NƯỚC MẮT TRƯỚC CƠN MƯA, “Xin hãy vì Chúa mà ngưng lại! Ngưng lại! Ngưng lại!”

Biểu tình phản chiền

Biểu tình phản chiền

NƯỚC MẮT TRƯỚC CƠN MƯA, nguyên tác Anh Ngữ “Tears Before The Rain” là một tập sử liệu về sự sụp đổ của miền Nam Việt Nam, do Larry Engelmann, Giáo Sư Đại Học San Jose State thực hiện bằng phương pháp phỏng vấn nhiều thành phần: người Mỹ, người Việt, kẻ thắng người bại …Những cuộc phỏng vấn này khởi sự từ 1985, sách xuất bản năm 1990. Bản dịch Việt Ngữ do nhà văn Nguyễn Bá Trạc thực hiện năm 1993, xuất bản năm 1995 tại California.

“Xin hãy vì Chúa mà ngưng lại! Ngưng lại! Ngưng lại!”

THOMAS MOORER
(Tham mưu Trưởng Liên quân Hoa Kỳ)

Khi Quốc hội thông qua bản Tu chính án Cooper-Church vào năm 1971 nhằm ngăn cấm các phi vụ ở Đông Nam Á; lúc ấy tôi đã phát biểu rằng: Ngay khi chúng ta rời đi, hoặc chỉ sau một thời gian ngắn thôi là Sàigòn sẽ sụp đổ.

Trở lại chương trình Việt Nam hoá: Chương trình này được thiết lập dựa trên ý tưởng là để cho Việt Nam phụ trách việc chiến đấu, còn quân đội Mỹ rút đi. Chương trình này trước đã thoát thai từ chủ thuyết Nixon, do Nixon thông báo với Thiệu tại đảo Midway, theo đó chúng ta sẽ yểm trợ không quân, cung cấp tiếp vận, còn việc chiến đấu bằng bộ binh sẽ do các lực lượng Việt Nam đảm nhiệm. Trong tinh thần này có nghĩa là các hoạt động không quân, đặc biệt các phi vụ tấn công sẽ cần được tăng cường để giữ chân quân đội Bắc Việt khi lực lượng Mỹ rút đi.

Trong tinh thần đó, vấn đề luôn luôn được đặt ra là chúng ta cần tăng cường khả năng không quân của Nam Việt Nam để chống trả lại quân đội Bắc Việt nếu họ kéo tới. Nhưng rồi Quốc hội đã cắt tất cả, cắt toàn bộ. Như thế tức là chung cuộc. Là kết thúc, vì quân đội Bắc Việt không cồn một cản trở nào nữa.

Lúc ấy Quốc hội như đã hóa điên, dẫn đầu bởi dân biểu Frank Church tấn công vào tất cả mọi vấn đề. Bất cứ ai có đôi chút hiểu biết về quân sự đều hiểu rõ là nếu để quân Bấc Việt có chỗ ẩn náu an toàn trên đất họ, rồi lại để mặc họ tấn công vào miền Nam Việt Nam mà không có một đối lực nào của Mỹ, không có hoạt động tinh vi của không quân, thì việc chung cuộc chỉ còn là vấn đề thời gian. Cách nôn nóng của Quốc hội Mỹ muốn chấm dứt cuộc chiến đã phản ảnh tính bất kiên nhẫn của người Mỹ. Một điều mà người Mỹ không thể chịu đựng nổi là những cuộc chiến lâu dài. Bất cứ cái gì tổn phí nhân mạng và tiền bạc là bỏ. Chúng ta giải quyết mọi vấn đề đều như vậy. Không cứu chữa được thì quên đi. Chúng ta không có tính kiên nhẫn của người Á Đông.

Thật điên khùng. Phần lớn các vấn đề của chúng ta đều là những vấn đề chúng ta tự đặt cho mình. Đôi khi tôi nghĩ chúng ta là một bọn ngốc. Và chúng ta cứ tiếp tục mắc phải những chứng tật ấy mãi.

