Ngồi Khóc Lẻ Loi Một Mình

Buổi tối, trong bữa cơm, mẹ Kiệt bỗng hỏi:

– Hồi sáng, con nói với mẹ, con muốn lấy vợ. Vậy mẹ hỏi, con có ai chưa mà muốn lấy.

Kiệt đang ăn, thấy mẹ hỏi, vội trả lời:

– Con có rồi.

– Con quen cô ta đã lâu chưa. Con có biết gia đình người ta như thế nào không.

– Bữa tiệc cưới ở nhà hàng, con ngồi chung bàn với cô ấy. Trao đổi chuyện trò, con thấy cô ta dễ thương thì mến. Mẹ hỏi về gia đình, con mới quen sơ làm sao biết được.

– Con nói mẹ đồng ý. Bây giờ chưa biết nhưng đã muốn lấy, con phải biết rõ để sau này lấy rồi, con sẽ không ân hận. Chơi với bạn, dù là bạn trai đi nữa, con cũng phải hiểu người bạn đó như thế nào, huống chi đây lại là chuyện vợ chồng quan trọng, người mà sau này mình sống trăm năm, thì chuyện đó không thể coi là chuyện thường được.

Kiệt ngồi im. Bà mẹ của Kiệt ngưng một lúc lại hỏi:

– Thế cô ấy tên gì.

– Điệp. Thưa mẹ.

– Người Nam hay Bắc.

– Người Bắc.

– Nhan sắc.

– Với con thì được. Còn mẹ, con không biết ý mẹ ra sao.

– Chưa thấy mặt thấy mũi, chưa rõ nhan sắc đẹp xấu như thế nào, chưa gặp thì mẹ cũng chưa thể đánh giá đức hạnh của người con quen được, hỏi mẹ, dĩ nhiên mẹ không có câu trả lời dứt khoát cho con.

Từ nẫy đến giờ, ông Thuận vẫn ngồi lặng thinh. Thấy mình ít ra cũng phải có ý kiến đóng góp, ông nhẩy vào câu chuyện.

– Bà khó tính khó nết, ai mà chịu nổi. Hỏi cái gì cứ như hỏi cung thẩm vấn ở nhà tù vậy. Một câu vấn, một câu đáp, tôi ngồi nghe thấy nhức nhối cái đầu.

– Chuyện hệ trọng, ông để yên tôi lo. Con dâu cũng là con mình, đứa đàng hoàng tử tế không nói làm gì, đứa hư thân mất nết con mình sau này sẽ khổ. Mà khổ, khổ cả đời chứ không phải khổ một lúc thôi đâu.

Bao giờ cũng thế, ngại vợ lại tiếng bấc tiếng chì, ông Thuận lặng lẽ thối lui. Vẫn còn thắc mắc để hỏi, me. Kiệt lại nói:

– Nếu như con của mẹ không bị tật nguyền, mẹ đã hỏi vợ cho con từ lâu chứ không phải đợi tới bây giờ. Con đã lớn lại là con một, bố mẹ tuổi cũng đã già, sao lại không mong có con dâu, cháu nội. Các bà thương gia bạn của mẹ, con gái của họ cũng có cô tính nết thùy mị đoan trang, không hỏi chứ hỏi thì một lời là họ ưng ngay. Nhưng biết con bị tật nguyền, đi lại có nạng chống, mấy đám mẹ dọ lời đều nại cớ này cớ nọ từ chối khéo. Để rồi mẹ tính, nếu được, mẹ sẽ xúc tiến việc hôn nhân cho con. Trước nhất, con phải hỏi cô ta, bố mẹ muốn tới nhà, họ có vui vẻ nhận lời đón tiếp mình không đã.

– Để con hỏi, xem mẹ của Điệp tính sao.

– Con gái lớn muốn lấy chồng, có người tới nhà làm quen tìm hiểu, chẳng có bố mẹ nào lại không mừng. Chuyện gì cũng phải có trước có sau, hai bên đã gặp gỡ, nếu hợp ý hợp lòng mới tiến đến việc hứa hôn, cưới hỏi, chứ ở trên đời, chẳng có bao giờ khi không từ trên trời rớt xuống cả. Mưa thì phải có mây đen. Nắng thì phải có mặt trời. Việc cưới gả cũng thế, chẳng lẽ mẹ của cô ta lại không cho đó là điều mong muốn hay sao mà lại từ chối. Nhưng chuyện đó là chuyện của người ta, mẹ nói là nói thế chứ không có ý kiến bàn thêm gì cả.

