trong từng phút giây, từng hơi thở. Vâng ! Tôi đã quên hết mọi điều tôi tự hứa trước khi rời Sài Gòn. Tôi cảm thấy tôi đang bắt được cái hạnh phúc nửa vời, dù chỉ trong giây lát, một cái hạnh phúc riêng tư mà tôi mơ ước, trong đó chỉ có anh và tôi. Trong buổi ăn trưa, anh múc từng thìa súp dỗ dành tôi ăn trong tiếng cười ròn rã của tôi. Sau đó, anh đưa tôi qua hồ Than Thở. Chúng tôi đi dạo quanh hồ. Chiều buông dần. Sương xuống nhanh. Hơi lạnh thấm dần qua những lớp áo tôi đang mặc. Anh kéo cao cổ áo cho tôi và khoác lên vai tôi chiếc  măng-tô nhà binh dày cộm của anh. Chúng tôi lặng yên đi bên nhau rất lâu. Tôi thích cái thiên đàng yên lặng đó. Trong lúc đi cạnh anh, lúc nào tôi cũng có cảm giác lo sợ sẽ mất anh, dù trong khoảnh khắc. Thực tế là vậy, anh phải xa tôi vì anh còn phải về với vợ con anh chứ. Hình ảnh chú Thụy của cháu Hân đã chết ngay sau khi chú mang người đàn bà xa lạ về Sài gòn ra mắt thân nhân. Vâng ! Không bao giờ tôi nghĩ là tôi sẽ còn có giờ phút này với anh. Lòng tôi rối tung. Tim tôi bấn loạn. Động mạch và tĩnh mạch như muốn cùng nổ tung dưới làn da căng thẳng. Tôi có nhiều điều muốn nói cho anh hiểu thấu lòng tôi. Để rồi sau khi nói xong những gì tôi cần phải nói thì tôi sẽ mãi mãi xa anh, ngàn đời không còn trông thấy nhau, tôi cũng chịu. Nhưng miệng tôi khô đi và hơi thở tôi cạn. Đêm xuống nhanh hơn. Đêm đen trải dài. Một màu đen mà không có bất cứ hợp chất hoá học nào có thể làm loãng được cái màu sắc ấy khi bóng tối vây quanh. Anh ôm tôi vào lòng và tôi vòng tay qua ôm anh. Tất cả cuộc đời đối với tôi lúc đó chỉ là một con số không vô nghĩa, ngoại trừ anh. Tôi nghe có một cái gì cay đắng trong tôi. Tất cả rồi sẽ tan theo thời gian. Mọi việc đã xong. Đất trời đã an bày số mệnh. Anh đã nằm vào khuôn khổ của một người đàn ông chỉ còn tôi long đong trong biển lòng nuối tiếc.

Vâng! Làm sao tôi quên được đêm cuối cùng của những ngày hè năm ấy. Có lẽ đó là đêm vui nhất và cũng là đêm buồn nhất đời tôi. Đêm đánh dấu một chuyện tình vừa khởi đầu, vừa kết thúc. Tôi  biết chắc rằng trong những tháng ngày kế tiếp, nếu có buồn chắc tôi cũng sẽ không bao giờ buồn cho bằng đêm ấy. Cái đêm cuối cùng chấm dứt chuyện tôi và anh. Cũng trong cái đêm ấy tiếng “chú” ngày nào mà bé Hân đã thỏ thẻ với chú Thụy đã bị đánh rơi bên những bước chân dạo quanh bờ hồ. Thay vào đó là tiếng “anh” nhẹ nhàng trìu mến. Vâng! Anh Thụy của Hân.

Sau khi rời cà phê Tùng, lúc đó khoảng chín giờ đêm. Anh đưa tôi qua hồ Xuân Hương. Đêm bỗng dưng trở lạnh hơn nên ít người lui tới. Trong cái lạnh này mọi người thường thích quây quần trong căn nhà ấm cúng, hơn là  lang thang dưới ánh đèn điện mù mờ như anh và tôi. Bờ hồ không có ai khác ngoài chúng tôi. Gió lạnh thổi lên làm tôi rùng mình. Đầu tôi mông lung. Thần trí tôi bị phân tán. Tôi không biết tôi đang nghĩ gì trong giờ phút đó. Tôi hỏi anh:

– Chú đang nghĩ gì đó ?

Anh quay lại, nắm hai bàn tay giá lạnh nhìn tôi. Vẫn cái nhìn mà từ bao năm qua tôi đã oằn oại chuốc những đau thương.

– Không thương anh sao mà cứ gọi bằng chú hoài vậy?

Bấy giờ tôi chợt nhớ lại. Hơn sáu năm về trước. Cái đêm chia tay để anh đi nhận nhiệm chức mới, lúc anh và tôi cùng đứng dưới ánh trăng trong sân nhà tôi, anh đã đổi cách xưng hô từ “chú” ra “anh” rồi. Anh thương tôi từ bao giờ lúc đó anh mới bộc lộ qua cách xưng hô. Tôi nhớ anh đã bối rối thay tiếng “chu” bằng tiếng “anh” qua hơi rượu. Tôi hít một hơi thở sâu.

– Anh Thụy.

