Nhìn Lại Vụ Án Nhân Văn – Giai Phẩm Cách Đây 40 năm

Tờ Nhân Văn số 1 và bài phỏng vấn luật sư Nguyễn Mạnh Tường về dân chủ (Ảnh : DR)

Đứng ở góc độ nghiên cứu văn học, nhiều lúc tôi cứ tự hỏi, cái gì là nguyên nhân sâu xa, cái cốt lõi, cái mạch ngầm, nó đã gây nên một vụ án văn học, có thể nói là kinh thiên động địa, là chưa bao giờ xảy ra trong lịch sử Việt Nam với tầm vóc quy mô như thế. Từ một trào lưu văn học, trở thành một vụ án văn học, rồi đẩy thành một vụ án chính trị. Tiếp theo là bắt bớ, tù đầy, và hàng loạt văn nghệ sĩ phải đi cải tạo lao động ở các nhà máy hoặc ở nông thôn trong nhiều năm trời. Sau nữa là sự quản thúc, sự cấm đoán sáng tác kéo dài hàng vài chục năm. Đến khi được cởi trói cho văn nghệ sĩ (*) thì nhiều người đã đầu bạc, da nhăn nheo; người thì bại liệt; người tâm thần; có người chết trước khi được cởi trói.

Có phải là vấn đề đấu tranh tư tưởng, đấu tranh giai cấp theo học thuyết Mác-Lênin được đem thực hiện trong địa hạt sáng tác?

Nhìn hiện tượng, thì thế giới phe xã hội chủ nghĩa bấy giờ có vụ Ba Lan, vụ Hung-gia-ri, ở Liên Xô có đại hội Đảng lần thứ 20 chống sùng bái Xít-ta-lin. Trong nước thì sai lầm cải cách ruộng đất. Hồ Chủ tịch phải thay mặt Đảng và Chính phủ xin lỗi nhân dân. Cả nước đang sửa sai. Các nhà lãnh đạo Việt Nam lo ngại, thấy văn nghệ sĩ đòi sinh hoạt dân chủ và tự do sáng tác, liền giơ cao cây gậy chuyên chính. Diễn biến phải kể từ tập Giai phẩm mùa xuân do nhà xuất bản Minh Đức ấn hành tháng 1-1956, rồi đến lớp học 18 ngày do Hội Văn nghệ Việt Nam tổ chức vào tháng 8-1956 nghiên cứu tài liệu Trung ương về sự đổi mới của Liên Xô chống sùng bái cá nhân. Ở lớp học này văn nghệ sĩ đã lên tiếng phê phán sự lãnh đạo khắc nghiệt và đòi tự do sáng tác. Sau đó có báo Nhân Văn, báo Trăm Hoa, rồi tạp chí Giai Phẩm Mùa Thu, Giai Phẩm Mùa Đông. Rồi các báo và tạp chí trên bị đóng cửa. Rồi khóa học tập nghiên cứu cho 304 văn nghệ sĩ được mở ở Thái Hà Ầp năm 1958. Chia nhóm, chia tổ, kiểm thảo, phê bình, đấu tranh tư tưởng định rõ địch ta. Rồi là tù đày và lao động cải tạo như nhiều người đã biết, nhiều người còn nhớ.

Thời gian đã lùi xa đến 40 năm rồi. Thời gian đã giúp ta bình tĩnh để nhìn nhận lại nhiều sự việc. Phải thừa nhận rằng, anh em Nhân Văn – Giai Phẩm đều là những người có tài đang độ phát tiết tinh hoa. Những người chỉ đạo việc kiểm thảo hành hạ anh em là những người tài năng đã cạn kiệt hoặc tài năng chỉ ở dạng trung bình. Cái đuôi chuột dù dấu kín đến mấy rồi vẫn thòi ra. Trong cái bề bộn rối rắm của sự việc, chân lý lại thường ở dạng rất đơn giản. Tôi đã thấy được cái đuôi chuột thò ra ở sự cấm đoán sáng tác nghiệt ngã đối với anh em Nhân Văn – Giai Phẩm kéo dài quá đáng. Những 30 năm! Nhờ vậy mà tôi nhìn ra cái mạch ngầm, cái cốt lõi, cái nguyên nhân sâu xa, là sự đố kỵ tài năng, được phủ đậy lên bằng tấm màn đấu tranh tư tưởng, đấu tranh giai cấp. Tào Tháo muốn giết Lưu Bị, bởi biết Bị là kẻ anh hùng. Ông Tố Hữu lãnh đạo văn nghệ thời đó, hẳn phải biết tài thơ của các ông Hữu Loan, Quang Dũng, Hoàng Cầm, Trần Dần, Văn Cao, Lê Đạt, Phùng Quán …vv… Nếu họ tồn tại, thì thơ ông khó mà được suy tôn như người ta đã suy tôn. Vậy tốt hơn hết là triệt đi, không cho họ viết báo, in sách nữa.

Mà quả vậy, khi Nhân Văn – Giai Phẩm bị đánh tan tác, thì một thời gian dài, học sinh chỉ được học thơ Tố Hữu. Những đề thi lên lớp, thi chuyển cấp, hoặc thi vào đại học, về môn văn, không trật được thơ Tố Hữu. Các nhà xuất bản thi nhau tái bản thơ Tố Hữu, coi là một tiêu chuẩn để tỏ rõ lập trường. Các báo chí, những ngày kỷ niệm lớn, trên trang nhất, đều đặt hàng thơ Tố Hữu. Những nhà nghiên cứu phê bình không nói đến Tố Hữu bị coi là có vấn đề. Chính tôi hồi còn làm biên tập nhà xuất bản Thanh Niên (khoảng 1957), ông tổng biên tập đọc một bản thảo đưa in đã hỏi: ” Sao thằng này không nói đến thơ Tố Hữu nhỉ? Không dùng!” Ngàn ngàn những buổi nói chuyện thơ Tố Hữu được tổ chức khắp mọi nơi. Các nhà lý luận phê bình có hạng khen thơ Tố Hữu hết lời. Tuyệt không một ai dám nói đến chỗ thiếu sót, cái bất cập trong thơ Tố Hữu. Người ta cố tạo một ấn tượng: Tố Hữu là thần tượng của thi ca Việt Nam. Không thiếu những thanh thiếu niên chỉ biết Tố Hữu là nhà thơ duy nhất Việt Nam, và hay nhất Việt Nam.