Nói một thôi một hồi, mẹ của Kiệt đến đó mới chịu ngưng. Vào lúc ông Thuận ngồi coi TV, me. Kiệt đứng ở bếp rửa bát đĩa, thì ở trên lầu, Kiệt đã nhấc ống điện thoại, bấm số gọi cho Điệp.

– Anh Kiệt đây. Điệp hả.

– Không nhận ra giọng em hay sao mà anh lại còn phải hỏi.

– Nhận ra chứ. Nhưng cũng phải xác nhận cho chắc ăn. Có một lần, anh quay lộn số, nghe người nói ở đầu dây bên kia cũng giống hệt giọng em, anh liền mở máy liến thoắng nói, nói một thôi một hồi thì đầu dây bên kia người nghe đã cắt ngang, em biết người ấy nói gì không,  bà ta bảo, ông gọi lộn số rồi. Tôi cũng là Điệp nhưng ở tuổi 70 rồi, còn yêu đương gì nữa. Nếu ông không gọi lộn số thì ông đang tán tôi đấy. Anh cúp máy ngượng chín cả người. Nhưng chỉ vì lộn, anh chẳng có lỗi gì cả.

– Cái tội láu táu mới gây nên chuyện. Chỉ khổ cho bà cụ già 70 tuổi phải nghe một anh thanh niên tỏ tình lãng xẹt, nếu bà cụ đang ngủ, làm mất giấc ngủ của người ta, lỗi của anh lớn lắm đấy. Bây giờ, trở lại chuyện của chúng mình, anh gọi Điệp để muốn nói cái gì đây.

– Tin vui. Anh muốn báo cho em biết một tin vui. Vừa mới đây, anh có thưa với mẹ muốn cưới em làm vợ. Bà bảo bà muốn đến thăm mẹ em. Theo Điệp nghĩ, Điệp thấy có được không?

– Em thì được. Còn mẹ của Điệp, ít ra cũng phải hỏi xem ý của mẹ ra sao đã.

– Vậy Điệp hỏi. Có thế nào Điệp cho anh biết ngay. Nếu me. Điệp thuận, ngày giờ anh đưa mẹ anh tới tùy thuộc ở bên Điệp.

Cuộc điện đàm đến đó thì ngưng. Sáng ngày hôm sau, trong lúc ngồi cạnh mẹ, Điệp đã nói:

– Tối qua anh Kiệt có điện thoại cho con, anh ấy bảo mẹ của anh ngỏ ý muốn đến thăm mẹ.

– Đến thăm mẹ, việc đến thăm này không phải là không có lý do. Mà lý do đó thì chỉ là xem mặt con, nhận xét về mẹ, và tìm hiểu về hoàn cảnh gia đình mình.

– Mẹ tính sao.

– Người ta đã có lòng muốn đến chơi, chẳng lẽ mình lại từ chối coi không được. Còn việc bà mẹ của cậu Kiệt bằng lòng cho con bà lấy con hay không, chuyện đó lại là chuyện khác. Theo ý mẹ, mẹ thấy phải tiếp thôi.