Rồi tôi ôm anh. Anh siết chặt tôi. Đã nhiều lần anh ôm tôi từ những ngày còn bé, nhưng đây là lần đầu tôi mới thấy cái siết chặt nhau đầy ý nghĩa này. Chúng tôi đứng như vậy thật lâu. Tôi muốn nói với anh là tôi yêu anh nhưng cổ tôi đã nghẹn, chỉ đủ thốt ra hai tiếng “anh Thụy”. Một lúc sau anh buông tôi ra, tôi thấy anh mỉm cười dưới ánh đèn vàng mờ mờ, lung linh trên mặt nước. Cuộc đời đã vậy. Chúng ta không thay đổi được. Tôi biết điều đó chứ. Gia đình anh và gia đình tôi sẽ không bao giờ chấp nhận một cuộc tình tréo cẳng ngỗng giữa bé Hân và chú Thụy đâu. Tiếng anh thở dài làm tôi tê tái. Không nói thành tiếng mà chúng tôi cũng đã hiểu được nhau rồi. Tình yêu của chúng tôi bất diệt. Cái vĩnh cửu trong tình yêu là tiếng lòng gọi nhau từ hai phía, một thứ âm thanh thầm kín vang vọng từ hai người. Một thứ tình yêu nhẹ nhàng, phảng phất mà sâu kín, bùi ngùi mà mênh mông. Giữa anh và tôi. Thứ tình yêu này vọng lên tự đáy lòng nhau trong những buổi chiều gió lộng, trong những ráng chiều xuống chậm, trong những rạng đông đầu ngày. Một thứ tình yêu suốt mùa quấn quít trong nhau qua những giấc chiêm bao không bến hẹn.

Tôi nói với anh là tôi thèm một cốc ovaltin sữa và muốn trở về khách sạn. Thế là chúng tôi trở về khách sạn. Anh đưa tôi lên phòng. Anh pha ovaltine và tôi châm nến. Chúng tôi ngồi ngay cửa sổ trò chuyện. Tôi cũng không nhớ là chúng  tôi đã chuyện trò những gì, hay chỉ nghe những yên lặng thì thầm với nhau. Khi cốc ovaltine đã cạn tôi nói với anh:

– Đưa Hân đi một vòng nữa đi anh.

Tôi bắt anh đưa tôi đi một lần cuối, để rồi tôi sẽ không bao giờ trở lại thành phố này, để rồi tôi và anh sẽ không còn có những giây phút bên nhau. Anh nhìn tôi rồi nhìn đồng hồ:

– Tối mai mình đi tiếp. Hân phải đi ngủ cho khoẻ.

Lúc đó tôi muốn khóc. Làm gì còn có được đêm mai để mình đi tiếp. Làm gì còn có được đêm mai để cho mình ngồi lại với nhau. Ngày mai khi anh đang bận rộn với công vụ, khi chị đang lay hoay lo cho hai bé, thì chuyến tàu ban trưa sẽ trả tôi về với thành phố. Còn anh, anh sẽ được trả về cho chị, cho gia đình, cho núi đồi, cho chiến trường, cho những yên tĩnh của một đời sống đã vào khuôn nếp. Còn có tôi giây phút nào là lòng anh bị khuấy động giây phút nấy. Ngập ngừng một lúc, tôi xụ mặt xuống:

– Đêm mai là đêm mai. Cho Hân sống trọn đêm nay.

Anh đưa một ngón tay âu yếm dí lên trán tôi, rồi cầm chìa khoá xe. Anh nắm tay tôi kéo đi. Tôi biết lúc nào chú Thụy cũng chiều-chuộng cháu Hân. Khi chúng tôi xuống đường, mọi nhà đã yên giấc, hai bên đường chỉ còn loe hoe vài tiệm bán đồ khuya. Tiếng thông reo vi vu giữa đêm khuya vọng lại tự phương nào. Anh hỏi tôi:

– Hân muốn đi đâu ?

Tôi không biết đi đâu. Đến đâu với anh trong giờ phút cuối cùng này tôi cũng đến. Đi đâu với anh trong giờ phút cuối cùng này tôi cũng đi. Đi một lần để không bao giờ còn đi với nhau nữa. Đi một lần để rồi sẽ vĩnh viễn xa nhau. Tôi nghe trong tôi, cơn đau thức tỉnh với vết thương mở rộng và mỗi phút giây trôi qua vết thương kéo theo một sự nhức nhối vô ngần. Tất cả rồi sẽ như bọt sóng tan trong đại dương khi sóng ồ ạt đập mạnh vào ghềnh đá. Tôi nhẹ nhàng nói với anh nhưng lời nói ngầm chứa một sự ra lệnh:

– Hân thích ngắm những đêm thanh vắng như thế này. Anh cứ lái lòng vòng ở những con đường nào anh thích.

Anh liếc nhìn tôi trong khi lái vòng qua những vùng đồi thoai thoải, qua những rừng cây chìm sâu trong bóng tối. Sương mù bắt đầu đổ xuống một loạt như một chiếc màn trắng loãng xanh xao ngăn che bên kia con dốc. Đi được một lúc, tôi đòi anh đưa về khách sạn:

– Thôi cho Hân về khách sạn đi. Mai anh còn phải đi làm nữa. Đừng giận Hân nhạ

Anh liếc nhìn tôi:

– Phải giận nhiều lắm chứ. Phải đánh đòn Hân mới được.

Khi gần tới khách sạn độ năm thước, tôi ra lệnh cho anh ngừng lại:

– Trưa mai Hân về rồi. Cám ơn anh chị đã lo mọi thứ chu đáo. Có gửi thư về cho bà thì sáng mai đưa cho Hân.

Ngạc nhiên, anh quay qua nhìn tôi:

– Anh tưởng Hân đi hai tuần ?

Tôi lắc đầu nhìn ra ngoài:

– Hân đã đổi ngày về. Còn nhiều thứ phải làm lắm.

Tôi hạ giọng nói nhỏ, chừng chỉ đủ cho mình tôi nghe:

– Về để anh làm tròn bổn phận và trách nhiệm của anh.

Anh không nói gì. Một lúc sau anh đốt điếu thuốc, hít một hơi rồi nhìn ra bóng đêm trải dài trên con đường trước mặt. Mùi thuốc lá quyện vào tóc tôi mà suốt đời tôi không quên. Yên lặng một lúc tôi thấy anh búng tàn thuốc để đóm lửa bắn ra, rơi nhanh trong màn sương mù. Anh đưa tay kéo mặt tôi lại gần anh:

– Không bao giờ anh muốn xa Hân.

