Nước Mắt Trước Cơn Mưa.

b6498d791232ae11bbc5072b070585c6

Cuối tháng giêng 1975, một đàn ong đông đảo bất thường chợt bay xuống Sài Gòn. Đàn ong đậu trên hai tòa cao ốc làm mọi người trong nhà sợ hãi chạy ra. Sau đó vài người bạo dạn quay lại tính xông khói đuổi ong đi.
nuocmattruocconmua
Lúc ấy, có người bàn: Biết đâu đàn ong chẳng đến báo trước một điềm gì? Nhiều thầy tiên tri từng bảo: Số mệnh dân Việt Nam chẳng bao lâu cũng không khác đàn ong lũ kiến. Quả báo , mình đối với chúng thế nào, lượt mình cũng thế.

“Điềm trời”, lời bàn được mọi người mau chóng tin theo. Không ai đốt khói xua ong nữa. Dân chúng lũ lượt kéo đến, kinh ngạc nhìn. Không ai bước vào tòa cao ốc. Nhưng rồi chỉ một ngày sau đàn ong rời đi. Chúng bay túa về hướng đông nam, phía Vũng Tàu và biển Nam Hải. Dù chẳng ai xác quyết được lời tiên đoán, nhưng hơn bao giờ hết. người ta đâm lo âu thắc mắc cho tương lai.

Vài ngày sau khi đàn ong rời Sài Gòn, lại một đàn lũ bất thường nữa xuất hiện, gần Phan Rang. Hướng Tây Bắc Sài Gòn. Lần này một đạo quân sâu rầy cực kỳ đông đảo chẳng rõ đâu ra, lúc nhúc di chuyển về hướng tây nam, che kín các mặt đường, cánh đồng. Lúc đầu, xe hơi, xe đạp chỉ giản dị cán lên chạy, bộ hành dẵm lên đi. Có sao, dẫu hơi phiền một chút. Nhưng một lần nữa, các nhà bói toán huyền bí thận trọng bảo:”lại điềm trời, chẳng chóng thì chầy ,mình có khác gì bầy sâu ,đám bọ”. Họ cảnh cáo:” Đừng hại chúng, mình đối với chúng thế nào, lượt mình cũng bị như thế”. Rồi lại như đàn ong, đám rầy cũng biến mất.

Vào khoảng thời gian ong và rầy xuất hiện, Miền Nam Việt Nam bước vào năm thứ hai của cái mà tổng thống Nguyễn Văn Thiệu mệnh danh là CUỘC CHIẾN ĐÔNG DƯƠNG LẦN THỨ BA. Trong cuộc chiến này. Quân đội Miền Nam Việt Nam tiếp tục chiến đấu chống quân phiến loạn Việt Cộng và đồng minh Bắc Việt của họ. Nhưng vắng mặt trong cuộc chiến này là Hoa Kỳ. Hơn thập niên trước, Tổng Thống John F.Kennedy tuyên bố :” Phải tạo niềm tin quân sự và phải bảo vệ tự do “. Ông kết luận:”Việt Nam chính là nơi để thực hiện cả hai mục tiêu” Song vào năm 1973, dân Mỹ và các thủ lĩnh lại quyết định:” Nơi ấy không phải là Việt Nam.”Họ đòi hỏi “ Không một người Mỹ nào nên chết ở Việt Nam nữa”.

Như vậy , đầu năm 1973, sau hơn bốn năm thương thảo ở Ba Lê, cuối cùng đến lúc Mỹ ký với Bắc Việt cái gọi là “ Hiệp Định Ngưng Chiến Và Tái Lập Hòa Bình Ở Việt Nam”. Miền Nam Việt Nam gượng gạo ký vào hiệp định sau hàng chuỗi áp lực dọa dẫm cắt đứt viện trợ của Hoa Kỳ. Bản Hiệp Định giúp Mỹ rút chân ra, triệt thoái quân chiến đấu khỏi Miền Nam Việt Nam và trao đổi tù binh chiến tranh. Bản Hiệp Định cũng tạo nên các ủy ban liên hợp điều hành việc thả tù, việc rút quân Mỹ cùng các quân đồng minh khác.Một ủy ban liên hợp quân sự khác được thiết lập để điều tra số phận người Mỹ mất tích trong cuộc chiến. Hiệp định còn dự liệu việc tổ chức một hội nghị nhằm thống nhất Nam Bắc Việt Nam một cách hòa bình.