Lịch sử vốn có sự công bằng. Hay nói cách khác, trong văn chương cũng có nguyên lý Archimède, vật thể nặng đến đâu thì chìm đến đấy. Khi anh em Nhân Văn – Giai Phẩm được cởi trói, trở lại văn đàn, thì thơ Tố Hữu vắng vẻ hẳn đi. Báo chí đăng lại những bài Đèo Cả, Màu tím hoa sim của Hữu Loan, bài Tây tiến, Mắt người Sơn Tây của Quang Dũng, bài Bên kia sông Đuống và Mưa Thuận Thành của Hoàng Cầm…vv… Độc giả bấy giờ mới vỡ ra, ta có những bài thơ rất giá trị mà lâu nay không được biết.

Sự tôn sùng quá đáng đã gây những phản tác dụng. Chưa có một nhà thơ Việt Nam nào mà thơ được quần chúng nhại lại như thơ Tố Hữu. Xin đơn cử vài bài:

  1. Bài Bầm ơi:Bầm ơi rét cũng mặc bầm?

    Von-ga con cưỡi, gà hầm con xơi.

    Con đi sướng thế bầm ơi,

    Mặc cho bầm ở nhà ngồi nhá khoai!

Bài 50 Năm Tuổi Đảng và Thơ:

Năm mươi năm tuổi Đảng và thơ,

Từ ấy thơ “dui” đến tận giờ.

Tóc mặn muối tiêu thơ nước ốc,

Thương con tằm bện nhện nhường tơ.

Thuyền rò vượt sóng thuyền ngoi ngóp,

Mộng lớn thăng quan hết ngóng chờ.

Mới nửa đường quan cầu đã gãy,

Áo quan muốn mặc chớ đòi thơ.

Bài Một Tiếng Đờn:

Nắng hè sao đã vội hoàng hôn

Tươi thế mà sao lệ bỗng tuôn

Mới hay nhân quả là như vậy

Vui lắm thì ra cũng lắm buồn.

Danh lợi đua chen được mấy ngày

Phù vân một thoáng gió xua bay

Thủy chung không dễ, đâu bè bạn

Êm ấm hồn sao được phút giây.

Đúng vậy, còn gì đau khổ hơn

Đời chuyên khơi dậy nỗi oán hờn

Còn đây một chút trong cô lạnh

Mới thấm nhân văn một tiếng đờn.

Chân dung Tố Hữu được nhà thơ Xuân Sách khắc họa bằng mấy câu thần tình:

“Từ ấy” trong tim ngừng tiếng hát

Trông về “Việt Bắc” tít mù mây

Nhà càng “lộng gió” thơ càng nhạt

“Máu” ở chiến trường “hoa” ở đây.

Vân vân… và…. vân vân…

Nhà thơ Hữu Loan về quê làm ruộng, thồ miá, thồ đá nung vôi, sau 30 năm mới trở ra Hà Nội đã thành một ông già râu tóc bạc trắng. Hỏi ông đánh giá về thơ Tố Hữu? Ông suy nghĩ một lát, rồi trả lời: “Một nhà thơ trung bình”.

Tôi cho đánh giá của nhà thơ Hữu Loan là đúng mực.

Vì đã là một thần tượng thi ca, thì ngoài nội dung tư tưởng, còn phải có đóng góp về phương thức biểu cảm. Thơ Tố Hữu được phần nội dung tư tưởng cách mạng, nhưng phần hình thức biểu hiện không có đóng góp mới. Ông sử dụng những hình thức biểu hiện sẵn có như thể lục bát, hoặc thất ngôn trường thiên và ngũ ngôn trường thiên của thể cổ phong. Mà lục bát thì ông không thể hơn được Nguyễn Du, cũng chưa hơn được Nguyễn Bính. Các cách thức biểu hiện khác (gọi là thể tự do), thì đã có cả trong phong trào thơ mới giai đoạn 1930 -1945. Họ (những nhà thơ lãng mạn) là những người đóng góp, chứ ông (Tố Hữu) là người lặp lại.

Câu thơ của Phạm Huy Thông:

Sở bá vương ngồi yên trên mình ngựa

Đưa mắt buồn lặng ngắm chân trời xa

Trong sương thu nhẹ đượm ánh dương tà

Quân Lưu Bang đang tưng bừng hạ trại.

(Tiếng địch sông Ô – 1935)

Ấm cuối câu thứ nhất Phạm Huy Thông gieo vần trắc, gợi hình một võ tướng gắn chặt với chiến mã, con chiến mã bám chắc xuống mặt đất, giống như một khối tượng.

Ấm cuối câu 2 và câu 3 gieo vần bằng, làm câu thơ thoát ra, ngân dài, như không gian bát ngát bao la trước mặt Hạng Võ.

Ấm cuối câu thứ 4 hai vần trắc liền nhau (hạ trại), nghe như thấy tiếng đóng cọc dựng lều của quân sĩ Lưu Bang đang bao vây Hạng Võ ở vùng Cai Hạ, dẫn đến tiêu diệt đối thủ dũng mãnh này.