Để thí dụ, tôi xin kể một số việc xảy ra ngay từ đầu mà có lẽ tôi là người liên hệ đến những việc ấy hơn bất cứ một ai khác trên mức độ chỉ huy cao cấp. Khi Bắc Việt bắt đầu đưa vào hỏa tiễn SAM, tôi đã yêu cầu Hoa Thịnh Đốn cho tôi được phép tấn công ngay, bởi vì như thế tôi mới có thể đề phòng, ngăn chặn được việc Hà Nội thiết lập các dàn phóng hỏa tiễn – nếu tôi được phép tấn công từ đầu. Tất nhiên, quý vị đều biết là họ lắp ráp hỏa tiễn và các dàn phóng tại ngay trong thành phố Hà Nội, tại đây luôn luôn có một khu vực khoanh vòng 10 dặm Anh mà chúng tôi không được phép tiến vào. Và ông bạn McNaughton, người phụ trách những chuyện này cho bộ trưởng quốc phòng McNamara đã trả lời rằng: “Họ đâu có bắn ông, họ chỉ cố ngăn chận ông thôi. Chừng nào họ bắn ông, chúng tôi sẽ cho phép ông tấn công họ.” Tất nhiên sau đó việc đầu tiên mà họ hành động là bắn hạ máy bay và sát hại các phi công chúng ta. Việc ấy đáng lẽ chúng ta có thể phòng ngừa từ trước.

Lại xin kể thêm việc đặt mìn tại cảng Hải Phòng. Tôi là một chuyên gia có tầm cỡ thế giới loại công tác này, bởi tôi đã từng tham gia mật thiết về lãnh vực này trong đệ nhị thế chiến. Tôi đã phụ trách các chiến dịch đặt mìn khi quân đội Anh bắt đầu hoạt động tại Bắc Hải.

Tôi đã viết những bản chỉ dẫn đầu tiên về việc sử dụng thứ mìn gọi là “địa lôi”. Người ta thường nghĩ đến mìn là một cái gì hình tròn ló ra những cái ngòi, có gắn xuống mỏ neo. Nhưng ngày nay mìn tân tiến được đặt dưới đất, trông giống như quả bom vậy.

Bấy giờ hạm đội Thái Bình Dương đặt dưới quyền chỉ huy của tôi, tôi bèn lấy máy bay về Hoa Thịnh Đốn – Lúc ấy là năm 1965 – để xin phép được dùng mìn phong tỏa Hải Phòng. Thế rồi vẫn những câu trả lời rác rưởi cũ kỹ: “Ồ! Đừng làm như thế. Làm thế thì bọn Nga lại đến tháo đi hết thôi.” Tôi bảo: “Người Nga không biết cách tháo gỡ những loại mìn này. Người Nga không có những quyền lợi sống chết để đến đấy đâu.” Sau này tôi vạch ra rằng mỗi năm người Nga chỉ chi tiêu có một tỷ Mỹ kim tại Việt Nam, trong khi chúng ta phải tiêu tốn 26 tỷ, như thế thực là một cuộc đầu tư quá tốn kém, nhưng họ vẫn cứ tiếp tục như thế mãi. Họ không giúp chúng tôi chấm dứt chuyện ấy. Vài kế hoạch gia tại Hoa Thịnh Đốn nghĩ rằng người Nga sẽ giúp chúng ta thương thảo với Bắc Việt, cho nên họ bảo: “Ồ! Không, chúng tôi không thể để cho ông làm chuyện ấy. Như thế ông sẽ đánh chìm tàu của các bạn chúng ta mất vân vân…” Tám năm sau, Nixon hỏi tôi: “Ông cần bao nhiêu thời gian để lập một kế hoạch dùng mìn phong tỏa Hải Phòng?” Tôi đáp: “Ba giây đồng hồ! Tôi lập sẵn kế hoạch rồi, bây giờ chỉ còn lấy ra thôi.” Ông ta nói: “Có lẽ chúng ta sẽ thực hiện việc này. Ông có thể bảo đảm sẽ không bị tiết lộ? Đúng khi nào mìn ném xuống nước, tôi lên đài truyền hình ngay.” Tôi nói: “Tôi bảo đảm sẽ không bị tiết lộ, bởi tôi biết sẽ dùng loại hàng không mẫu hạm nào. Chỉ Hải quân mới có thể bảo đảm được bí mật này. Nếu tình cờ có phóng viên báo chí nào ở trên tàu, thì họ cũng không thể ra khỏi tàu được. Việc này sẽ không bị lộ. Chúng tôi sẽ không cho họ dùng vô tuyến truyền thông.”