Ngay tối đó, Điệp điện thoại cho Kiệt. Ngày chủ nhật là ngày thuận tiện nhất để hai bên gặp nhau. Buổi sáng sớm, Điệp thức dậy là biết những việc phải làm. Hút bụi, lau bàn ghế, xếp sắp đồ đạc cho gọn gàng, mấy cái vải màn cửa cũng phải rũ bụi, mấy chậu hoa cũng phải tưới cho hoa tươi, nói chung, cái gì cũng thấy cần làm hết. Rồi ngoài ra, bình trà và những cái tách uống trà đem ra rửa sạch. Hộp trà sen chưa khui sẽ được khui để pha khi khách đến nhà. Điệp còn chọn cho mình cái áo nào đẹp nhất, màu hợp với quần nàng mặc. Đôi giầy nào đi để tương xứng với bộ đồ nàng mang. Tóc phải đến tiệm uốn tóc gần nhà cắt cho được mắt với khuôn mặt của nàng. Bận tâm đến việc trang điểm nhan sắc và áo quần mặc cho ngày tiếp khách, khiến Điệp có cảm tưởng nàng chưa thực sự là cô dâu trong ngày cưới mà như đã là cô dâu thực sự chính thức rồi. Không những chỉ lo cho mình mà thôi, Điệp còn lo cho cả mẹ nàng nữa. Mẹ cũng phải chọn một bộ quần áo nào coi cho được mắt, tóc cũng phải chải chuốt ra sao cho đúng mốt thời trang, chứ một ngày như thế, mẹ không thể ăn mặc xuề xòa dễ dãi, đầu tóc để bê bối như mọi bữa được.

Mọi việc kể như tạm ổn, nhìn lên đồng hồ, Điệp thấy chỉ còn 15 phút là tới giờ hẹn khách tới nhà. Căn gác của khu chung cư có cửa sổ ngó xuống đường. Đứng ở đó, Điệp chợt nhận ra cái xe hơi của Kiệt đang đỗ ở vỉa hè bên kia đường. Bước xuống là bố mẹ của Kiệt. Rồi tới Kiệt với một cái nạng tì nách đi theo sau. Cả ba sang đường. Họ leo cầu thang lên lầu. Cửa gỗ nghe có tiếng gõ, đã biết chắc là ai, Điệp mở ra ngay.

– Cháu xin chào hai bác. Mời hai bác vào ạ.

Bố Kiệt đi trước vui vẻ nói:

– Chào cháu. Cháu khỏe chứ.

– Cám ơn bác. Cháu khỏe. Hai bác ngồi chơi.

– Cháu nói với mẹ của cháu có hai bác đến thăm.

– Dạ. Mẹ cháu ở trong phòng. Để cháu mời mẹ cháu ra ạ.

Bà mẹ của Kiệt đưa mắt ngó căn nhà. Sau khi nhận xét, bà Thuận có ngay ý kiến nói nhỏ với con:

– Cái chung cư chắc đã lâu đời nên cũ quá. Nhà cửa ở khu phố này hầu hết đều là Mỹ đen và dân Mễ nghèo không chắc có an ninh. Mẹ thấy hai mẹ con chỉ thuê có một căn phòng, đồ đạc thì chẳng có gì đáng giá cả, cứ theo ý mẹ, họ thuộc loại bình dân tầm thường thôi con ạ.

Kiệt vẫn ngồi lặng im nghe mẹ nói. Từ phòng trong, mẹ Điệp bước ra. Hai người đàn bà chào nhau xong, họ ngồi đối diện chuyện trò. Bố của Kiệt cầm ngay tờ báo để ở bàn, mở ra đọc. Đấy là cách ông chọn để cho qua giờ. Sau khi bưng nước trà ra mời khách, Điệp tiếp chuyện với Kiệt. Với đôi mắt sắc sảo của me. Kiệt thường nhìn về phía hai người, Điệp biết bà ta đang quan sát nàng rất kỹ. Điệp bỗng có cảm tưởng như mình là một thứ hàng hóa được bà chủ chợ theo thói quen nghề nghiệp, đang cân nhắc lựa chọn, đánh giá phẩm chất để trước khi có quyết định mua.

Nếu mẹ của Kiệt nói rất nhiều, thì ngược lại, mẹ của Điệp lại nói rất ít. Thay vì hỏi thì bà lại chỉ trả lời những câu của me. Kiệt đưa ra. Giữa hai người, một là thí sinh, một là giám khảo trong phòng thi vấn đáp. Đôi lúc, Điệp nhận ra mẹ có vẻ lúng túng khi phải nói về chuyện riêng của gia đình, mà theo phép lịch sự, me. Kiệt nếu là người tế nhị đã chẳng nên đề cập tới. Mặc dầu ngồi tiếp chuyện với Kiệt, nhưng đôi tai Điệp vẫn hóng nghe cuộc đối thoại giữa mẹ nàng và me. Kiệt, thế cho nên đôi ba lúc Kiệt hỏi một câu gì đó, vì không để ý, Điệp đã không trả lời.