Câu thơ của Tố Hữu:

Mã Chiêm Sơn buông cương và ngẫm nghĩ

Ngựa rung đầu hý mạnh giữa tàn quân

Đồi non xa thấp thoáng đỉnh non gần

Đã khuất phục dưới lá cờ binh Nhật.

(Mã Chiêm Sơn – in trong tập Từ Ầy xuất bản năm 1946)

Ấm cuối của câu 1 và câu 4, Tố Hữu cũng gieo vần trắc; âm cuối câu 2 và câu 3 cũng gieo vần bằng, y hệt Phạm Huy Thông. Nhưng câu thơ của Phạm Huy Thông ăn nhập chặt chẽ giữa nội dung và hình thức biết bao! Một thành công trong nghệ thuật biểu cảm của lối thơ 8 âm tiết được sáng tạo trong phong trào thơ mới. Còn hình tượng Mã Chiêm Sơn của Tố Hữu chỉ là một phiên bản vụng về. Ngay câu đầu, hai từ “buông cương” và “ngẫm nghĩ” làm cấu trúc câu thơ lỏng lẻo hẳn đi, rã rời hình ảnh một chiến tướng, đâu còn có thể “đánh tan xương quân Nhật một sư đoàn”. Bạn hãy đọc to lên, ngâm lên nữa càng hay, sẽ nhận ra rất rõ sự hơn kém về tứ về âm của cả khổ thơ, của từng câu thơ, của từng lời thơ.

Các nhà phê bình thường lớn tiếng khen ngợi cái nhạc điệu vui vẻ, lách chách của chú bé liên lạc Lượm như một sáng tạo nhạc điệu trong thơ Tố Hữu:

Chú bé loắt choắt

Cái xắc xinh xinh

Cái chân thoăn thoắt

Cái đầu nghênh nghênh

Ca-lô đội lệch

Mồm huýt sáo vang

Như con chim chích

Nhảy trên đường vàng…

(Lượm – 1949)

Cũng nên biết trước đó, thơ mới đã miêu tả đối tượng bằng nhạc điệu, như bài “Sương rơi” của Nguyễn Vỹ có trước bài “Lượm” gần 15 năm.

Rơi sương

Cành dương

Liễu ngả

Gió mưa

Tơi tả

Từng giọt

Thánh thót

Từng giọt

Tơi bời

Mưa rơi

Gió rơi

Lá rơi

Em ơi!…

(Sương rơi – 1935)

Hơn nữa, thơ Tố Hữu có khá nhiều hạt sạn. Lấy như bài “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên” (1954), ông viết:

Chúng bay chỉ một đường ra

Một là tử địa, hai là tù binh.

Có lời bình rằng:

Đã một mà lại hóa hai

Một hai, hai một, khổ tai bực mình.

Trong bài “Ta đi tới” (1954), ông cũng viết:

Đường ta rộng thênh thang tám thước

Nghe buồn cười. Thênh thang mà lại có 8 thước. Vả lại thơ không nên bám sát lấy con số thực quá. Thơ cần khái quát bản chất để có thể bốc lên, bay lên. Vì câu thơ trên, nên thành một giai thoại văn học. Giai thoại kể rằng, nhà thơ Trần Đăng Khoa hồi còn là một chú thiếu nhi đã xin phép bác Tố Hữu cho cháu được chữa:

Đường ta rộng thênh thang ta bước

Như thế câu thơ mới thơ hơn.

Thơ Tố Hữu có nhiều câu sáo ngữ. Khi nghe tin Xít-ta-lin mất, Tố Hữu viết:

Thương cha thương mẹ thương chồng

Thường mình thương một thương ông thương mười.

(Đời đời nhớ ông – 1953)

Lại nữa:

Yêu biết mấy, nghe con tập nói

Tiếng đầu lòng con gọi Xít-ta-lin!

(Đời đời nhớ ông – 1953)

Hỡi ôi! con mình dứt ruột đẻ ra, tiếng đầu lòng phải là gọi mẹ, gọi bố, gọi bà, vừa dễ phát âm vừa biết bao tình cảm thiêng liêng huyết thống. Đằng này nó lại gọi tên một con người xa lạ nước ngoài, vả lại rất khó phát âm với con trẻ Việt Nam. Câu thơ chỉ có thể là giả dối, nếu không thì tác giả là người đã để mất linh hồn dân tộc.

Lại câu:

Chân dép lốp mà bay vào vũ trụ

Mới nghe tưởng rất tự hào. Suy nghĩ một chút thì thấy lố. Xét nghĩa đen, vào vũ trụ không đi dép lốp được, phải có một loại giầy đặc biệt. Xét nghĩa bóng, nó giống chuyện một anh ngố, đi nhờ xe người ta lại nghĩ mình cũng oai như người ta.

Thổ lộ tình yêu cũng nguyên tắc, máy móc; lại có phần trịch thượng, ban ơn:

Mà nói vậy: “Trái tim anh đó

Rất chân thật, chia ba phần tươi đỏ:

Anh dành riêng cho Đảng phần nhiều

Phần cho thơ, và phần để em yêu…”

Em xấu hổ: “Thế cũng nhiều anh nhỉ!”

Rồi hai đứa hôn nhau, hai người đồng chí.

(Bài ca Mùa xuân 61)

Nhà thơ Nadim Híchmét, người Thổ-nhỉ-kỳ, cũng là nhà thơ cộng sản, ông nói khác: “Cộng sản có thể chung nhau nhiều thứ. Riêng má người yêu thì không chung được.”