Bấy giờ Nixon đang ở tình trạng tuyệt vọng vì quân đội Bắc Việt đã tràn qua vùng phi quân sự trong dịp lễ Phục Sinh năm 1972. Cho nên chúng ta mới thi hành việc này. Bấy giờ ở Đông Nam Á, mỗi ngày chúng tôi có hàng ngàn phi vụ. Việc thả mìn chỉ cần xử dụng có 26 máy bay. Bay đi chỉ trong có một giờ rưỡi. Không một người nào bị thương tổn. Sau đó không còn một con tàu nào có thể vào hay ra hải cảng này cho đến khi nào chúng tôi tới tháo gỡ mìn đi. Sau bảy hay tám năm tôi cố gắng thuyết phục, bấy giờ họ mới làm!

Địch quân phần lớn nhận tiếp vận bằng tàu biển. Nhưng Không quân chúng ta cũng đã bị chỉ trích dữ dội vì không thể cản được việc tiếp vận bằng đường xe lửa. Lý do xảy ra như vậy là vì đường xe lửa từ Hà Nội lên đến biên giới Trung Hoa chỉ dài có 70 dặm Anh, mà đến biên giới Trung Hoa lại có một vùng đệm dài 30 dặm: Người ta sợ chúng tôi thả bom vào người Tàu. Thế rồi lại có một vòng 10 dặm bao quanh Hà Nội. Như vậy 10 với 30 là 40. Với cái đường xe lửa dài 70 dặm Anh, người ta chỉ còn cho phép chúng tôi được đánh bom có 30 dặm! Và thật ra địch quân cũng chẳng cần đến đường xe lửa, vì lẽ họ đã nhận được tất cả mọi thứ bằng tàu biển rồi.
Nếu bạn cần phải tấn công đường chuyển vận, bạn phải tấn công mọi hình thức chuyển vận. Bạn không thể để yên một loại nào đó, hoặc tùy theo những tàu nào. Những tàu Đông Đức, Liên Sô, Nam Yemen, và ngay cả tàu của Anh quốc cứ chạy khơi khơi qua hạm đội chúng ta, chúng ta đều biết quá rõ tàu họ chở đầy đạn dược, súng máy, tất cả mọi thứ mà chỉ một tháng sau sẽ đem ra sát hại các thanh niên chúng ta. Trận chiến tranh này là một trận chiến tranh điên khùng nhất mà tôi chưa hề biết. Tôi đã từng dự ba cuộc chiến, nhưng đến cuộc chiến này mới là kỳ cục.

Điều làm tôi lo âu hơn cả là khi tôi chứng kiến rằng chúng ta đã không có gan chiến thắng trận này, như đáng lẽ chúng ta phải làm mạnh ngay từ đầu. Rồi chúng ta bắt đầu rút quân. Việc rút quân làm chúng ta trở thành một quốc gia duy nhất trong lịch sử đã rút quân nửa chừng cuộc chiến. Khi chúng ta bắt đầu rút quân, tôi cứ nhắc đi nhắc lại mãi: “Chẳng bao lâu nữa, những người Mỹ duy nhất ở lại Việt Nam sẽ chỉ còn là các tù binh chiến tranh. Và khi xảy ra như thế, chúng ta sẽ không bao giờ mang họ ra được nữa.” Khi Tổng thống hỏi như vậy phải hành động thế nào, tôi trả lời: Đối phương chỉ là những chú cách mạng tí hon, họ chỉ hiểu được mỗi một thứ chuyện, đó là sức mạnh bạo tàn. Sau khi Kissinger đọc bài diễn văn “Hoà bình trong tầm tay” vào năm 1972, Bắc Việt chẳng hề quan tâm gì đến ý muốn của chúng ta. Cũng như Liên Sô, họ tiếp tục vi phạm những gì Kissinger đã đồng ý. Do đó, nói cho ngay, chúng ta cần phải có những hành động buộc họ chú ý.