Chỉ một phần của Hiệp Định ấy đã được chặt chẽ thi hành, đó là phần triệt thoái quân lực Mỹ. Ngày 29/3/1973 đơn vị chiến đấu cuối cùng của Mỹ rút khỏi Nam Việt Nam. Bộ tư lệnh MACV- chỉ huy Quân viện cũ đặt tại phi trường Tân Sơn Nhất-trở thành trụ sở DAO-Văn Phòng Tùy Viên Quân Sự Mỹ-. Văn phòng này chỉ có nhiệm vụ điều hợp việc cung cấp, sử dụng tiếp vận cho Quân Đội Miền Nam Việt Nam. Nhân viên DAO bị cấm ngặt không được giữ một vai trò cố vấn quân sự gì ở Nam Việt Nam.

Một trong những điều khoản đáng tranh luận nhất của Hiệp Định Ba Lê là đã cho phép Bắc Việt duy trì khoảng từ 80.000 đến 160.000 quân chính quy ở Nam Việt Nam. Chỉ với điều khoản ấy, nhiều người miền Nam hiểu ngay : Đây không phải là một hòa ước mà là bản án tử hình…

Hiệp ước dù không cho phép Bắc Việt tăng thêm quân số ở miền Nam, nhưng họ được duy trì nguyên trạng, họ có thể được tiếp vận và thay quân. Nhằm xoa dịu nỗi hoài nghi và sợ hãi của Nam Việt Nam- là phía được yêu cầu buộc phải chung sống hòa bình với sự hiện diện của Bắc quân, cả hai ông : Tổng Thống Richard Nixon và Ngoại Trưởng Henri Kissinger , là những người đích thân thương thảo hiệp định, đều đoan quyết : Mỹ sẽ không khi nào đứng ngoài , mặc cho Bắc Việt cưỡng bức Hiệp Định, bành trướng sự hiện hữu của họ tại miền Nam . Đúng thế , họ đều hứa với Tổng Thống Thiệu là Hoa Kỳ sẽ đáp ứng bằng một lực lượng quân sự mạnh mẽ, nếu có sự vi phạm hiệp định của Bắc quân . Khả năng quân sự của Hoa Kỳ, họ trấn an ông Thiệu-SẼ TRIỆT ĐỂ BẢO VỆ SỰ VẸN TOÀN LÃNH THỔ VÀ NỀN ĐỘC LẬP CỦA ĐỒNG MINH-. Ngay sau lễ nhậm chức vào mùa hè 1974, Tổng Thống Gerald Ford cũng xác nhận lần nữa lời cam kết với Nam Việt Nam và sự gắn bó với Hiệp Định Ba Lê như vậy.

Nhưng sau cùng , lời thề hứa của hai Tổng Thống Mỹ chỉ là rỗng tuếch. . Thời gian đã đem đến những vấn đề mới và lãnh đạo mới cho Hiệp Chủng Quốc. Vụ tai tiếng Watergate trước hết đem đến sự bất tín nhiệm , tiếp theo đến việc Tổng Thống Nixon từ chức taọ thế yếu cho Hành pháp Mỹ. Đây là điềm bất tường cho Nam Việt Nam vì Hành pháp Mỹ ủng hộ Nam Việt Nam, còn Lập pháp Mỹ đối kháng sự ủng hộ ấy… Rồi cuộc chiến Trung Đông , việc OPEC ( Tổ chức các quốc gia xuất cảng dầu) xiết chặt nguồn dầu làm giá dầu tăng vọt. Những việc ấy làm người Mỹ gia tăng mối quan tâm là ngoài khu vực Đông Nam Á , Mỹ cũng còn phải gắn bó với các Quốc gia đồng minh khác nữa…

Và ở Việt Nam , chiến cuộc vẫn tiếp diễn. Hiệp định Ba Lê không tạo ra hòa bình. Nó chỉ biến đổi cục diện và số quân tham chiến…CUỘC CHIẾN VIỆT NAM RÒNG RÃ ẤY, ĐẾN SAU MÙA XUÂN 1973 ẤY CHỈ CÒN THUẦN TÚY LÀ NGƯỜI VIỆT NAM GIẾT NGƯỜI VIỆT NAM, VỚI MỘT BÊN LÀ MỸ, BÊN KIA LÀ CÁC NƯỚC THUỘC KHỐI CỘNG SẢN CUNG CẤP CÁC PHƯƠNG TIỆN CẦN THIẾT ĐỂ ĐÁNH NHAU VÀ CHẾT.