Cô bạn giáo viên dạy văn phổ thông trung học bình phẩm về hai câu thơ cuối đoạn: “Em thì chẳng việc gì phải xấu hổ. Em sẽ nói: “Xin lỗi, tôi không thể yêu ông.” Đến hôn nhau mà cũng còn phân biệt “đồng chí” với “quần chúng”, thì không sao hiểu nổi. Có lẽ môi những người đồng chí được cấu tạo bằng thép, khi chạm nhau chúng kêu coong coong.”

Làm duyên đấy thôi cô ạ! Khối các ông cộng sản hai ba vợ, ngoài ra lại còn bồ bịch hàng đống.

Thơ Tố Hữu được in nhiều trong sách giáo khoa. Các nhà trường đều học. Coi như thơ kinh điển. Bài thơ “Bài ca Tháng Mười” của ông, mở đầu bằng khổ thơ:

Thuở Anh chưa ra đời

Trái đất còn nức nở

Nhân loại chửa thành người

Đêm ngàn năm man rợ

(Bài ca Tháng Mười – 1950)

Từ “Anh” ở đây viết hoa, để chỉ Liên Xô, người anh cả phe Xã hội chủ nghĩa, nơi có cuộc Cách mạng Tháng Mười. Tôi không lấy cái chuyện Liên Xô bây giờ tan rã để bắt bẻ tác giả. Tôi cứ cho Cách mạng Tháng Mười là một sự kiện đáng ca ngợi. Nhưng ca ngợi làm sao cho người ta nghe được, không cho mình là quá lời, là tâng bốc. Lại không được miệt thị dân tộc mình và miệt thị các dân tộc khác. Giữ được tinh thần bình đẳng tỉnh táo của người cầm bút. Xin hỏi tác giả bài thơ: Vậy trước Cách Mạng Tháng Mười, những giá trị nhân bản của nước Nga như Puchkine, Tolstoi, Tchékhov… là chửa thành người ư? là man rợ cả ư? Lại còn những Shakespeare, Byron của Anh; Voltaire, Rousseau của Pháp; Goethe của Đức; Tagore của Ần Độ; Lý Bạch, Đỗ Phủ của Trung Quốc… đều chửa thành người cả ư? đều man rợ cả ư? Rồi những giá trị nhân văn của chúng ta như Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du… cũng chửa thành người ư? cũng man rợ cả ư? Tụng ca như vậy là lối bốc đồng của một thứ kiến thức loại học sinh phổ thông, nếu không muốn nói là sai lầm về phương pháp tư tưởng của cán bộ cách mạng.

Người như vậy mà ở cương vị lãnh đạo tối cao về văn nghệ sẽ không tránh khỏi khi cực tả khi cực hữu, có hại cho phong trào hơn là sự đắp bồi cho phong trào phát triển.

Nghe nói, khi ông Tổng Bí Thư Nguyễn Văn Linh tuyên bố cởi trói cho văn nghệ sĩ, ông Trần Độ tác giả của nghị quyết 05 về văn hóa và văn nghệ, là người đã giúp ông Nguyễn Văn Linh nói được câu cởi trói, có gặp ông Tố Hữu, hỏi ông nghĩ gì về anh em Nhân Văn – Giai Phẩm bây giờ. Ông Tố Hữu, suy nghĩ một lát, với giọng trọ trẹ xứ Huế, trả lời: “À, cái bọn ấy, thì bây giờ tôi rất tiếc, rất tiếc, là ngay lúc đó tôi không diệt hết chúng nó đi”. Hỡi ôi! Một người nghệ sĩ, một nhà thơ, mà suy nghĩ hệt một nhà chính khách độc tài. Ông Tố Hữu đúng là một Lischenko của Việt Nam vậy.

Lischenko của Liên Xô cũ, là một nhà khoa học trung bình, được Trung Ương Đảng Cộng Sản Liên Xô trọng dụng cho phụ trách công tác khoa học, đã dùng quyền lực của mình bắt bớ, trấn áp, tù đày những người trái ý kiến mình, làm chết đi nhiều nhà khoa học tài năng. Ông ta đã có công kéo lùi nền khoa học Xô Viết chậm 50 năm so với thế giới, nhất là về mặt di truyền học. Điều này báo chí Liên Xô đã nói công khai.

Ông Tố Hữu, là một nhà thơ trung bình, được Đảng Cộng Sản Việt Nam trọng dụng cho phụ trách công tác văn nghệ, đã dùng quyền lực cũng trấn áp, tù đày, làm thui chột đi nhiều tài năng văn học. Ông cũng đã kéo lùi nền văn học Việt Nam ít nhất là 30 năm, tính từ 1957 cho đến thời kỳ đổi mới mở cửa 1987. Ông Tố Hữu đã có công tạo ra một nền văn nghệ minh họa, những nhân vật dàn dựng theo khái niệm, những bài thơ cổ vũ cho thời sự, phong trào. Ông đã tạo nên tính hèn nhát cho người cầm bút, biết là bánh vẽ mà vẫn ngồi ăn, tự dối mình và dối người, tự kiểm duyệt tác phẩm đến khô cứng, để rồi chỉ dám thổ lộ nỗi lòng trong nhật ký hoặc di cảo sau khi chết. Hùa theo ông để kiếm lợi có những anh lý luận đồ tể cứ lên gân chụp mũ kết tội, để từ một anh cán bộ thông tin quận 8 (Gia Lâm cũ) nhảy tót lên làm viện phó Viện Văn Học, không có công trình. Cùng hùa theo ông để an phận là những văn nghệ sĩ đã cạn kiệt tài năng lại không muốn ai hơn mình, một số bị ép buộc không thể không nói, và một số người ngộ nhận. Sau này tỉnh ngộ, nhà viết kịch Bửu Tiến trên diễn đàn Đại Hội Nhà Văn lần IV đã công khai lên tiếng xin lỗi anh em Nhân Văn – Giai Phẩm. Nhiều người không nói được công khai đã xin lỗi cá nhân. Nguyễn Hữu Đang được phân nhà, được trả lại lương hưu. Văn Cao được tiêu chuẩn khu A bệnh viện Việt Xô. Hữu Loan được tỉnh ủy Thanh Hóa xây nhà. Hoàng Cầm ốm quá phải nghiện hút trở lại. Phan Khôi chết. Nguyễn Sáng chết. Sĩ Ngọc chết. Chu Ngọc chết. Hoàng Tích Linh chết. Đặng Đình Hưng chết. Phùng Quán chết. Phùng Cung chết… Trần Dần bại liệt chết dần chết mòn, rồi từ giã anh em… Những con người một thời từng là những viên đá lát đường.