Rồi cuộc dội bom Giáng Sinh 1972 xảy ra. Chính Tổng thống là người cần được ghi công bởi vì tôi nghĩ không một người nào khác bên hành pháp hỗ trợ cuộc đánh bom. Tôi đã liên hệ chặt chẽ từng chi tiết trong vụ ấy. Tôi đã viết toàn bộ kế hoạch với chỉ thị Tổng thống. Ông không đi vào chi tiết, nhưng ông duyệt xét và chuẩn nhận từng thứ để cho làm hay không cho làm. Người ta đã lo lắng là chúng ta có thể sát hại một số người Nga hoặc người Tàu khi đánh bom Hà Nội. Vâng, nếu quý vị hỏi thì tôi xin trả lời: Chúng ta đã giết bọn chúng chưa đủ số (đáng lẽ còn phải giết cho nhiều nữa).

Cuộc đánh bom vào lễ Giáng Sinh không tốn kém lắm. Khi Tổng thống hỏi tôi chúng ta có thể thiệt hại bao nhiêu phi vụ, tôi đáp: hai phần trăm. Chúng ta đã cho bay hơn bảy trăm bốn mươi phi vụ. Hai phần trăm con số đó là mười lăm phi vụ, đó chính là con số chúng ta đã thiệt hại.

Điều đó xảy ra đúng như lời tôi nói.

Con số tổn thất ấy thật rất nhỏ để chống lại một cuộc tập trung hỏa lực cao độ nhất thế giới. Và trong mười lăm máy bay tổn thất, chỉ có năm chiếc bị rớt xuống Bắc Việt. Lúc ấy không hề có việc trải thảm bom Hà Nội. Vài người nói có trải thảm bom, điều ấy hoàn toàn vô nghĩa. Trong thực tế, nếu chúng ta có trải thảm bom thì sau đó chẳng ai còn có thể tìm thấy Hà Nội đâu, và ngày nay Hà Nội chỉ còn là một đống gạch cho các nhà khảo cổ đến đào bới thôi. Cho đến ngay ông bạn già Cronkite đi Hà Nội trở về cũng bảo ông ta ngạc nhiên về chỗ Hà Nội không bị động chạm gì. Không có việc trải thảm bom. Sau nữa, các đại sứ ngoại quốc đều ở đó, đều còn sống cả.

Trong hai ngày chót của trận đánh bom, đối phương đã hết hỏa tiễn chống máy bay. Và rồi chính lúc ấy chúng ta ngưng đánh bom do yêu cầu Quốc hội. Chỉ có mỗi một dân biểu đã ủng hộ chúng tôi mà thôi. Tôi phải ra điều trần, vì lúc ấy mọi người đều vắng mặt. Kissinger thì đi
Acapulco. Laird đi Hawaii. Nixon xuống vùng Key Biscayne và tất nhiên đàng nào ông cũng không ra điều trần. Cuộc đánh bom phải ngưng vì lẽ báo chí nói chúng tôi đã trải thảm bom, tiêu hủy tất cả các bịnh viện. Tôi nhận được một cú điện thoại hỏi tôi về lời tuyên bố của Hà Nội rằng chúng ta đã sát hại cả tù binh của chúng ta: Chúng tôi không hề chạm đến một người nào, vì chúng tôi biết rất rõ họ ở đâu. Tờ Washington Post cũng gọi tôi về việc ấy. “Xin làm ơn đừng viết trên báo.” Tôi nói “Bởi vì điều này không đúng sự thực.” Rồi tôi hỏi “Bạn có phải là người Mỹ không?” Họ đáp “Phải chớ, chúng tôi là người Mỹ.” Tôi bèn nói “Là người Mỹ mà tại sao quý bạn lại muốn biến lễ Giáng Sinh buồn bã này trở thành một lễ Giáng Sinh đau thương bất hạnh cho các bà vợ, những người cha người mẹ của các tù binh chiến tranh? Tại sao quý bạn lại muốn làm như vậy? Đó là một chuyện dối trá thực khốn kiếp.”

Bà Nixon bấy giờ ở Key Biscayne đang khóc lóc vì lẽ chúng ta dội bom các nhà thương. Nhân viên Hành pháp, nhân viên các Bộ đều bực bội vì họ nghĩ chúng tôi đang triệt hạ cuộc bầu cử kỳ tới của họ. Họ đều la hoảng: “Xin hãy vì Chúa mà ngưng lại! Ngưng lại! Ngưng lại!” Chuyện ấy thực vô nghĩa lý! Đúng ra đừng bao giờ chúng ta ngưng cho đến khi đối phương phải thực hiện bất cứ điều gì chúng ta muốn, kể cả việc phải phóng thích các tù binh chiến tranh và rút đầu ra khỏi Nam Việt Nam. Chúng ta đã có thể giết hết chúng nếu chúng ta muốn. Và vào hai ngày cuối cùng, chúng ta không mất một chiếc máy bay nào.