Buổi gặp gỡ đầu tiên đã làm Điệp thất vọng. Không khí trong câu chuyện lẽ ra phải cởi mở, thân mật và vui vẻ thì ngược lại, giữa chủ và khách, sau những lời thăm hỏi xã giao, rồi cuộc đối thoại đi càng xa thì cả hai như người lạc mất hướng, Đến lúc gia đình Kiệt xuống cầu thang ra về, Điệp nhận thấy nét mặt mẹ không vui.

Trong khi đó, Kiệt lái chiếc xe chạy trên đường phố, me. Kiệt lại là người đã lên tiếng trước:

– Mẹ không thiện cảm lắm nếu phải làm sui gia với người đàn bà này. Có gì con sẽ nói sau đừng ngắt lời mẹ khi mẹ nói. Trong cách nói chuyện và dáng dấp của bà ta làm mẹ có cảm tưởng mẹ đang phải ngồi với một người đàn bà ít học và quê mùa. Đấy là ý nghĩ theo mẹ nhận xét về bà mẹ của cô ta. Còn cô ta, mẹ thấy nhan sắc đàn bà mà như thế là không được. Nước da mai mái. Vầng trán hơi gồ. Cái mũi hếch. Cổ ngắn thiếu ni tấc. Tướng nữ giới nom bần tiện như thế là mẹ không ưa. Thiếu gì đám để hỏi, sao con lại chọn một người như vậy để làm vợ hở con.

Chưa kịp lên tiếng thì bố của Kiệt đã xen ngay vào câu chuyện:

– Tôi thấy bà cái gì cũng chê. Hồi tôi chưa lấy bà, bố mẹ tôi sang chơi mục đích chỉ là để nhìn mặt, mẹ tôi thấy bà có chê bai gì đâu. Con cái nó yêu ai, làm bố làm mẹ, mình cứ thuận theo nó để nó toại lòng là được. Chuyện sau này ăn ở ra sao, đã chọn nhau rồi thì tốt hay xấu, chúng nó phải ráng mà chịu.

– Ông nói ngang như cua bò. Nó là con, có gì mình phải bảo cho nó biết. Đời thuở nhà ai trứng có bao giờ lại khôn hơn vịt đâu. Ông không phải là đàn bà, ông không thể biết đàn bà hơn tôi được. Vậy cứ để tôi lo kiếm vợ cho con.

Bố Kiệt còn cố nói:

– Bà đừng bao giờ quên thằng Kiệt chân có tật. Tôi nhắc thế để bà có đánh tiếng đám nào thì đừng để người ta chê nó rồi từ chối nghe bà.

– Tật thì tật. Ông phải biết rằng tôi là người giầu có, họ thấy tiền của tôi thì đem con gả cho kẻ tật nguyền nếu lỗ cái này thì được bù cái khác. Kiệt chân nó có đi cà thọt còn hơn chán đứa mắc bệnh thần kinh. Nhưng đồng tiền đắp vào chỗ nào thì chỗ đó xấu cũng thành tốt, tật nguyền hay thần kinh cũng được cả.

Trên đường đi từ nhà Điệp về đến nhà Kiệt, câu chuyện chỉ có thế rồi thôi. Nhưng cái chỉ có thế cũng đủ để Kiệt biết ý của me. Kiệt đã như thế nào rồi. Cưỡng lại mẹ thì Kiệt không bao giờ muốn, không lấy được Điệp thì Kiệt lại rất đau khổ, giữa hai cái một bên là hiếu, bên kia là tình, Kiệt không biết sẽ phải chọn bên nào trong tình huống khó xử này. Vì thế, chẳng muốn làm Điệp buồn, Kiệt đã không điện thoại báo cho Điệp rõ cái tin không vui.

Biết Điệp đi làm, Kiệt thường gọi Điệp vào buổi tối. Lúc 7 hoặc 8 giờ sau bữa cơm và cũng là giờ Điệp ngồi coi TV ở phòng khách hay nằm đợi giấc ngủ ở trên giường. Đã qua hai ngày, cái điện thoại vẫn không thấy đổ chuông. Điệp muốn nó đổ chuông để nghe thấy ở đầu dây bên kia có tiếng Kiệt vọng về.