Tuy nhiên, văn học vẫn có sự phát triển tự thân, ngoài ý muốn người lãnh đạo. Vẫn có những bài văn, cuốn sách, câu thơ như những vì sao tỏa sáng lấp lánh trên tấm màn đêm đen kịt của sự khắc nghiệt. Nhưng đấy là đề tài của một bài nghiên cứu khác. Ở đây chỉ nói đến những đối thủ thơ của Tố Hữu là các nhà thơ Hữu Loan, Quang Dũng, Hoàng Cầm, Trần Dần…. ngay từ những năm đầu cuộc kháng chiến chống Pháp, đã có những tứ thơ kỳ vĩ, những vần điệu đổi mới đến kinh ngạc.

Tài thơ Hữu Loan, ông thành công cả hai loại thể tài tráng ca và thể tài trữ tình với phương thức biểu cảm khác lạ chưa từng thấy trong thơ Việt Nam.

Tóc râu chùm vai rộng

Không nhận ra người làng

Rau khe

cơm vắt

áo phai màu chiến trường

Ngày thâu vượn hú

Đêm canh gặp hùm lang thang

(Đèo Cả – 1946)

Hoặc:

Gian nguy lòng không nhạt

Căm thù trăm năm xa

Máu thiêng sôi dào dạt

Từ nguồn thiêng ông cha

Cần xây chiến lũy ngất

Đây!

hình hài niên hoa!

(Đèo Cả – 1946)

Đoạn kết bài Đèo Cả giống một bức tranh nổi tiếng của Répine lỗi lạc nước Nga xưa, mô tả những người Dapôrôgiơ nổi lên khởi nghĩa chống Sa hoàng. Những người dân hiền lành chất phác làm sao! nhưng hiên ngang khí phách làm sao! Bức tranh mà nhà thơ Hữu Loan khắc họa cũng là những con người bình dị vừa bỏ tay cày, tay búa, tay bút, làm cuộc kháng chiến thần thánh chống Pháp tái xâm lược (năm 1946), thiếu thốn mà rất vui, rất hào hùng:

Sau những trận đánh

Những người lính Đèo cả

trở về

Người hái cam rừng

ăn nheo mắt

Người vá áo

thiếu kim

mài sắt

Người đập mảnh chai

vểnh cằm cạo râu

Suối mang bóng người

soi những về đâu?

(Đèo Cả – 1946)

Khí phách hào hùng này có thể ví không hổ thẹn với khí phách của cha ông đời Trần chống giặc Nguyên Mông, hào hùng đến kỳ vĩ, còn được ghi lại trong sử sách:

Hoành sóc giang sơn cáp kỷ thu

Tam quân tỳ hổ khí thôn ngưu

(Phạm Ngũ Lão)

(nghĩa: Cầm ngang ngọn giáo giữa giang sơn mấy năm nay,

Khí phách của ba quân như mãnh hổ nuốt sao ngưu)

“Màu tím hoa sim” của Hữu Loan lại tràn đầy tính trữ tình trong nỗi đau xót mất mát của chiến tranh, cũng với phương thức biểu cảm lối bực thang, mà Hữu Loan gọi là thơ “xuống hàng”. Lối này làm người đọc phải đọc chậm, ngắt giọng, nhấn chữ, nó đập mạnh vào trực giác chúng ta (intuitivement), nó làm nổi hình khối lên (en relief).

Nàng có ba người anh

đi bộ đội

Những em nàng

có em chưa biết nói

Tóc nàng xanh xanh.

Tôi

người Vệ quốc quân

xa gia đình

Yêu nàng

như tình yêu em gái.

Ngày hợp hôn

nàng không đòi may áo cưới

Tôi vận đồ quân nhân

đôi giầy đinh

bết bùn đất hành quân

Nàng cười xinh xinh

Bên anh chồng độc đáo

(Màu tím hoa sim – 1949)

Chiến tranh là đau khổ, là tang tóc, tất nhiên. Chỉ có kẻ kiếm chác mới thấy chiến tranh là vui, thấy chiến tranh là đẹp.

Tôi về

không gặp nàng

Má tôi ngồi bên mộ con

đầy bóng tối

Chiếc bình hoa

ngày cưới

thành bình hương

Tàn lạnh vây quanh

tóc nàng xanh xanh

ngắn chưa đầy búi

Em ôi!

Giây phút cuối

Không được nghe nhau nói

Không được trông nhau một lần!

Đúng là những giọt máu của tác giả đã nhỏ lên trang giấy (tác giả mất vợ, mất người yêu trong kháng chiến), khiến cho người đọc, đọc đến đây, cũng không cầm được nước mắt.