Tuy nhiên Bắc Việt đã có khả năng làm xảo thuật với báo chí Mỹ, vì đa số báo chí là những người tự do. Họ không muốn chính phủ hoạt động. Họ đã tìm đủ mọi cách trích dẫn câu này câu nọ để cung ứng sự thực, nhưng họ chưa hề rời gót chân ra khỏi mấy cái quán rượu ở Sàigòn! Tôi đích thân lên gặp ban chấp hành của tờ New York Times, nhưng mấy người này thiệt quá tệ. Họ chỉ nói rằng: “Xin ông đừng mất thì giờ. Đừng lên đây làm chi. Chúng tôi chống chiến tranh, nếu chúng tôi có thể viết bất cứ điều gì xấu xa về cuộc chiến, chúng tôi sẽ viết ngay.”

Họ không buồn lắng nghe bất cứ điều gì tôi nói. Tôi chẳng hiểu tại sao. Giới truyền thông không hề bỏ lỡ một cơ hội nào hầu đẩy Hoa Kỳ vào chỗ đen tối trong từng chi tiết. Thế rồi Quốc hội nắm lấy những chuyện ấy. Quốc hội thì biết gì, toàn một lũ ngu dốt. Tất cả sự hiểu biết của họ nằm trong việc đọc mấy tờ Washington Post và tờ New York Times. Mỗi sáng họ chụp lấy mấy tờ báo ấy – Dù họ đến từ những vùng như Omaha hay Seattle hay những vùng quê mùa khác, họ cũng phải chứng tỏ với cử tri là họ chẳng kém sâu sắc gì so với dân miền Đông. Và tin tức họ lấy từ đâu? Chính là từ tờ New York Times. 99 phần trăm tờ báo này là những điều dối trá! Tướng Võ Nguyên Giáp, tư lệnh quân đội Bắc Việt từng công khai tuyên bố: Lực lượng du kích hữu hiệu nhất của ông ta, chính là báo chí Hoa Kỳ.

Tôi có thể liệt kê cho quý vị thấy rất nhiều sai lầm. Nhưng tôi không thể giải thích được tại sao chính dân Mỹ lại có tinh thần chống Mỹ đến thế, tại sao giới báo chí đã xử sự như thế. Tôi ước chi tôi có thể hiểu được!

Tôi có thể kể thêm cho quý vị đôi điều nữa về những năm ấy, là một khoảng thời gian tệ hại của đời tôi. Tôi đã nắm quyền chỉ huy Đệ thất hạm đội. Tôi đã là tư lệnh hạm đội Thái Bình Dương khi biến cố Vịnh Bắc Việt xảy ra. Rồi tôi đã phục vụ với tư cách thành viên của Bộ Tham mưu Liên quân Hoa Kỳ trong bảy năm, và bốn năm làm Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ. Những gì chúng tôi đã trải qua phải nói thực là tuyệt đối điên rồ. Chúng ta đã có quá nhiều sức mạnh, nhưng chúng ta không bao giờ sử dụng. Không bao giờ sử dụng đến sức mạnh ấy! Năm mươi năm sau nữa, một việc khó hiểu cho các sử gia là một quốc gia với sức mạnh to lớn đã đưa đến vùng ấy: năm chiếc hàng không mẫu hạm, vào khoảng đâu mười ba phi đoàn oanh tạc, chưa kể các pháo đài bay B-52, để chống với một nước nhỏ bé, ít người hơn cả các quận thuộc vùng Los Angeles và quận Orange County, khoảng một phần năm mươi của các tiểu bang, và thế mà chúng ta đã để cho xảy ra như vậy?

Johnson đã đọc một bài diễn văn, tôi nghĩ là ở Houston, ông bảo: “Chúng tôi không nhắm đến một cuộc chiến tranh lan rộng.”