Nhưng đã hai ngày, chẳng thấy Kiệt bấm số gọi, nên nó vẫn không có chuông đổ. Điệp muốn biết tin tức dù tin tức đó không đúng với mong đợi của nàng, nhưng có tin tức vẫn hơn là không có tin mà mình đang muốn biết.

Cửa sổ ngó xuống đường phố, buổi tối Điệp ngồi ở đó nhìn lên khung trời lấm tấm những vì sao. Những vì sao lẻ loi lấp lánh với ánh sáng như những viên kim cương Điệp thấy bầy ở trong tủ kính của những tiệm kim hoàn. Điệp bỗng nghĩ đến ngày cưới có một viên kim cương gắn trên cái nhẫn được Kiệt cầm bàn tay nàng xỏ vào một ngón. Tục lệ đeo nhẫn cho nhau mang một ý nghĩa người nam và người nữ đã chính thức lấy nhau để từ đó cả hai đã là vợ chồng.
Ý nghĩ như con ngựa không cương phi trên cánh đồng cỏ xanh mướt. Con ngựa lông trắng xoải vó chạy có lúc như đang bay trên những thảm cúc vàng như màu hoàng bào của vua mặc. Bởi vì Điệp cứ để mặc ý nghĩ trong đầu không còn tự kiểm soát được, thì cái ý nghĩ đó như nước từ biển khơi đổ về con sông chảy xuống hạ lưu.

Điệp mơ mộng thả hồn đi xa không biết đến đâu nữa, nếu không có tiếng điện thoại cắt đứt ý nghĩ của nàng để đưa Điệp trở về hiện tại. Không đợi chuông reo tới lần thứ ba, Điệp đưa tay chộp lấy ống nghe áp sát tai.

– Kiệt đây.

– Biết rồi. Đã hai ngày, đợi anh gọi sao lại không gọi.

Kiệt hình như không để ý đến câu trách của Điệp nên cố ý tránh phải trả lời câu hỏi đó.

– Buồn và nhớ Điệp, muốn đến lại ngại.

– Sau này nếu gần nhau, lúc đó hết nhớ và buồn có khi lại chán đấy.

Thường thì Kiệt hay tóm ngay những câu nói của Điệp để tán rộng ra, nhưng hôm nay thì không. Câu chuyện hình như không còn cảnh kẻ tung banh người hứng banh mấy lúc trước, mà nay, trái banh tới bàn tay Kiệt, Kiệt lại không đón để nó rớt xuống rồi lăn đi trên sân cỏ.

Điệp vẫn kiên nhẫn đợi Kiệt nói vấn đề chính mà nàng muốn nghe hơn là những điều Kiệt đưa ra không đâu vào đâu cả.

– Điệp biết không, anh vừa đọc xong cuốn truyện tựa đề ” The Sorrows of Young Werther ” của Goethe, trong đó có một đoạn anh thấy rất thích. Anh không muốn ích kỷ giữ cái thích đó mà không đem chia sẻ cho Điệp cùng thích chung. Vì thế, không gì hay hơn là Điệp hãy nghe anh đọc cái đoạn viết về anh chàng Werther để biết cái tình yêu của anh ta nó khủng khiếp như thế nào với một người đàn bà đã có chồng. “Hình bóng nàng theo đuổi tôi cùng khắp. Dù thức hay mơ, trọn vẹn hồn tôi chỉ tràn ngập bóng nàng. Nàng ở đây … mỗi khi tôi khép mắt, và ở đây, trong vầng trán của tôi, nơi tụ hội những thị lực từ thẳm sâu, đôi mắt đen của nàng đang ngự trị. Nàng ở đây, ôi chẳng biết nói thế nào cho bạn hiểu. Hễ tôi khép mắt lại, đôi mắt nàng đã hiển hiện trong tôi, đôi mắt như vực thẳm, như biển sâu đã hiện lên trước mắt tôi và trong tôi, nó ngập tràn mọi ý tưởng của hồn tôi” * Tình yêu si mê điên cuồng của Werther với một người đàn bà đã có chồng tên là Lôtthê chẳng còn sức mạnh nào hóa giải được để rồi cuối cùng …