Có lần tôi hỏi Hữu Loan:

– Anh nghĩ gì khi viết những câu chữ:

Chiều hoang tím

có chiều hoang biết

Chiều hoang tím

tím màu da diết

Nhìn áo rách vai

tôi hát

trong màu hoa.

Hữu Loan nói:

– Có người đã đổi đầu đề bài thơ của tôi là Đồi Sim Màu Tím. Màu tím như vậy thành cụ thể mất rồi. Vì vợ tôi thích màu tím, màu u tím với tôi lúc này là một ảo giác, một ảo ảnh, tôi hát trong màu hoa ấy, tôi mê, tôi tỉnh, tôi say, tôi phát cuồng, tôi… như thế nào nhỉ, tùy các nhà phê bình nhận xét.

Tôi nói:

– Tác giả đã nhập thần vào câu thơ. Tôi hát trong màu hoa… là một câu thơ trong chữ có quỉ (ngôn trung hữu quỉ). Nó không có thực mà lại rất thực về mặt tâm linh. Đọc lên thấy gai cả người. Và chỉ còn biết đốt hương lên mới cảm nhận hết vẻ sắc lan tỏa và ý nhị của ngôn ngữ nghệ thuật khi chúng được sắp xếp cạnh nhau.

Hữu Loan là một tài thơ. Nếu không dẹp đi, thì thơ tụng ca, thơ tuyên truyền kiểu Tố Hữu không thể lên ngoi được.

Trường hợp Quang Dũng bị đánh cũng hơi lạ. Ông không tham gia bài vở gì với Nhân Văn hay Giai Phẩm. Tính ông hiền lành, hơi nhát nữa. Hồi ấy không biết có báo nào in lại một bài thơ của ông trong kháng chiến, bài:

“Khuya khoắt sông bờ vắng.

Lửa hồng quán tản cư.

Lính mấy chàng vất vả.

Tìm sống một đêm thơ….”

Rồi ông bị quy tội. Rất giống trường hợp Vũ Trọng Phụng. Ông Phụng mất từ lâu rồi, không có quan hệ gì với Nhân Văn – Giai Phẩm. Chỉ vì tác phẩm của ông được nhà xuất bản Minh Đức in lại. Rồi Nhân Văn – Giai Phẩm làm lễ kỷ niệm Vũ Trọng Phụng. Thế là ông bị đánh. Đánh tơi bời. Để rồi sau này lại sửa sai, và bây giờ đặt tên đường phố Vũ Trọng Phụng.

Bài “Tây Tiến” của Quang Dũng đầy chất bi hùng ca, có những câu:

Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc

Quân xanh màu lá dữ oai hùm

Mà vẫn mang cái vẻ sắc mộng mơ lãng mạn của những chàng trai Hà Nội xếp bút nghiên cầm súng lên đường:

Mắt trừng gửi mộng qua biên giới

Đêm mơ Hà Nội dáng Kiều thơm

Lời thơ cùng nhạc thơ Tây Tiến đường bệ, mang khí phách của những tráng sĩ xả thân vì đại nghĩa:

Rải rác biên cương mồ viễn xứ

Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh

Áo bào thay chiếu anh về đất

Sông Mã gầm lên khúc độc hành…

(Tây Tiến -1948)

Thơ trữ tình của Quang Dũng cũng tuyệt vời. Thế hệ chúng tôi, ai chẳng nhớ bài “Mắt người Sơn Tây”:

Em ở thành Sơn chạy giặc về

Tôi từ chinh chiến cũng ra đi

Cách biệt bao ngày quê Bất Bạt

Chiều xanh không thấy bóng Ba Vì.

Những cô gái Sơn Tây “yếm thủng tầy giần” trong ca dao, bỗng trở nên thơ mộng biết bao dưới ngòi bút Quang Dũng:

Vầng trán em mang trời quê hương

Mắt em chứa nỗi buồn Tây phương

Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm

Em đã bao ngày em nhớ thương.

Trong chiến tranh, những mong ước thật bình dị, chỉ có được ở những tâm hồn thuần phác, tràn đầy lòng yêu quí nơi quê cha đất mẹ:

Bao giờ trở lại đồng Bương Cấn

Lên núi Sài Sơn ngó lúa vàng

Sông Đáy chậm nguồn qua Phủ Quốc

Sáo diều khuya khoắt thổi đêm trăng.

(Mắt Người Sơn Tây – 1949)

Nghe nói, sinh viên đại học Huế thời chưa giải phóng, đã in hình nhà thơ Quang Dũng nhỏ xíu lồng trong những trái tim đeo dưới cổ. Họ đánh giá Quang Dũng là một trời thơ.

Quang Dũng là một trời thơ. Quả có vậy. Và đấy cũng là lý do để ông chịu hoạn nạn.

Hoàng Cầm là nhà thơ giàu tính dân gian như Tố Hữu, nhưng tài hoa hơn Tố Hữu. Thuở trẻ ông đã nổi tiếng với những kịch thơ: Hận Nam Quan, Kiều Loan, Lên Đường; và trong kháng chiến chống Pháp thì nổi tiếng với hai bài “Đêm Liên Hoan”:

Đêm liên hoan

Đầu người nhấp nhô như sóng bể ngang tàng…

Nhưng nổi tiếng nhất là bài “Bên kia sông Đuống” (1948):

Em ơi buồn làm chi

Anh đưa em về sông Đuống

Ngày xưa cát trắng phẳng lỳ…

Hầu hết những người đã tham gia kháng chiến ở Việt Bắc, trong cảnh núi thẳm rừng sâu, lòng náo nức hẳn lên khi đọc những vần thơ:

Ai về bên kia sông Đuống

Có nhớ từng khuôn mặt búp sen

Những cô hàng xén răng đen

Cười như mùa thu tỏa nắng.