Nhưng rồi vì : giá cả gia tăng, Quốc hội cắt giảm ngân sách một cách trầm trọng , vấn đề tham nhũng ở Việt Nam , ảnh hưởng bởi các phong trào “ vận động hòa bình” ở Mỹ , cường độ mâu thuẫn ở Việt Nam gia tăng mạnh mẽ…tất cả đưa đến việc thiếu hụt nghiêm trọng các phương tiện tiếp vận quân sự cần thiết sống chết của Nam Việt Nam…những thiếu hụt này gây hoang mang sợ hãi cho cả quân đội lẫn thường dân. Dù Đại Sứ Graham Martin và các nhân viên quân sự cố trấn an, người ta vẫn tin Mỹ sắp bỏ Miền Nam vào tay quân Miền Bắc – những kẻ chẳng có mấy lòng thương xót- Mỹ chịu đựng đã lâu, giờ đây. Họ kết luận MỸ XÓA SỔ NAM VIỆT NAM !

…Tuần lễ đầu của năm 1975, Bắc Việt chiếm Phước Long. Hạ thủ tỉnh này là một ý định trắc nghiệm. Bằng sự vi phạm Hiệp định một cách trắng trợn như vậy , miền Bắc muốn xem phản ứng của Mỹ ra sao. Nhưng không có phản ứng nào của Mỹ cả. Nói cho đúng, Mỹ có vẻ không quan tâm đến việc Bắc quân làm gì ở miền Nam nữa. Tháng sau đó, khi Phái đoàn Quốc Hội Mỹ đến viếng miền Nam. Bắc quân hoạt động rất ít. Phái đoàn này đến để lượng giá tình hình quân sự, tư vấn cho Quốc Hội và Tổng Thống Mỹ về việc tiếp tế Quân viện và viện trợ nhân đạo. Vài ngày sau khi phái đoàn Quốc hội Mỹ rời Việt Nam, Bắc quân đi nước cờ kế tiếp.

Ngày 10/3/1975 Bắc quân tung một trận tấn công mãnh liệt tối hậu. Họ đã biết chắc là Mỹ mất ý chí chiến đấu và cũng không muốn tài trợ cho sự độc lập của Nam Việt Nam nữa. Không còn e ngại Mỹ can thiệp, quân đội Bắc Việt khẳng định được rằng sau gần 30 năm dai dẳng. chiến thắng của họ và cuộc thống nhất Việt Nam bằng vũ lực đã đến lúc hoàn tất.

Trên đường mòn Hồ Chí Minh, miền Bắc chuyển xuống 100.000 bộ đội mới mẻ khỏe khoắn. Con đường , trước chỉ là lối mòn len lỏi giữa rừng già Việt Miên Lào, giờ đây đã trở thành một xa lộ nhộn nhịp với cả một hệ thống ống dẫn dầu chạy kèm theo đến tận tâm điểm miền Nam Việt Nam. Con đường này giờ đây không còn bị các trận bom của máy bay B 52 đe dọa nữa.

Ban Mê Thuộc, thành phố cao nguyên rơi vào tay Bắc quân giữa tháng 3 . Cuộc kháng cự của Nam quân bị đè bẹp.

Ngày 14/3/1975 Tổng Thống Thiệu làm một quyết định quân sự bất hạnh nhất trong suốt cuộc chiến dài ở Việt Nam. Ông ra lệnh bí mật triệt thoái các lực lượng miền cao nguyên trung phần xuống vùng Duyên Hải , sau đó chỉnh đốn để chuẩn bị phản công Ban Mê Thuộc. Nhưng cuộc triệt thoái chiến lược biến thành cuộc tháo chạy tán loạn. Những vụ chuyển quân khỏi Pleiku , Kontum – vì không được loan báo , giải thích- đã tạo nên nhiều suy đoán và những lời đồn đại khiếp hãi. Nhiều binh sĩ và thường dân cho rằng có mật ước chia lại ranh giới Bắc Nam, lần này vùng cao nguyên trung phần và những tỉnh phía Bắc của miền Nam Việt Nam sẽ thuộc về Cộng sản.Vì vậy , cuộc rút quân từ cao nguyên đã trở thành ĐOÀN XE CHỞ NƯỚC MẮT… Vài chục ngàn thường dân nhập vào cuộc rút quân rối loạn này. Họ làm nghẽn đường, cắt đứt dòng di chuyển của các đoàn. quân xa . Những đơn vị tiền phương Bắc quân chặn đoàn quân xa, tiêu hủy rất nhiều xe. Cuộc phản công Ban Mê Thuộc không bao giờ xảy ra : Các lực lượng cao nguyên đã hoàn toàn tan rã khi đến được miền Duyên Hải.