Đây chính là một lời công bố có tính chỉ hướng về vấn đề Việt Nam. Nói cho ngay, ông muốn bảo người Tàu và người Nga hãy tránh ra. Nhưng tàu của Trung Cộng vẫn liên tục chở tiếp vận đến cho Việt Cộng như điên. Họ cứ chạy khơi khơi qua mặt hạm đội chúng ta.

Một điều nữa, chúng ta nói: Chúng ta sẽ không lật đổ Hồ Chí Minh. Thế đấy, lý do của chiến tranh chính là để lật đổ một chính phủ đã làm một điều gì mà người ta không thích. Chiến tranh là sự đổ vỡ của ngoại giao, hoặc, một hình thức ngoại giao bằng vũ lực, muốn nói thế cũng được. Người ta đã cố sức đòi đối phương làm một chuyện gì mà vì họ không chịu làm, cho nên mới phải mở cuộc chiến. Nhưng Johnson lại bảo chúng ta ra trận, mà không có một mục tiêu. Và chúng ta không bao giờ có mục tiêu nào hết.

Rồi sau đó, ông lại bảo chúng ta sẽ không xâm lấn Bắc Việt. Như thế Bắc Việt trở thành một quốc gia duy nhất đã có thể điều động, dàn trận được tất cả các sư đoàn bên ngoài quốc gia họ, bởi họ biết rằng chúng ta sẽ không xâm phạm đến họ.

Tôi rất buồn rầu khi Sàigòn thất thủ. Việc này đem đến những kết quả rất tiêu cực cho uy tín Hoa Kỳ. Nó bảo với cả thế giới rằng hãy cẩn thận khi đánh bạn với Hoa Kỳ. Tôi cũng cảm thấy thế về trường hợp nhân dân Đài Loan. Một khi tôi có bạn, tôi là một người bạn. Tôi không phản bội bạn mình và không ném bạn cho lũ chó sói.

Tôi cũng nhận ra rằng – tôi nghĩ chỉ một số ít người nhận ra được là có một ảnh hưởng rộng lớn về sự thất thủ Sàigòn. Việc đầu tiên đó là sự bỏ rơi bạn hữu, đồng minh. Rồi việc ấy cũng đem lại vài lý do tạo nên nhiều cuộc công kích lớn trong giới nhân viên tình báo mà chính yếu là Trung ương Tình báo CIA. Chuyện ấy vẫn còn tiếp diễn cho đến ngày nay.

Vịnh Cam Ranh làm tôi lo lắng, vì có lẽ đó là một hải cảng tốt nhất thế giói. Chúng ta đã chi tiêu hàng tỉ đô la, chúng ta đã nạo vét, đã lập ở đấy các kho dầu, các phi trường – Nó có đủ nhà thương, căn cứ quân đội, phi đạo, cầu tàu, thứ gì cũng có. Thế mà giờ đây người Nga có mặt ở đấy. Quý vị có biết người Nga đã tiêu tốn bao nhiêu để nắm được hải cảng này chăng? Không một xu nhỏ!

Bây giờ người Nga đã có một đội tiềm thủy đỉnh nguyên tử nơi ấy. Hai đội tầm thám phi cơ giúp họ thám thính khắp nơi. Họ đã dễ dàng làm cho thuyền bè của chúng ta từ Tokyo đến biển Ấn Độ phải đi vòng hàng ngàn dặm dài hơn trước. Họ có thể chặn tất cả các tàu chở dầu từ Trung Đông, là nơi đa số dầu của Nhật Bản được chở đến.

Người Nga đã nắm được tất cả những chuyện ấy mà không phải trả một tổn phí nào. Đến nay, chúng ta hãy còn nghe người ta bảo “chỗ ấy không có một vị trí quan trọng toàn cầu.” Không, chỗ ấy có một vị trí tối quan trọng, quan trọng khủng khiếp. Và lạy Chúa, người Nga sẽ không bao giờ buông tay khỏi chỗ này nữa đâu.