Tôi xúc động nhưng cố giữ không cho nước mắt trào ra. Nhiều năm trôi qua, tình anh đối với tôi vẫn vậy. Đêm thật khuya rồi. Các cửa hàng đều đã đóng cửa, đèn đóm tắt tối thui. Anh dụi điếu thuốc vất đi. Tôi nhớ là cả hai chúng tôi ngồi với nhau thật lâu trong yên lặng. Cái yên lặng của hai tâm hồn cùng tìm nhau trong thao thức, cùng gọi mời nhau về một khoảng không mênh mông vô hạn giữa một vũ trụ đen ngòm. Khi tôi mở cửa, định bước xuống thì anh nắm lấy vai tôi kéo lại:

– Mai em về thật sao?

– Hân không dối anh. Một giờ trưa.

– Chuyện gì vậy ? Có phải em buồn anh nên em về sớm?

Tôi lắc đầu:

– Anh lo cho Hân nhiều lắm rồi. Chiều Hân đủ thứ. Không có gì hết.

Anh hôn tôi và đưa tay vuốt nhẹ má tôi:

– Phải nâng niu, phải chiều Hân chứ. Bao giờ . . . anh cũng chỉ thương người Sài Gòn.

Anh thở dài. Lời nói của anh là một lời sám hối tự đáy lòng mà anh đã nhiều lần lập đi lập lại. Tôi thở ra. Có thương cũng không làm gì được. Xã hội không chấp nhận một sự tương quan lạ kỳ giữa tôi và anh, có níu kéo cũng chỉ là những sự trì hoãn giả tạo mà thôi.

– Trễ rồi. Anh về đi. Chắc chị và các cháu ngủ rồi.

Tuy miệng nói vậy nhưng thực sự lòng tôi lại muốn níu kéo thêm giây phút gần anh. Chúng tôi bước xuống xe đi thật chậm về phía khách sạn, tay anh quàng qua vai tôi dưới sương mù giăng trước mặt, từng lớp và từng lớp. Tiếng giày của chúng tôi vang nhẹ trên lối khuya thanh vắng. Đi được một quãng anh lên tiếng:

– Sáng mai anh sẽ đưa Hân đi.

Tôi vòng tay qua ôm lưng anh:

– Thôi để Hân đi một mình. Anh lo cho công việc và lo cho gia đình đi.

– Anh không muốn rời em.

Tôi xúc động bật khóc. Chính tôi đã quyết định rời cái thành phố sương mù này sớm thật sớm để cho anh không còn vướng bận vì tôi, để cho anh có thì giờ làm tròn trách nhiệm một người chồng, một người cha. Thế mà, bây giờ đến phút chia tay lòng tôi thực sự không muốn rời anh. Anh đứng trước mặt, nâng cầm tôi lên:

– Mình còn gặp lại nhau mà.

Tôi lắc đầu, nước mắt tiếp tục tuôn trào. Những giọt nước mắt tân trang một cuộc tình hấp hối. Anh đưa tay lau nước mắt cho tôi nhưng càng lau nước mắt càng tuôn trào. Tôi đã biết trước sẽ không bao giờ còn có ngày gặp lại nhau vì lòng tôi đã quyết định. Lúc đó, không còn một ai trên đường. Mưa bắt đầu rơi lất phất.  Anh ôm tôi vào lòng vuốt tóc tôi. Cuộc đời đích thực không ở những nơi xa xôi nào đó mà chính là ở những phút giây này, những giây phút bên nhau. Tưởng chừng như sợ mất anh, tôi ôm anh thật chặt, nói với anh tất cả những gì tôi đã giữ kín trong lòng từ bấy lâu nay:

– Anh chỉ nói vậy thôi. Ngày anh đi lấy vợ, Hân buồn vô cùng. Lúc anh đưa chị ấy qua nhà ăn cơm, Hân giận, Hân không thèm ăn. Hân đã bóp nát tất cả những cánh hoa ép mà anh đã hái cho Hân. Hân đã vất qua cửa sổ tất cả những quà anh mua cho Hân. Anh có biết không?

Anh ôm tôi sát vào người anh:

– Anh xin lỗi Hân. Anh đã làm em buồn.

Hơi thở quen thuộc mà tôi đã mất hằng bao năm rồi, tưởng chừng không bao giờ còn bắt lại được. Bây giờ hơi thở này đã trở về đây với tôi dù chỉ trong khoảnh khắc. Tôi không muốn bị mất nữa. Vâng! Tôi không muốn mất anh. Tôi muốn được anh ôm tôi suốt đời như thế này. Anh cúi xuống hôn trên trán, trên má tôi, thì thầm:

– Tại sao ngày xưa em lặng thinh?

Có nói ra cũng không làm gì được. Anh đã biết như thế rồi mà. Nào ba mẹ. Nào bà. Nào gia đình. Nào xóm giềng. Bao nhiêu thứ dư luận sẽ chỉa mũi dùi vào cuộc tình anh và tôi.  Nước mắt tôi tiếp tục tuôn ra trong im lặng. Cứ thế chúng tôi đứng ôm chặt nhau dưới ánh đèn vàng hiu hắt của con đường đang chìm trong bóng đêm quay quắt ngập sương mù. Một lúc sau anh nói:

– Không có gì gọi là muộn màng trên đời này. Nếu cần, anh sẽ vứt bỏ tất cả rồi chúng mình sẽ đi về một phương trời thật xa để sống. Em chịu không?

Tôi gật đầu lia lịa. Trong giờ phút đó tôi bất chấp tất cả. Mặc kệ chuyện gì xảy ra cứ để cho xảy ra vì tôi muốn mãi mãi ở bên anh, tôi muốn mãi mãi có anh. Tôi còn nhớ rõ ràng trong phút giây hấp hối đó tôi không muốn có ngày mai, không muốn có ánh sáng mặt trời để anh suốt đời mãi mãi là của tôi. Tôi không bao giờ quên được giây phút ấy. Giây phút có nhiều ý nghĩa nhất trong đời tôi. Giây phút mà tôi ao ước, đêm sẽ tiếp tục vây quanh, để tôi được mãi mãi giữ anh trong vòng tay của tôi. Sương mù một lớp vây quanh. Mọi thứ đều lẫn trong một màu trắng đục như sữa. Đêm phải thật khuya rồi. Phố xá ngủ yên dưới ánh trăng toả xuống từ bầu trời xám như một chiếc đèn tròn với một thứ ánh sáng huyền hoặc. Gió rít từng chập từ hàng cây sừng sững như những tiếng đàn ma quái gọi hồn từ một cõi nào đó. Thỉnh thoảng có tiếng xe vọng về từ một con đường vắng xa xa.