Lực lượng cao nguyên xóa sổ. Tổng Thống Thiệu tìm cách rút các lực lượng những tỉnh phía Bắc, dàn lại trận thế. Cố gắng này cũng thành thảm họa , các sư đoàn ấy cũng tan rã. Hằng hà sa số dân chúng và các đơn vị quân sự còn sót lại tràn đi trên các con đường dẫn đến những thành phố hướng Nam- về phía Nha Trang , Sài Gòn, hoặc về hướng Đông , nơi có những hạm đội chờ di tản họ bằng đường biển.

Giờ đây, cả mạng lưới quân sự và xã hội của miền Nam Việt Nam bắt đầu bị tan rã. Cùng một lúc. Tại nhiều nơi. Miền Nam thua trong phút chốc. Nhanh hơn cả cái khả năng chiến thắng của miền Bắc. Quân lực miền Nam như nổ tung về hướng Sài Gòn. Thị trấn , tỉnh lỵ bỏ không cho Bắc quân , không kháng cự. Tại nhiều nơi , điên lên vì sự hèn nhát và bất lực của các cấp chỉ huy, lính miền Nam đổ vấy nỗi giận dữ lên đầu dân chúng bằng những vụ bạo hành bắn giết xấu xa. Chiến thắng của quân đội Bắc Việt , ở nhiều địa điểm chiến lược trọng yếu CHỈ LÀ DIỄN HÀNH VÀO MÀ TIẾP THU.

Ngày 29/3/1975, tình trạng tuyệt vọng hỗn loạn ấy được ghi nhận một cách sống động bởi nhóm phóng viên CBS trên chuyến bay World Airways Boeing 727 ra chở người di tản từ Đà Nẳng- thành phố lớn thứ 2 của Việt Nam-.Máy bay bị binh sĩ bao vây xô lấn, họ bắn loạn vào cả đàn bà trẻ con, họ bắn lẫn nhau. Họ cố gắng điên cuồng lọt vào phi cơ để chạy trốn quân Bắc Việt. Phi cơ cất cánh, người còn lủng lẳng bám trên bánh xe , lính đứng dưới đất nổ sung bắn theo , lựu đạn tung lên nổ toác một bên cánh. Chiếc tàu bay chao đảo khập khểnh về được Sài Gòn.

Ngay chiều ấy , cuốn phim về chuyến bay được chiếu trên mục “CBS,TIN BUỔI CHIỀU”. Khán giả Mỹ vào cuối tuần lễ Phục Sinh đã chứng kiến cái khủng khiếp không tin được về một đạo quân biến thành kẻ giết người hèn hạ và một quốc gia thất trận vô vọng thống khổ với những cái chết bạo tàn.

Tại Sài Gòn, những người Mỹ gồm doanh nhân , thông tín viên, viên chức chính phủ bắt đầu di tản nhân viên và gia đình quyến thuộc. Máy bay thương mại và phi cơ quân sự chở hàng ngàn người sang Phi Luật Tân , Thái Lan , Hồng Kông, Hoa Kỳ. Nhưng chuyến bay đặc biệt chở cô nhi từ Sài Gòn sang Mỹ kết liễu thảm khốc ngày 4/4/1975. Chiếc phi cơ khổng lồ của không quân C 5A rơi nát khi cất cánh, giết hại 135 cô nhi và những người đi theo coi sóc các em. Người Mỹ ở Việt Nam và người Mỹ ở Hoa Kỳ đang theo dõi sự tan rã của Việt Nam trên truyền hình hết sức xúc động vì vụ cô nhi tử nạn , vì đây là sự tàn sát những đứa trẻ thơ vô tội. Hoa Kỳ lúc ấy như bất lực , không bảo đảm được ai, không cứu được ai, kể cả những đứa bé ra khỏi cơn đại hỏa tai xảy đến cho tất cả dân chúng Nam Việt Nam.