Nhờ thế mà họ chịu đựng được gian khổ. Sốt rét, thiếu ăn, áo quần rách không kim chỉ, phải lấy dây buộc lại, được tặng biệt hiệu thân yêu là Vệ túm. Có lúc cả đại đội mới có chục viên ký-ninh chống sốt rét vàng khè, đắng hơn mật cá mè, phải pha ra những chai lít nước mỗi người uống một tí, gọi là phòng chống sốt rét (bằng đường tinh thần). Ầy thế mà vẫn vui, vẫn háo hức với những câu thơ:

Bao giờ về bên kia sông Đuống

Anh lại tìm em

Em mặc yếm thắm

Em thắt lụa hồng

Em đi trẩy hội non sông

Cười mê ánh sáng muôn lòng xuân xanh.

Sông Đuống bỗng trở thành một con sông nổi tiếng của đất nước là nhờ bài thơ này. Sông Danube mà cả thế giới trầm trồ vì có bài “Danube xanh”. Sông Volga nổi tiếng là nhờ khúc hát “Kéo thuyền trên sông Volga”. Bến Tầm Dương là cái quái gì trong các bến bờ ở các con sông dọc ngang Trung Quốc, nếu không có Bạch Cư Dị. Sông Tiền Đường cũng chẳng là cái đinh gì, nếu không có Nguyễn Du. Con sông Lô, rồi chẳng còn ai nhớ đến, nếu không có Văn Cao với bản “Trường ca sông Lô”… Thế mới biết vai trò của nghệ sĩ thật đáng quý trọng vậy!

Thời gian rồi sẽ trôi đi. Người ta có thể quên nhiều thứ. Nhưng những tài thơ thì sẽ còn mãi mãi.

Bên kia sông Đuống

Quê hương ta lúa nếp thơm nồng

Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong

Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp.

Tài thơ đã làm Hoàng Cầm vinh quang, và cũng làm Hoàng Cầm tai vạ. Gì thì gì, chứ tôi tin là ở thế kỷ 21, con cháu chúng ta sẽ còn ngâm:

Sông Đuống trôi đi

Một dòng lấp lánh

Nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ.

Trần Dần là một trong ba người sáng lập ra nhóm Dạ Đài sau Cách Mạng Tháng 8 (Trần Dần, Trần Mai Châu, Vũ Hoàng Địch) chủ trương cách tân thi ca. Điều này được nói rõ trong tuyên ngôn của nhóm, đăng trên tạp chí Dạ Đài số 1. (Hiện ông Dương Tường ở số 3 ngõ Phan Huy Chú, Hà Nội còn giữ được bản tuyên ngôn này.)

Giải phóng thủ đô 1954, Trần Dần tiếp tục đổi mới thi ca. Ông làm thơ lối bực thang, người ta bảo chịu ảnh hưởng của Maiakovski Liên Xô cũ. Nhưng theo tôi, từ 1946 bài Đèo Cả của Hữu Loan đã viết theo lối bực thang, hồi ấy chưa ai biết thơ Maiakovski, Hữu Loan gọi là thơ xuống hàng. Vậy là chưa chắc Trần Dần đã chịu ảnh hưởng Maiakovski, mà ảnh hưởng Hữu Loan thì sao. Vả lại không loại trừ trường hợp những ý tưởng lớn thường gặp nhau (Les grandes idées se rencontrent). Điều thấy rất rõ là Trần Dần luôn luôn tìm cách biểu hiện mới, gần cuối đời, bại liệt nằm một chỗ, ông làm thơ mi-ni. (Ông Dương Tường hiện giữ nhiều thơ mi-ni của Trần Dần, hy vọng sẽ được công bố).

Bài “Nhất Định Thắng” in trong tập Giai Phẩm Mùa Xuân 1956, có những câu:

Gặp em trong mưa

Em đi tìm việc

Mỗi ngày đi lại cúi đầu về

– Anh ạ!

họ vẫn bảo chờ…

Tôi không gặng hỏi, nói gì ư?

Trời mưa, trời mưa

Ba tháng rồi

Em đợi

Sống bằng tương lai

Ngày và đêm như lũ trẻ mồ côi

Lũ lượt dắt nhau đi buồn bã

Em đi

trong mưa

cúi đầu

nghiêng vai

Người con gái mới mười chín tuổi

Khổ thân em mưa nắng đi về

lủi thủi

Bóng chúng

đè lên

số phận

từng người

Em cúi đầu đi, mưa rơi

Những ngày ấy bao nhiêu thương xót

Tôi bước đi

không thấy phố

không thấy nhà

Chỉ thấy mưa sa

trên màu cờ đỏ

(Nhất Định Thắng – 1956)

Bài thơ dài gần 400 câu, đoạn kết, được Hoàng Cầm góp ý, để đỡ sái:

Hôm nay

Trời đã thôi mưa thôi gió

Nắng lên đỏ phố đỏ nhà

Đỏ mọi buồng tim lá phổi

Em ơi đếm thử bao nhiêu ngày mưa!

[……………]

Anh bước đi

đã thấy phố thấy nhà

Không thấy mưa sa

Chỉ thấy nắng lên

trên màu cờ đỏ

Ta ở phố Sinh Từ

Em này

Hôm nay

đóng cửa

Cả nhà ra phố mít-tinh

Vung cờ đỏ

hát hò

vỡ phổi

Hỡi những con người

thành phố

thôn quê

Đói no lành rách

Người đang vui

Người sống đang buồn

Tất cả!

Ra đường!

Đi!

hàng đoàn

hàng đoàn

Đòi lấy tương lai

Hòa Bình

Thống Nhất

Độc Lập

Dân Chủ

Đó là tim

là máu đời mình

Là cơm áo!