Và bây giờ, người Tàu đang đối diện một vấn đề trước đó họ chưa từng gặp, đó chính là vấn đề người Nga. Người Nga đã chuyển động và thiết lập được một vị thế mạnh mẽ trên toàn cầu, cũng như những gì họ đã thực hiện ở Cuba. Tôi không thuyết phục cho lọt được vào đầu mọi người về những gì xảy ra. Người Nga đã thiết lập được vị thế tại những nơi mà tôi gọi là những hải quan then chốt của thế giới. Họ đã ngồi nhìn xuống ngay cổ họng con kinh đào Panama. Và đã tiến gần đến Nicaragua. Tôi từng mãnh liệt phản đối cái thoả ước kinh đào Panama. Tôi đã ra điều trần sáu lần, bẩy lượt việc này. Tôi đã bảo với Frank Church là “Đừng ngạc nhiên chỉ trong vòng không đầy một năm, những binh đoàn sẽ tràn ra từ Panama mà lật đổ các quốc gia Trung Mỹ.”

Quả nhiên chín tháng sau, binh đội đã bay từ Cuba sang Panama trên các phi cơ của Panama, tiến vào Nicaragua lật đổ chính quyền Somoza. Đừng quan tâm đến việc Somoza là một gã chẳng ra gì. Hãy nhìn xem kết quả như thế nào. Nhưng không một ai chú ý đến điều ấy.

Trong buổi điều trần, tôi đã nói với Dân biểu Church: “Tất cả mọi thứ ông nói chỉ thuộc về cảm xúc. Ông bảo nếu chúng ta nhượng bộ thì mọi người sẽ yêu mến chúng ta. Còn nếu chúng ta không nhượng bộ, họ sẽ xé nát chúng ta và sẽ thù ghét chúng ta. Cả thế giới sẽ ghét chúng ta.” Ông này không bao giờ có thể hiểu một chút nào về tình trạng con kinh Panama cả. Tại con kinh này mỗi năm có mười hai ngàn tàu qua lại, tám ngàn trong số đó đi đến các hải cảng Hoa Kỳ hoặc rời đi từ các hải cảng của Hoa Kỳ. Người ta không thể nói cho lọt vào đầu những ông ở Quốc Hội để cho họ hiểu được mấy chuyện như thế.

Tôi đã đến thăm viếng đài kỷ niệm chiến sĩ trận vong chiến cuộc Việt Nam, tôi đã có những cảm xúc lẫn lộn về đài kỷ niệm này. Tôi không thích việc đài này không do một người Mỹ vẽ kiểu, không được xây bằng vật liệu của Mỹ, lại làm sâu dưới đất. Tuy nhiên tối thiểu tôi cũng có đôi chút thỏa mãn là họ cũng đã xây đài kỷ niệm chiến sĩ trận vong, chấm hết. Đài này có vẻ làm dịu bớt cái bực bội đau đớn của những người tham chiến, vì lẽ nhiều thanh niên đã cảm thấy xấu hổ khi về nước trong bộ quân phục. Chính vì giới báo chí mà công luận đã không ủng hộ họ.

Đã không có những người anh hùng trong trận chiến Việt Nam theo cái ý nghĩa công bố kiểu cổ điển. Báo chí đã tạo nên việc này. Tuy vậy lại có một hình thức anh hùng hơn. Ta có thể viết thành sách về những người phi công trực thăng kéo người lên từ rừng rậm trong bóng đêm mù mịt mà không nhìn thấy họ. Các phi công này đã thả giây cáp xuống kéo người lên bất kể hỏa lực, bất kể mọi hiểm nguy khác. Chúng ta đã có rất nhiều anh hùng. Tôi tin các thanh niên ấy đã làm những gì mà họ nghĩ họ nên làm, các bậc cha mẹ của họ nghĩ họ nên làm, và xứ sở của họ nghĩ họ nên làm. Họ đều là những bậc anh hùng.

Đã từng có những người nhà báo bảo tôi: Những gì xảy ra cho các tù binh chiến tranh là đúng thôi, họ phải chịu, vì lẽ đa số họ là các phi công tình nguyện. Những nhà báo ấy bảo rằng việc gì mà họ lại phải tình nguyện, thế đó! Tôi không hiểu nổi tại sao giới báo chí lại đối kháng với chính phủ của họ như vậy.

Toàn bộ câu chuyện này – toàn bộ câu chuyện khốn kiếp này – là một kinh nghiệm đáng buồn cho lịch sử chúng ta. Đáng lẽ nó không nên xảy ra với cái cách nó đã xảy ra!

Larry Engelmann

Nguồn : Tương Tri

2 comments

Bình luận về bài viết này

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.