Chúng tôi vẫn đứng ôm nhau dưới lớp mưa mỏng lất phất như những bụi thông đổ về từ đồi vắng. Tôi thấy tôi đang sống trong thiên đàng, dù đó không phải là thiên đàng vĩnh cửu. Tôi thấy, tôi đang ôm một bóng hạnh phúc nửa vời. Trong thần trí mơ màng của một tình yêu nồng nàn và trong cơn mê của sự tỉnh, tôi mơ hồ thấy anh và tôi đang ở trong tư thế này, biến thành một tượng đá dưới mưa. Tôi mong trái đất hãy ngừng lại, đừng quay nữa để con bé tên Hân ngày nào được suốt mùa ngủ yên trong vòng tay của chú Thụy. Nhưng tôi biết chắc là trái đất vẫn tiếp tục quay. Rồi đêm sẽ qua đi, ngày sẽ trở lại, nắng sẽ lên và mưa sẽ trải dài để rồi những gì xảy ra trong đêm đó sẽ dần dà tàn phai theo năm tháng. Tất cả sẽ trở thành một huyền thoại. Vâng! Trong những  giây phút cuối cùng, chúng tôi đã ôm nhau thật chặt để nghe rõ tiếng lòng của nhau qua từng hơi thở. Mưa vẫn đổ. Sương mù vẫn bao quanh.

Một lúc sau, chừng như cơn lạnh đang thấm sâu vào người, tôi chợt rùng mình. Anh dìu tôi vào đứng dưới hàng hiên nhưng tôi không chịu. Anh rút chiếc khăn tay ra lau nước mưa đọng trên tóc và mặt tôi. Mặt anh cũng đầy nước mưa dưới ánh đèn hiu hắt. Một gương mặt ghi rõ sự đau đớn, dấu tích thần thánh của một thứ tình yêu lạc loài. Thế là cả hai chúng tôi dìu nhau vào đứng dưới một mái hiên. Tôi lấy chiếc khăn tay đẫm nước, vắt đi và lau cho anh:

– Anh ướt hết rồi. Thế nào anh cũng bệnh. Rồi chị sẽ la cho mà xem.

– Anh đã quen sống đời mưa gió ở chiến trường. Anh chỉ lo là em sẽ bệnh thôi.

Trong khi lau cho anh, đầu óc tôi miên man nghĩ ngợi. Trong phút chốc thần trí tôi tỉnh táo trở lại, tự vấn lương tâm. Đầu tôi sáng suốt như đang đứng trước lớp, giảng bài cho đám học trò tinh nghịch. Tôi trực diện với chính tôi. Thực tại. Một thực tại mà trước mặt tôi, giờ phút này, người đàn ông đã từng xông pha với chiến trường, gánh vác chuyện núi sông, người đàn ông đang là một người chồng, một người cha  chỉ còn là một người đàn ông mềm nhũn trước mãnh lực của tình yêu. Người đàn ông này muốn được tôi cho sống thì sẽ sống và muốn được tôi cho chết thì sẽ chết. Đã có chiến trường thì không có nhân đạo. Và tôi đang đứng giữa một chiến trường tình yêu. Tôi đang chiến đấu với chính tôi. Nếu tôi không thức tỉnh lương tâm thì người đàn bà vô tội kia tức là vợ anh, sẽ đau khổ và sẽ căm thù tôi suốt đời. Chuyện gì sẽ xảy ra cho các con anh, những đứa bé ngây thơ, vô tội mà tôi đã ôm và hôn hít. Rồi còn ai khác nữa trong một cuộc chiến tương tàn. Hân ơi ! Đừng tàn ác như vậy! Chiến trường này không phải là chiến trường anh đi mà là một chiến trường lương tâm của chính lòng người. Tôi thở dài. Tôi không thể phá vỡ hạnh phúc của người khác chỉ vì sự ích kỷ của tôi. Không thể được. Trong phút giây thức tỉnh đó, tôi nắm lấy tay anh:

– Anh về đi không chị Vân lại mong.

Tiếng của anh rót nhẹ vào tai tôi:

– Thôi em vào ngủ đi. Mai mình sẽ tính. Mai anh sẽ đưa em đi.

Nước mắt tôi đã ngưng. Tôi dịu dàng nắm lấy tay anh:

– Thôi để Hân đi một mình. Về Sài Gòn Hân sẽ viết thư cho anh.

Miệng nói vậy mà lòng thì quyến luyến. Tôi lại nấn ná thêm ít lâu. Chúng tôi hôn nhau. Những nụ hôn thật nồng nàn, thật đẹp, thật đắm say và cũng là những nụ hôn vĩnh biệt. Khi máy bay cất cánh Đà Lạt lùi dần, mất hút phía sau, chỉ còn lại màu xanh của núi đồi trùng điệp. Một màu xanh đã vẽ lên đời tôi hình ảnh một thời yêu đương ngây ngất, đắm say, lãng mạn để rồi suốt những tháng năm còn lại màu sắc đó đã cô đọng trong tôi một sắc màu nhung nhớ đó là màu rêu xanh non dại.
7.

Tôi trở lại Sài Gòn với một tâm trạng ngổn ngang chất ngất. Ba mẹ và các anh chị tôi thắc mắc tại sao tôi về sớm vậy. Tôi đành phải đóng kịch, phải giả vờ bệnh, để lắng dịu thắc mắc của mọi người. Tôi xách va li bước vào khi cả nhà đang ăn cơm. Mẹ bỏ đủa xuống nhìn tôi:

– Ơ kìa.  Sao con về sớm vậy ?