Là ái tình!

Nhất định thắng!

(Nhất định thắng – 1956)

Rõ ràng là so với phong trào thơ mới 1930 – 1945, hay cả thơ trong kháng chiến chống Pháp, phương thức biểu cảm của anh em Nhân Văn – Giai Phẩm đã khác đi rất nhiều.

Báo Văn (của Hội Văn Nghệ) số 28 ngày 15-11-1957 còn đăng bài “Hãy Đi Mãi” của Trần Dần. Có những đoạn:

Hãy đi mãi!

Dù có phen trót ngã

hãy bó đôi chân lầm lỡ

mà đi.

Hãy tin chắc

rồi ta

xứng đáng

một vòng hoa đỏ nhất

phủ quan tài

Tôi chửa có khi nào quên táo bạo

chửa khi nào quên hát

quên đau.

Tôi yêu đất mẹ đây

có cỏ hoa làm chứng

Tôi yêu chủ nghĩa này

cờ đỏ cãi cho tôi.

Nhưng

chẳng thể rúc kèn cũ rích

vác loa mồm kêu:

“Hiện tại rất thiên đường!”

Đoạn kết của bài “Hãy đi mãi”:

Tôi vẫn nâng chiếc đầu lâu

nặng nề sáng tạo

như

nâng một viễn vọng đài

trên cuộc sống hàng ngày

nhí nhách.

Tôi vẫn cháy

ngọn hải đăng con mắt

ở trong biển sống

từng đêm

Tôi vẫn đóng những câu thơ

như người thợ

đóng tàu

chở khách

đi về phía trước

Nói

loài người –

đã biết sống chung nhau.

Nói

tất cả –

chẳng còn ai bần tiện

chẳng còn lo

cơm áo

nợ nần.

(Hãy Đi Mãi – 1957)

Phùng Quán thì không được liệt vào hàng đối thủ của Tố Hữu. Hồi ấy ông còn rất trẻ, chưa mấy tên tuổi. Hăng hái, sôi nổi, xin vác cờ đi đầu đoàn biểu tình. Ông bị đánh vì lãnh đạo cho là bướng bỉnh. Tuy vậy, ông đã lộ ra có tài năng, nếu gặp điều kiện thuận lợi, có thể trở thành một cây to cành lá sum sê.

Phùng Quán có những bài thơ đăng trên Giai phẩm mùa xuân, Giai phẩm mùa thu. và bài “Lời mẹ dặn” đăng trên báo Văn số 21 ra ngày 27-9-1957.

Bài “Lời Mẹ Dặn” có thể nói là bài thơ tiêu biểu của Phùng Quán lúc bấy giờ. Đoạn kết như sau:

Người làm xiếc đi trên dây rất khó

Nhưng chưa khó bằng làm nhà văn

Đi trọn đời trên con đường chân thật.

Yêu ai cứ bảo là yêu

Ghét ai cứ bảo là ghét

Dù ai ngon ngọt nuông chìu

Cũng không nói yêu thành ghét

Dù ai cầm dao dọa giết

Cũng không nói ghét thành yêu.

Tôi muốn làm nhà văn chân thật

chân thật trọn đời

Đường mật công danh không làm ngọt

được lưỡi tôi.

Sét nổ trên đầu không xô tôi ngã

Bút giấy tôi ai cướp giật đi

Tôi sẽ dùng dao viết văn lên đá.

(Lời Mẹ Dặn – 1957)

Phùng Quán gọi Tố Hữu bằng cậu (mẹ Phùng Quán là em Tố Hữu, cách xưng hô ngoài Bắc gọi là bác). Thế mới biết cái học thuyết đấu tranh giai cấp (Lutte de classes) của ông Marx đưa vào áp dụng ở Việt Nam, đã làm mất đi cái ấm áp tình họ hàng huyết thống từ bao đời của người Việt Nam, nay đeo đôi kính giai cấp nhìn nhau một cách lạnh tanh chỉ thấy địch và ta hoặc ta và địch.

Còn có thể đưa ra nhiều dẫn chứng nữa về Lê Đạt, về Văn Cao, về Phùng Cung, về Chu Ngọc, về Trần Lê Văn…vv… nhưng thiết tưởng đã quá đủ để độc giả bình tĩnh ngày nay nhận ra cái sự thật, cái mạch ngầm của vụ án Nhân Văn – Giai Phẩm, nó là sự đố kỵ tài năng vậy.

Phần Kết

Nói lại vụ án Nhân Văn – Giai Phẩm sau 40 năm để làm gì bây giờ? Ông Tố Hữu đã thôi lãnh đạo văn nghệ từ lâu rồi. Trong không khí mở cửa và đổi mới hiện nay, không đến nỗi nghiệt ngã như thời bao cấp nữa. Cứ lấy những vấn đề báo chí và xuất bản phẩm ngày nay đề cập, thì thấy những việc mà Nhân Văn – Giai Phẩm nói đến chỉ là những bước đi đầu tiên.

Thời ông Tố Hữu, nhiều văn nghệ sĩ có tài đã từng bị hành hạ. Sau giải phóng miền Nam (1975) đã có bệnh chảy máu chất xám, nhiều trí thức đã phải bỏ nước ra đi. Bây giờ không loại trừ khả năng bệnh chảy máu tài năng, đã có những ca sĩ vượt biển, những cô văn công đi nước ngoài không về. Và năm nay cả một đoàn rối nước xin tỵ nạn.

Càng xem lại đường lối chỉ đạo với văn nghệ sĩ, chính sách đối xử với văn nghệ sĩ.

Hoàng Tiến