Điệp vẫn để đôi tai lắng nghe nhưng trong thâm tâm vẫn không tránh khỏi thắc mắc tự hỏi, bữa nay, Kiệt nói cái gì mà lạ vậy. Điều Điệp đang chờ đợi và muốn biết về chuyện của hai người đã ngã ngũ ra sao, mẹ của Kiệt có đồng ý cho Kiệt lấy Điệp không, thì thay vì trả lời thẳng cho Điệp biết rõ sự việc, Kiệt lại đem đoạn văn trong cuốn tiểu thuyết ra đọc cho Điệp nghe. Chẳng lẽ đường đột khi không cắt ngang trong lúc Kiệt đang có hứng thú nói, nên buộc lòng Điệp phải kiên nhẫn cố ngồi nghe.

– Cuối cùng thì anh chàng Werther đã: ” Một người láng giềng nhìn thấy chớp lửa và nghe thấy tiếng nổ, nhưng vì tất cả vẫn yên tĩnh nên ông ta không để ý đến nữa. Sáng hôm sau, vào khoảng 6 giờ, tên gia nhân cầm đèn đi vào phòng. Y thấy chủ mình nằm dài trên sàn nhà, thấy súng và thấy máu. Y gọi, y lay chủ, không thấy trả lời. Werther chỉ còn thở thoi thóp”*. Điệp thấy đó là cái chết của anh chàng Werther, một kẻ tuyệt vọng khi yêu một người, tự chấm dứt đời mình bằng một cây súng với một viên đạn bắn vào phía trên mắt phải, sọ não bị vỡ.

Rùng mình thấy ghê, Điệp chặn lời Kiệt để Kiệt ngừng không đọc tiếp nữa. Nàng ngạc nhiên không hiểu vì sao bữa nay Kiệt lại đem cái chuyện chết chóc máu me ra kể, và kể như thế nhằm mục đích gì. Bằng cách khéo léo, Điệp lái sang đề tài khác như một người tài xế xe tải, chọn một con đường bằng phẳng dễ đi hơn:

– Anh để ý làm gì ba cái tiểu thuyết tình cảm đó. Nhà văn họ viết thường cố tạo ra những cái éo le, bi thảm để thu hút người đọc. Từ nãy đến giờ Điệp chỉ thấy anh đi như người đi dạo, còn chuyện thực tế lại chẳng nghe anh nói đến gì cả.

Kiệt hình như vẫn muốn cố tình né tránh hiện tại, đã chẳng nói thẳng vào câu của Điệp hỏi lại cứ vu vơ:

– Yêu người có chồng còn yêu hung bạo đến cỡ đó. Yêu người chưa chồng thì có hung bạo vẫn là tình yêu chính đáng và tuyệt vời. Vậy mà ….

Thấy Kiệt bỏ lửng câu nói, Điệp chen vào để hỏi:

– Vậy mà sao.

– Vậy mà vẫn không xong.

– Không xong có nghĩa là …

– Mẹ anh …

Điệp thấy Kiệt thiếu can đảm để nói thẳng điều mình muốn nói lại không dám nói, cái cách lấp lửng đã làm Điệp mất hết bình tĩnh phải ngồi đợi nghe.

– Anh Kiệt à. Có phải anh muốn nói mẹ anh không ưng cho anh lấy Điệp có phải thế không. Nếu phải, anh cứ nói thẳng có gì đâu mà ngại.

Chỉ cần nghe từ đầu dây bên kia, Kiệt xác nhận về điều đó đúng, thì ở bên này, cái ống nghe đang cầm ở tay của Điệp đã được đóng lại. Ngồi khóc lẻ loi một mình, trong bóng tối của căn phòng, Điệp biết từ nay trở đi, đối với nàng, Kiệt chỉ là quả bóng mà Điệp cầm sợi dây ở tay đã để tuột, quả bóng bay cao lên bầu trời rồi biến mất []

Nguyễn Trung Dũng

2/05

Bình luận về bài viết này

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.