– Hai ba ngày nay con thấy trong mình hơi kỳ kỳ. Sợ bị ốm rồi lại không bắt đầu việc làm được nên con về sớm.

Ba kéo kính xuống nhìn tôi:

– Chắc tại khí hậu khác biệt. Dưới này nóng, trên đó lạnh nên con không quen thôi.

Anh Thiên bảo tôi:

– Chiều nay mẹ làm bún ốc. Ăn cái đã rồi tính sau.

Tôi ngồi vào bàn ăn kể cho mọi người nghe về chuyến đi của tôi. Dĩ nhiên là tôi dấu nhẹm những gì xảy ra giữa tôi và anh.

Trí đã bảo không mà lòng chẳng chịu đừng. Tuần lễ đầu tôi nhớ anh vô cùng là nhớ. Tôi nuối tiếc những cánh hoa Pensée chúng tôi đã hái suốt buổi sáng bên triền đồi, bỏ quên trong khách sạn. Tôi nuối tiếc những giây phút đi chơi riêng với anh bên rừng thông bên bờ suối. Tôi biết tôi hẵn còn yêu anh vô cùng. Và tôi tin anh cũng giống tôi, yêu tôi tha thiết.

Rồi tôi nhận được thư anh gửi về nơi trường tôi dạy, sau khi tôi bắt đầu công việc được hai tuần. Lá thư thật dài. Lá thư viết cho riêng tôi. Lá thư trải ra một tình yêu sâu kín anh dành cho tôi. Lá thư kể rõ những xung đột trong anh khi anh quyết định lập gia đình. Trong lá thư có đề cập một việc tôi không ngờ là anh có hỏi ý bà về việc nói chuyện với ba mẹ tôi để xin cưới tôi. Và bà đã không đồng ý. Đọc những giòng chữ anh viết, hồn tôi bấn loạn. Tôi như một người đang lênh đênh trên mặt biển, bị sóng tình yêu nhồi mạnh lặn ngụp trong trận  bão lòng. Có những lúc tôi cứng như thông rừng, trơ trơ trước các cơn mưa giông gió mạnh. Có những lúc tôi thật yếu mềm như sợi bún thiu. Sau giờ dạy, tôi lang thang trong một công viên vắng dưới bầu trời lãng đãng những mây. Hàng cây trước mặt vẽ ra một hình ảnh cong cong dưới nắng chiều rải nhẹ. Bước chân liu riu của tôi buồn bã dẫm lên những chiếc lá khô, úp mặt  trên thảm cỏ, vội vã kêu lên những tiếng nấc ngỡ ngàng. Tôi đọc lại lá thư nhiều lần, thuộc lòng những gì anh viết. Sau đó tôi xé lá thư thành từng mảnh vụn, mặc gió cuốn đi lăn tăn trên nền cỏ nhung xanh mà mượt.

Mấy tuần sau, vào một tối thứ bảy, tôi đến nhà một người bạn, Thúy, lúc còn đi học chúng tôi vẫn thường gọi nó là quỷ trời. Tối hôm đó bố mẹ Thúy đi đám cưới, thế là nàng được dịp làm quỷ thật. Thúy mở “bùm” và rủ tôi đến phụ nó. Chu choa ơi! Đủ hạng. Sĩ, công, thương nhưng lại thiếu nông. Hình như đất trời đã sắp đặt, trớ trêu thay, trong dịp này tôi quen Huân, người hùng của binh chủng dù. Tôi gặp Huân khi Huân vừa trở về từ một chiến trường xa. Huân rất quý tôi, thương tôi và chìu chuộng tôi như anh vậy. Chàng đẹp trai, dễ thương lại yêu tôi say đắm ngay phút đầu gặp tôi. Và tôi cũng đáp lại tình yêu của chàng. Thế là hình ảnh anh lùi dần, lùi dần sau lưng nếp sống mới của tôi với những cuộc vui không chấm dứt mà Huân mang lại cho tôi. Sáu tháng sau tôi lấy Huân. Còn anh lại đổi về một tiền đồn đèo heo hút gió ở Kontum. Thiệp cưới có gửi đến cho anh. Đám cưới tôi anh không về, nhưng tôi có nhận được tấm thiếp chúc mừng do chính tay anh viết. Nhìn những dòng chữ của anh, lòng tôi lại bồi hồi xúc động, nhớ những cánh hoa Pensée ngày cũ, nhớ lại đêm cuối cùng chia tay lòng tôi rưng rưng muốn khóc. Thế là hết. Thế là đoạn tuyệt. Một chuyện tình đã kết thúc ngay cái đêm chia tay sau khi tôi đã quyết định trở về Sài Gòn sớm. Tôi đã quyết định về đời tôi, để cho anh làm tròn bổn phận.

Như tôi đã nói, chồng tôi cũng là dân nhà binh như anh. Tháng năm mưa nắng theo chàng về những vùng xa xôi miền Tây còn anh thì đèo heo tận những miền cao nguyên đất đỏ. Anh có vợ và tôi có chồng. Mỗi người một cuộc đời. Mỗi người một bổn phận. Xin giã từ những ngày tháng cũ . Xin giã từ những đoá Pensée mà tôi đã ép mãi trong lòng. Tình yêu. Nụ hôn. Những cánh Pensée. Tất cả đã trở thành một huyền thoại. Huyền thoại chôn kín trong lòng anh, trong lòng tôi. Ngày tháng trôi qua và thời cuộc đổi thay. Chồng tôi phải đi học tập. Tôi không còn theo đuổi nghề dạy học ngày xưa mà phải xoay sở qua nhiều nghề khác để sinh sống. Lúc theo bạn bè đi buôn gạo, lúc lại đi buôn xăng. Mấy năm trở lại đây, hàng ngày tôi  đi bỏ thuốc tây dạo khắp nơi, lúc chợ này lúc chợ kia, để kiếm tiền nuôi hai đứa con còn dại khờ, một bà mẹ chồng già yếu và một ông chồng nằm trong tù cải tạo. Chuyện giữa anh và tôi kể như đã chìm sâu trong đáy mộ lòng, tôi nào để ý đến cho đến sáng hôm nay khi gặp lại con anh, bé Hân-Thảo, nay đã lớn.