Sự sụp đổ gia tăng xung lượng. Ngày 21/4/1975, dưới áp lực của Hoa Kỳ và chính của các nhân viên chính phủ của ông, Tổng Thống Nguyễn văn Thiệu từ chức sau khi đọc một bài diễn văn đầy nước mắt trên truyền hình Việt Nam. Trong bài diễn văn , ông đặt trách nhiệm sụp đổ dưới chân Hoa Kỳ. Vài ngày sau , ông rời nước, Phó Tổng Thống Trần văn Hương lên nắm quyền.

Chừng để xác quyết thêm việc Hoa Kỳ bất can thiệp vào Việt Nam , chiều 23/4/1975 trong một diễn từ quan hệ tại Đại Học Tulane, Tổng Thống Gerald Ford loan báo :” ĐỐI VỚI NƯỚC MỸ CHIẾN TRANH VIỆT NAM ĐÃ CHẤM DỨT.”. Các thính giả sinh viên đứng cả dậy hoan hô ông.

Ngày 28/4/1975. Tổng Thống Hương từ chức, Đại Tướng Dương văn Minh kế vị . Có một niềm tin khá phổ thông và cũng khá sai lầm rằng ông Minh sẽ được người miền Bắc chấp nhận. Rằng giữa tất cả các khuôn mặt chính trị miền Nam , chỉ ông Minh mới thương thảo được với Bắc quân đang tiến đến. Điều này nữa , cũng chỉ là ảo ảnh, chẳng ai muốn thương thảo gì . Đối với quân đội miền Bắc ông chẳng có gì để cống hiến ngoài việc đầu hàng. Với tư cách Tổng Thống trong thời gian hết sức ngắn , hành động quan trọng nhất của ông là đầu hàng vô điều kiện.

Sáng 29/4/1975, chiến dịch GIÓ CUỐN ( Frequent Wind) bắt đầu. Đây là chiến dịch di tản người Mỹ , các nhân viên quân sự , dân sự Việt Nam từ phi trường Tân Sơn Nhất và từ Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ ra đệ thất hạm đội đậu ngoài khơi Nam Hải. Chiến dịch chấm dứt sáng sớm 30/4/1975 , vài giờ trước cuộc đầu hàng của miền Nam. Khi người Thủy quân lục chiến Mỹ sau cùng được trực thăng bốc từ nóc tòa đại sứ Mỹ sáng 30/4 , họ bỏ lại phía sau hơn 400 người Việt đợi chờ di tản. Ngày hôm trước và ngay đêm hôm đó. Những người này đã được HỨA ĐI HỨA LẠI RẰNG HIỆP CHỦNG QUỐC KHÔNG BAO GIỜ BỎ RƠI HỌ.Họ đứng im. Lặng lẽ nhìn chiếc trực thăng Mỹ cuối cùng rời khỏi mái Tòa Đại Sứ. Đối với Việt Nam, đến cả lời hứa sau cùng NGƯỜI MỸ CŨNG PHẢN BỘI.

Sáng 30/4/1975 trên chiến thuyền Đệ Thất Hạm Đội người ta nhìn thấy xuất hiện một thứ gì giống như cả đàn ong che tối bầu trời, bay từ bờ biển Việt Nam hướng ra Nam Hải. Đén chừng cái đàn lũ bí mật kia đến gần , người ta nhận ra hàng trăm chiếc trực thăng từ Duyên Hải, từ Trung châu, từ vùng phụ cận Sài Gòn, những trực thăng lái bởi các phi công Việt Nam chở gia đình họ hàng và thân hữu. Nhiều chiếc tìm cách đáp xuống tức thời. Sàn tàu chật ních , do đó cứ sau khi trực thăng đáp, người tuôn ra hết, chiếc trực thăng lập tức bị đẩy xuống biển lấy chỗ cho chiếc khác . Trên sàn bay chiếc tàu Midway. Để giữ cho những người Việt bé nhỏ yếu đuối không bị gió thổi ra khỏi thành tàu , hay bị cánh quạt chặt phải, người ta dùng nhiều đoạn giây, dài khoảng 10 feet để dìu họ đi. Các đoạn giây trao cho người tỵ nạn trong trực thăng, họ nắm vào và được người Mỹ dắt qua sàn bay , đưa xuống các tầng dưới làm thủ tục. Những hàng người bám víu sợi dây , dắt díu nhau , cố bước nhanh trên sàn tàu khổng lồ , cảnh nhìn ấy từ một khoảng cách giống như những con sâu to lớn đủ màu.