Ngày hôm sau. Sau khi đến một số nơi để bỏ thuốc  tôi trở ra chợ. Lúc đó cũng khá trưa, tôi thấy Thảo đứng tần ngần với rổ hành, tỏi, xả, ớt đã vơi. Tôi bước đến. Con bé nhìn tôi mừng rỡ. Trông thấy nó tôi đã muốn đưa tay vuốt ve đôi má và ôm nó vào lòng. Nhưng, hình như có một lối chắn vô hình đã cản ngăn tôi làm điều đó. Tôi do dự với một niềm băn khoăn trong lòng. Thảo đưa những ngón tay ngòi bút, thuôn mượt trộn đống ớt và bó lại mấy tép xả:

– Cô còn hành, tỏi ở nhà không cô ?

Tôi gật đầu:

– Còn một chút. Nhưng không sao con gói cho cô mỗi thứ một ít nhé.

Nhìn gương mặt xanh xao của Thảo lòng tôi xốn xang nhớ đến anh. Tôi gợi chuyện hỏi thăm về anh. Thảo cho biết là nó muốn đi thăm ba nó lắm nhưng không biết đường đi.

– Trại giam ba con ở đâu?

– Con không biết ở đâu nữa. Cái tên lạ lắm. Con có địa chỉ nè.

Thảo đưa tay lần mò trong túi áo tìm mảnh giấy ghi địa chỉ trại giam anh. Đưa tay nắn nắn hai túi áo mà vẫn không thấy:

– Chắc con để ở nhà rồi. Lúc trước ba con bị giam ở trại khác.

– Mai đem cho cô xem có phải cùng trại giam của chồng cô không.

– Ủa. Chồng cô cũng bị hả?

Tôi gật đầu. Suốt đoạn đường về tôi triền miên đối thoại với lòng mình. Tôi phải làm gì đây khi biết Thảo là con của anh. Tôi thích chăm sóc những vết thương đau, làm lành những nứt rạn, xoa dịu những tâm hồn rách rưới, giúp đỡ những kẻ khốn cùng. Tôi thích để bàn tay nhỏ nhoi của mình được góp phần vào việc giúp đời dưới hình thức này hay hình thức khác. Lẽ nào tôi lại làm ngơ trước hoàn cảnh của anh. Tôi cần phải làm một cái gì để giúp Thảo, giúp cha con anh gặp nhau. Từ khi lấy chồng, tôi đã đoạn lìa ngày tháng cũ. Tôi đã hứa với lòng là sẽ không bao giờ tìm cách khơi lại ký ức xưa dù dưới bất cứ mãnh lực nào. Tôi muốn làm tròn vai trò một người vợ, một người mẹ. Dù hình bóng của anh vẫn còn nằm yên trong một hốc ngăn của lòng. Dù biết qua bao năm tháng, hình ảnh đã tàn phai nhưng tôi không muốn vất đi và cũng không muốn mở hốc ngăn  để nhìn lại những hình ảnh cũ. Giúp Thảo đi gặp cha nó tức là tôi đã gián tiếp khơi động bóng hình xa xưa đã mù khơi trong ký ức. Sự xung đột trong ý nghĩ vẫn tiếp tục oằn oại trong tôi suốt buổi chiều, tiếp nối trong những ngày kế tiếp.

Sáng hôm sau tôi gặp lại Thảo. Nó đưa cho tôi địa chỉ nơi anh bị giam. Đúng là địa chỉ mà chồng tôi đã từng bị giam trước đây. Tôi lật qua lật lại mảnh giấy đọc thật kỹ. Một mặt của mảnh giấy ghi tên họ và các chi tiết khác của anh. Một mặt ghi địa chỉ nơi anh đang bị giam và có thể trong đó cũng có một số người đồng cảnh ngộ.

– Con có đi thăm ba con ở trại giam trước không?

Thảo buồn rầu nhìn tôi lắc đầu. Tôi do dự một lúc rồi đưa mảnh giấy lại cho Thảo và hẹn ngày giờ để đưa nó đi thăm anh. Gương mặt Thảo lộ vẻ vui mừng rõ rệt. Tràng hành tỏi trên tay nó dường như chông chênh sắp đổ vì cơn vui đến bất chợt.

Phải qua bao nhiêu tuyến đường, gian nan lắm chúng tôi mới đến được cổng chính của trại giam. Lúc đó trời đã quá trưa. Từ cổng chính vào đến trại giam cũng còn khá xa. Tôi bảo Thảo dở cơm ra ăn và nghỉ mệt trước khi đi vào trong. Tôi dẫn nó đến ngồi dưới một gốc cây. Ăn cơm xong, tôi đưa Thảo đến cổng vào, nài nỉ viên chức gác cổng để con bé đi vào trại một mình trong khi tôi đứng ngoài chờ đợi. Bóng dáng gầy gò, bé nhỏ của Thảo với túi thức ăn cùng những đồ dùng cần thiết mà tôi đã tỉ mỉ mua sắm, càng lúc càng xa dần trên con đường đất sỏi gồ ghề rồi mất hẳn sau hàng cây khuynh diệp. Lúc Thảo trở ra, trời đã gần chiều. Thấy tôi, nó ôm chầm lấy mừng rỡ làm tôi nhớ lại những ngày tôi đùa giỡn với nó trong kỳ hè ở Đà Lạt. Thấy nước mắt nó vẫn còn lưng tròng sau cuộc tương phùng với cha nó, tôi ôm nó vào lòng, dịu dàng an ủi. Thảo kể cho tôi nghe về câu chuyện hàn huyên giữa nó và anh, rồi hỏi tôi:

– Con kể cho ba con nghe về cô. Cô tốt lắm cô dẫn con đi thăm ba. Ba hỏi cô tên gì. Con nói cô tên Tân. Đúng không cô ?

Tôi gật đầu cho qua chuyện. Từ khi trở thành vợ của Huân, tôi đã chôn vùi cái tên thời con gái của tôi trong nấm mộ lòng. Tôi không còn muốn ai nhắc đến tên Hân ngày xưa nữa. Con bé đã nhớ nhầm từ Huân ra Tân. Như vậy lại càng tốt cho tôi hơn. Nếu nó nhớ đúng tên chồng tôi thì anh có thể suy ra được thì cũng hơi phiền.

Khi tôi về đến nhà thì cũng đã gần mười một giờ đêm. Tôi mệt đừ. Hạnh, đứa con gái đầu lòng của tôi, mười tuổi, chạy ra mừng rỡ:

– Sao mẹ về muộn vậy. Con với bà nội lo quá. Bà bệnh mẹ à.

Tôi đi vội vào nhà. Giọng của cụ thều thào:

– Vợ Huân về đấy à.

Tôi đến bên giường của cụ:

– Mẹ bị sao vậy?

– Thấy mưa to quá mẹ hứng nước rồi chà cái sàn bếp đấy.

– Trời ơi! Khổ chưa.  Cứ để cho con lo. Mẹ làm gì cho khổ. Già cả bệnh tật tội lắm.

Quay qua Hạnh:

– Con đun một tí nước sôi cho mẹ làm trà giải cảm cho bà.

Tôi lấy lọ dầu cù là đánh gió cho cụ.

– Sao con bé, nó có gặp bố nó không?

– Xong xuôi hết mẹ à.

Bà cụ ngắt lời:

– Con làm được cái việc như vậy phúc đức lắm. Thế ông ấy có quen biết với mình không?

– Không. Con không vào. Con đứng chờ ngoài cổng chính. Chỉ có con bé nó vào thôi.

– Sao con không vào trong xem có ai quen không?

Tôi lắc đầu:

– Phức tạp lắm mẹ à. Người quen đâu chả biết nhưng nếu ai đâu thấy được rồi lại đến tai anh Huân, anh lại buồn. Tội anh. Vả lại, mình có phải bà con gì với họ đâu. Ai cho mình vào. Thời buổi này càng quen ít càng tốt.

Mẹ chồng tôi quờ quạng cánh tay gầy guộc tìm kiếm bàn tay tôi:

– Ừ con nói phải đấy.

Hạnh đến bên tôi:

– Nước sôi rồi mẹ ạ.

Tôi kéo áo của mẹ chồng tôi xuống, đỡ cụ nằm đàng hoàng rồi lấy cái chăn đắp ngang ngực bà:

– Con xuống làm trà.

Tôi giã một củ gừng nhỏ, rửa ít vỏ quít khô thái mỏng, cho chút trà xanh và đường rồi chế nước sôi vào đậy lại. Hạnh xới bát cơm đưa cho tôi:

– Mẹ ăn cơm đi mẹ.

Đỡ bát cơm trên tay con tôi ôm Hạnh vào lòng:

– Em ngủ rồi hả con?

– Dạ.

Nhìn đôi mắt buồn ngủ của Hạnh tôi nói:

– Con đi ngủ đi rồi mai còn đi học.

Hạnh dạ rồi leo lên chiếc giường kê song song với giường của mẹ chồng tôi nằm xuống, bên cạnh Huyền. Chỉ vài phút sau, tôi nghe tiếng ngáy đều đều của Hạnh. Tôi đưa tay vuốt má Huyền, đứa con gái út của tôi, rồi kéo chiếc chăn đắp cho hai đứa.

Sau khi cho mẹ chồng tôi uống trà giải cảm xong tôi đi tắm. Nước mát làm tôi cảm thấy dễ chịu ra. Sau hai ngày đường ròng rã tôi cảm thấy toàn thân rã rời. Khi đặt lưng xuống giường, chẳng mấy chốc tôi rơi vào giấc ngủ say sưa không chiêm bao mộng mị.

Sau lần đưa Thảo đi thăm anh, tôi đổi qua chợ khác từ việc đi bán thuốc lòng vòng cho đến việc chợ búa. Giúp những người cần nên giúp là một chuyện đáng và nên làm. Với anh và con anh tôi đã làm tròn việc tôi muốn làm. Giờ tôi không còn muốn làng nhàng, vướng víu thêm gì nữa, vì tôi không muốn lòng vướng bận với những chuyện đã qua. Bẵng đi một thời gian chắc cũng phải hơn một năm tôi không gặp Thảo. Một ngày nọ tôi trở lại ngôi chợ cũ, lúc tôi từ trong một tiệm nữ trang đi ra, Thảo từ đâu chạy đến nắm tay tôi. Giật mình, tôi tưởng ai định giật cái ví tiền. Vì buôn bán khó khăn, nên thỉnh thoảng tôi cứ phải dùng đến mớ nữ trang mà tôi đã dành dụm từ ngày cưới, đem ra bán dần để phụ vào cuộc sống. Thảo mừng rỡ ôm chầm lấy tôi:

– Cả năm nay con không thấy cô. Con kiếm cô lòng vòng hoài mà không gặp.

Tôi xúc động vì sự chân thành của nó:

– Lúc cô đi chợ này, lúc cô đi chợ khác. Tiện đâu đi đó. Sao con khoẻ không? Hôm nay con không đi bán hả ?

Thảo tươi cười nét mặt, trông có da có thịt hơn lần tôi gặp nó.

– Ba con được thả rồi. Ba không cho con đi bán nữa.

– Vậy sao ?

– Bây giờ ba con đi đạp xích lô. Mà ba con đang lo giấy tờ đi Mỹ, theo diện HO.

Tôi gật đầu, cố kìm nỗi xúc động đang dâng lên trong lòng:

– Cô mừng cho con.

Thảo ngập ngừng:

– Cô đẹp và dễ thương quá. Con muốn tới thăm cô. Con vẫn nhớ cô.