Đã mười lăm năm trôi qua kể từ khi miền Nam Việt Nam sụp đổ và đầu hàng. Kể từ khi giải phóng , người miền Bắc đã củng cố quyền lực , sửa đổi kinh tế, xâm chiếm rồi rút khỏi Cam Bốt, đụng một trận chiến với Trung quốc, mở vịnh Cam Ranh cho hạm đội Liên Xô , đổi tên Sài Gòn ra thành phố Hồ chí Minh , làm cho tổ quốc họ biến thành một nước nghèo khó nhất thế giới. Đã hơn một thập niên, Việt Nam rỉ máu “ thuyền nhân” , những người liều mạng sống , cố thoát khỏi cái tàn lụi của “ giải phóng”. Khi đối diện việc cưỡng bách hồi hương, những người này thà chịu chết còn hơn trở lại Việt Nam.

Và trong mười lăm năm qua, đông đảo người Việt đến Hoa Kỳ cùng nhiều nước khác với tư cách tỵ nạn. Họ đã hội nhập vào các xứ sở mới. Họ trở thành công dân các quốc gia khác. Hy vọng trở lại Việt Nam dần phai. Con cái người tỵ nạn đã lớn , học đại học, kết hôn , lập gia đình, tách biệt ra với nhau trong các công ăn việc làm khác nhau. Và họ đã trở nên MỸ HÓA.

Cựu chiến binh Mỹ cũng thế, về nhiều mặt , họ đã tái nhập đời sống dân sự. Một đài kỷ niệm những người bỏ mình trong chiến tranh Việt Nam đã trở nên đài Kỷ Niệm nhiều người thăm viếng nhất nước. Phim , sách, truyền hình cống hiến nhiều cố gắng- đứng đắn có , giật gân cũng có, để giúp tìm hiểu đâu là sự thật. Cái gì đã xảy ra. Và điều ấy có ý nghĩa gì !!!

Đầu mùa xuân 1985. Tôi bắt đầu nói chuyện với các cựu chiến binh Hoa Kỳ và các cựu quân nhân Nam Việt Nam. Hỏi họ về kinh nghiệm , về cuộc chiến, và về những thời gian sau đó. Tôi tiếp tục làm phương án ấy trong 5 năm kế tiếp, thăm vài chục thành phố Mỹ, sang Mã Lai , Thái Lan, Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, Hồng Kông… phỏng vấn người thắng , kẻ bại, trẻ con , người lớn , binh sĩ , dân sự, các chính trị gia, hỏi họ nhớ gì về những ngày cuối cùng của cuộc chiến Việt Nam. Hỏi họ về cuộc sống sau mùa xuân định mệnh của 15 năm trước.

Những gì tiếp theo đây là hồi tưởng và quan niệm của hơn 300 cá nhân mà tôi phỏng vấn trong 5 năm qua… Những gì họ nói cho tôi biết, không phải chỉ giản dị là về mùa xuân 75 , nhưng còn là việc họ liên hệ thế nào đến Việt Nam vào lúc ấy. Cách họ nhìn các biến cố mùa xuân năm ấy vén mở thế nào. Nay họ đã thích ứng cuộc sống mới ra sao. Còn nhớ gì về Việt Nam trong 15 năm qua. Những gì đã kể cho con cái nghe về Việt Nam. Những gì đã thấy trong giấc mơ,

Trong ấn bản Việt Ngữ dành cho độc giả Việt Nam, tác giả xin được ghi như sau : “…TÔI MUỐN ĐƯỢC TẶNG CHO NHỮNG NGƯỜI VIỆT NAM CAN TRƯỜNG , NHỮNG PHỤ NỮ , NHỮNG TRẺ EM ĐÃ HY SINH ĐỜI SỐNG CHO VIỆT NAM…”

LARRY ENGELMANN .

Nguồn :Tương Tri

1 comments

Bình luận về bài viết này

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.