Ánh nắng chói loà chiếu xuống chiếc nón lá méo mó trên đầu Thảo. Tôi nhớ lại gương mặt lém lỉnh ngày còn bé của nó khi tôi đi Đà Lạt thăm anh. Tôi muốn ôm nó vào lòng và cho biết tôi là ai nhưng vẫn không làm được. Cơn xúc động vọng lên trong lòng tôi. Tôi đặt tay lên vai nó:

– Cô biết… nhưng cô bận rộn lắm, buôn bán tảo tần, nay đây mai đó. Gặp con ở đây là cô vui rồi.

– Ba con cám ơn cô nhiều lắm và … cũng muốn đến thăm cô.

Câu chuyện ngày xưa với anh đã được tôi xếp gọn vào một hóc ngăn của lòng. Màu xanh của núi đồi trùng điệp đã lui dần sau cuộc đời trần trụi nhuốm bụi thời gian. Tôi đã rã rời gần như đuối sức. Tôi không còn muốn đưa tay mở hốc ngăn để kiếm tìm những gì mình đã cất giữ trong đó. Bụi thời gian đã bám chặt mép ngăn giữ lằn ranh phân chia hai vùng đất cấm. Mình gặp nhau để làm gì. Khơi màu kỷ niệm cũng chỉ nhen nhúm lại những vết thương lòng ngày cũ. Thôi cứ để bụi đời phủ lấp hốc ngăn cho đến lúc không còn mở được. Tôi nắm bàn tay của Thảo:

– Cám ơn con và ba con nhiều. Nhà cô ở xa lắm. Dù chưa gặp ba con và biết gia đình con bao giờ, cô cũng xin gửi lời thăm đến tất cả mọi người. Chúc con và gia đình được nhiều may mắn trong cuộc đời định cư nơi đất Mỹ.

Thảo mở tròn đôi mắt:

– Sao lúc trước cô nói cô biết bà nội con mà ?

Tôi mỉm cười và bóp bàn tay non mềm mại của Thảo:

– Cô nhầm với người khác… Cô xin lỗi Thảo.

Tôi thở ra nhẹ nhõm. Ngày xưa, nếu không cứng rắn tôi đã phá vỡ hạnh phúc của anh rồi. Còn bây giờ nếu không đầy đủ lý trí và nghị lực tôi sẽ tự làm đổ vỡ hạnh phúc của chính tôi. Các con tôi đang chờ tôi. Mẹ chồng tôi đang cần tôi. Chồng tôi đang đợi tôi. Bằng mọi cách tôi phải đoạn tuyệt hẳn với bất cứ những gì liên hệ đến dĩ vãng xa xưa để đi nốt quãng đường tôi đã dọn sẵn. Tôi mỉm cười hài lòng với lối xử xự của mình.

– Con không còn đi bán nữa mà … cô cũng ít đi về chợ này ..

Nói đến đây, nước mắt tôi chực tuôn ra nếu tôi không ngăn nó kịp thời. Nhiều năm trôi qua. Bao nhiêu trôi nổi tôi đã đương đầu vẫn chưa giúp tôi cứng rắn hơn ra. Thuở ấu thơ. Thời thiếu nữ. Đời người đàn bà. Bao nhiêu chặng đường tôi đã trải qua. Tôi đã quá quen với những xúc động, những đau buồn, những cô đơn, những quay quắt. Hàng cây dưới nắng trưa bỗng trở mình để những chiếc lá lìa chia, tung mình lơ lửng bay trong một khoảng không. Dù đã quen với nhiều trạng huống khác nhau, thế mà lòng tôi vẫn còn mềm, vẫn còn dễ bị xúc động dù tôi đã cố gắng tập dửng dưng trước mọi hoàn cảnh để trở nên cứng rắn hơn. Thảo và tôi, cả hai cùng chần chờ, cố níu kéo thêm đôi ba phút với nhau làm tôi nhớ lại cái đêm cuối cùng,  phút chia tay với anh. Thảo đứng sát vào tôi, nài nỉ:

– Con muốn đến thăm cô lắm… Con không ở lại lâu.

Tôi đưa tay vuốt má Thảo:

– Cô biết… nhưng cô không làm sao hơn được…Con đi Mỹ vui.

Tôi ngập ngừng nói tiếp:

– Lúc nào cô cũng nhớ và thương Thảo.

Tôi ôm Thảo vào lòng, hôn lên má nó như ngày nào anh đã ôm và hôn tôi. Thế là chúng tôi chia tay. Nhìn bóng dáng gầy guộc của Thảo với chiếc nón lá méo mó trên đầu càng lúc càng xa, khuất dần trong đám đông giữa người mua kẻ bán, tôi cảm thấy một nỗi buồn quay quắt trong tôi. Tôi cố trấn tĩnh, rảo bước đi vào chợ sắm sửa những thứ cần thiết cho chồng tôi vì tôi đã hoạch định, sáng mai tôi sẽ đi thăm anh.

Lúc đi ngang hàng hoa, tiếng mời mọc của chị bán hàng khiến tôi dừng chân lại. Tôi ngẩn ngơ trước những bông hoa đủ màu sắc:

– Hoa Đà Lạt mới về đấy cô. Lay ơn. Pensée đủ cả. Cô mua mở hàng giùm em đi cộ

Nhìn những cánh Pensée tươi thắm, lòng tôi nhuốm đau dù tâm tư tôi không muốn lang thang vạch tìm trong ký ức những kỷ niệm điêu tàn. Một dấu vết là một di tích xoi mòn. Một hình ảnh là một kỷ niệm đời. Một tiếng vang là một điệu ngân cắt quãng. Tôi mỉm cười bước đi. Xa xa là hàng phượng với những nụ non đầu mùa. Bên trên vùng trời xám lãng đãng những áng mây xanh xao tìm bến lạ. Đằng sau hàng cây, nắng đã nhạt màu.

Hoàng Huy Giang

Bình luận về bài viết này

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.